Ngay sau khi lực lượng CSTO rút đi, Tổng thống Kazakhstan bất ngờ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng

VietTimes – Ngay sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO rút khỏi Kazakhstan và tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã bất ngờ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Murat Bektanov .
Ngày 19/8, Tổng thống Kazakhstan Tokayev bất ngờ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng của ông Bektavov (trái), đưa ông Ruslan Zhaksylykov (phải) lên thay (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 20/1, Chính phủ Kazakhstan đã dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp vào thứ Tư (19/1), nhưng phe đối lập lại phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ, khiến tình hình xuất hiện biến cố. Trong lúc đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cùng ngày đã bất ngờ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Murat Bektanov với cáo buộc ông này đã không thể hiện được khả năng lãnh đạo và chủ động ứng phó khi đất nước phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn tồi tệ nhất trong 30 năm kể từ khi độc lập.

Tổng thống Tokayev nghiêm khắc chỉ trích Bektanov, nói rằng trong cuộc bạo động diễn ra trong tháng này, ban lãnh đạo các lực lượng vũ trang quốc gia đầy bất ổn, không tỏ rõ thái độ và thiếu chủ động, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những người lính cuối cùng của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO diễu hành trước khi lên đường về nước (Ảnh: Kainform)

Ông Tokayev phê phán "Bektarnov đã không thể hiện được chất lượng điều hành lãnh đạo” khiến ông buộc phải tìm kiếm sự can thiệp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu để dẹp yên các cuộc bạo động, làm lu mờ hình ảnh ổn định và được kiểm soát của đất nước như cách Kazakhstan sử dụng để thu hút hàng trăm tỷ USD đầu tư của phương Tây vào các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và khoáng sản. Cuộc bạo loạn đã khiến ít nhất 225 người thiệt mạng. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại kinh tế do tình trạng bất ổn lên tới khoảng 2-3 tỉ USD. Khoảng 1.300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị tấn công, 500 xe cảnh sát bị đốt cháy.

Ông Betanov bị cách chức vì không hoàn thành nhiệm vụ (Ảnh: Kainform).

Trong lúc Kazakhstan xảy ra bất ổn, Tổng thống Tokayev đã tước bỏ chức vụ Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev và sa thải cháu trai của ông ta khỏi vị trí phó cục trưởng tình báo (Cục An ninh Quốc gia). Ba con rể của ông Nazarbayev cũng đã rời khỏi các vị trí cấp cao trong các doanh nghiệp nhà nước và hành lang kinh doanh. Tuy nhiên, ông Nazarbayev, 81 tuổi, hôm thứ Ba (18/11) đã xuất hiện trên truyền hình để phủ nhận sự chia rẽ trong giới tinh hoa cầm quyền, nói rằng ông đã rút lui khỏi cuộc sống công cộng và Tổng thống Tokayev toàn quyền lãnh đạo đất nước.

Cùng với việc cách chức tướng Murat Bektanov, Tổng thống Tokayev cũng bổ nhiệm tướng Ruslan Zhaksylykov cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Tư lệnh Vệ binh Quốc gia làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Tokayev cho rằng các lực lượng vũ trang cần được hiện đại hóa một cách triệt để và có hệ thống tình báo quân sự tốt hơn để cung cấp thông tin kịp thời đáng tin cậy về các mối đe dọa bên ngoài và bên trong cho ban lãnh đạo đất nước. Truyền thông nước ngoài mô tả việc bãi chức Bektanov đánh dấu giai đoạn cuối trong quá trình thanh trừng bộ máy an ninh của Tổng thống Tokayev.

Tướng Nga Andrei Serdyukov (phải), Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tạm biệt các chỉ huy Quân đội Kazakhstan trước khi lên máy bay (Ảnh: Sina)

Ông Murat Karebayul Bektanov, Trung tướng, sinh năm 1965 tại tỉnh Bắc Kazakhstan. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Chỉ huy Binh chủng hỗn hợp Kiev, đã làm việc tại Học viện Quân sự Lực lượng Vũ trang Cộng hòa Kazakhstan và được đào tạo chính quy tại Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu Nga.

Từ năm 1989 đến năm 2013, ông Bektanov giữ các chức vụ lãnh đạo trong Các lực lượng vũ trang của Kazakhstan; từ năm 2013 đến năm 2016, ông giữ chức vụ Tư lệnh Quân khu miền Đông của Kazakhstan; từ 2016 đến 2019 là Tư lệnh Lục quân các lực lượng vũ trang; từ 2019 đến 2021 là Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang. Ngày 31/8/2021 ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo Hãng thông tấn Kazakhstan (KHA) ngày 19/1, Lực lượng gìn giữ hòa bình chung của CSTO đã hoàn toàn rút khỏi Kazakhstan. Ông Volezas Husaynov, người đứng đầu Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Quốc phòng Kazakhstan thông báo trong cuộc họp báo cùng ngày 19: Việc rút các lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể khỏi Kazakhstan đã hoàn tất, toán binh sĩ cuối cùng của CSTO đã lên máy bay rời khỏi sân bay Almaty cùng ngày. Hiện tại, không còn quân đội nước ngoài đóng tại Cộng hòa Kazakhstan.

Tướng Andrei Serdyukov, Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO phát biểu trước khi rời Kazakhstan (Ảnh: Sina).

Ông cho biết kể từ ngày 13/1 năm nay, lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã rút dần trong thời hạn do Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Kazakhstan và Tổng thống Tokayev ấn định. Ông Husaynov nói rằng các hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình trên lãnh thổ Kazakhstan tuân theo Điều 2 và 4 của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Ông nói: “Nhờ một loạt hoạt động được thực hiện trong các cuộc tập trận chung hàng năm, lực lượng này đã ngay lập tức khởi động công tác gìn giữ hòa bình”.

Ngoài ra, Hãng thông tấn Nga TASS ngày 19/1 đưa tin, theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu, tướng Serdyukov, Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO kiêm Tư lệnh Lực lượng Đổ bộ đường không Nga, đã dẫn đầu tất cả các binh sĩ gìn giữ hòa bình còn lại rút khỏi Kazakhstan bằng 4 máy bay.. Sau đó, Bộ Quốc phòng Kazakhstan xác nhận rằng toàn bộ binh sĩ gìn giữ hòa bình CSTO đã rút khỏi Kazakhstan ngay trong ngày.

TASS đưa tin, nhóm binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình cuối cùng của Nga đã rời thủ đô Nur-Sultan và thành phố Almaty của Kazakhstan trên 4 chiếc máy bay khác nhau. Tướng Andrei Serdyukov, Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO và Tư lệnh Lực lượng ĐBĐK Nga, đã rời khỏi Almaty trên một máy bay chở khách Tu-154 của Nga, các binh sĩ khác đã sử dụng máy bay vận tải quân sự Il-76 để hoàn tất quá trình rút quân. Sau đó, ông Husseynov, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Quốc phòng Kazakhstan, đã thông báo toàn bộ quân đội nước ngoài đã được rút hết.

Ngày 6/1, theo đề nghị của Tổng thống Kazakhstan Tokayev, Chủ tịch Hội đồng CSTO, Thủ tướng Armenia Pashinyan đã phát lệnh, sau đó liên tiếp các nước Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan đã điều động quân đội tới Kazakhstan để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Từ khi phát lệnh đến khi chiếc máy bay vận tải An-124 đầu tiên của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga xuất phát chỉ mất không quá 12 giờ đồng hồ.

Ngày 11/1, Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã đánh giá cao việc thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của quân đội các nước CSTO và tuyên bố lực lượng này sẽ bắt đầu rút khỏi Kazakhstan sau hai ngày nữa, tổng thời gian cho việc rút quân sẽ không quá 10 ngày.

Ngày 13/1, quân đội Nga bắt đầu lần lượt rút khỏi Kazakhstan. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã đề cập trong báo cáo với ông Putin rằng việc rút toàn bộ quân CSTO sẽ được hoàn tất vào ngày 19/1.

Chiếc Il-76 cuối cùng của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO chuẩn bị rời khỏi Kazakhstan (Ảnh: Sina).

Bắt đầu từ ngày 13/1, quân đội Nga đã điều động các máy bay vận tải Il-76 và An-124 liên tiếp chở quân CSTO rời khỏi Kazakhstan. Trong số đó, quân của Armenia, Belarus và Tajikistan đều được sơ tán bằng máy bay vận tải của Nga, còn quân của Kyrgyzstan thì sử dụng xe bọc thép BTR-80, xe việt dã và xe tải quân sự để quay trở lại doanh trại ở Kyrgyzstan bằng đường bộ.

Tính đến ngày 19/1, khi chiếc máy bay vận tải Il-76 cuối cùng của quân đội Nga rời Kazakhstan, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã thực hiện nhiệm vụ ở Kazakhstan tổng cộng 13 ngày. Trong thời kỳ hoạt động cao điểm của sứ mệnh gìn giữ hòa bình, các đơn vị vận tải quân sự của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã hoàn thành trung bình hơn 20 chuyến bay mỗi ngày, vận chuyển tổng cộng hơn 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình cùng 250 xe các loại và vũ khí tới và rời Kazakhstan.

Tính đến ngày 19/1, quân đội và cảnh sát Kazakhstan vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố ở nước này, trong đó, ở Almaty vẫn có đường phố bị phong tỏa, mức độ cảnh báo được nâng lên và các biện pháp kiểm soát đã được tăng cường. Tổng cộng có hơn 2.000 nghi phạm đã bị bắt tại Almaty và hơn 10.000 người đã bị quân đội và cảnh sát Kazakhstan bắt giữ trong chiến dịch chống khủng bố trên khắp Kazakhstan.