|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Chủ trương phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của BIDV thông qua từ năm 2017. Từ đó cho đến nay, nhà băng này liên tục thúc đẩy việc chào bán vốn theo kế hoạch.
Năm 2018, BIDV đã tiếp tục báo cáo, giải trình bổ sung với các cơ quan quản lý để xem xét phê duyệt phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Ngày 30/10/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 982/NHNN-TTGSNH chấp thuận chủ trương tăng vốn theo phương án trên của BIDV. Sau đó, ngân hàng đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và được ĐHĐCĐ thông qua tại Nghị quyết số 837/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 16/11/2018.
Theo đó, BIDV dự kiến sẽ phát hành 603.302.706 cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc là KEB Hana Bank để nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 40.220,18 tỷ đồng (KEB Hana Bank sẽ sở hữu 15% vốn điều lệ sau khi phát hành).
Nhà băng này đã triển khai các bước tiếp theo như: (i) Báo cáo NHNN xem xét chấp thuận tăng vốn điều lệ; (ii) Hoàn thành việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá độc lập trong nước và thực hiện Báo cáo định giá; (iii) Tiếp tục đàm phán các văn kiện giao dịch với đối tác.
Đến ngày 21/2/2019, NHNN đã chấp thuận bằng văn bản để BIDV tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank. Bên cạnh đó, BIDV cũng đã báo cáo NHNN các vướng mắc trong quá trình đàm phán (về Điều khoản chuyển nhượng, Thư cam kết của NHNN…) và tích cực đàm phán với đối tác để có thể hoàn tất giao dịch theo kế hoạch đã trình ĐHĐCĐ.
Tới cuối tháng 7/2019, BIDV chốt giá bán 603,3 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là hơn 20.295,1 tỷ đồng, tương ứng với 33.640 đồng/cổ phiếu.
Trong một diễn biến mới, ngày 25/10/2019 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Phương án chào bán cổ phiếu của BIDV bào gồm nhiều nghị quyết của ĐHĐCĐ và Hội đồng quản trị (HĐQT) có liên quan tới việc chào bán vốn cho KEB Hana Bank.
|
Ngày đón KEB Hana Bank của BIDV thêm gần (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
|
Cùng ngày, HĐQT BIDV cũng đã phê duyệt trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt, với tỷ lệ trả cổ tức cả 2 năm đều là 7%/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng là 8/11/2019 và ngày thanh toán là 12/12/2019.
Không loại trừ khả năng, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ để tăng vốn cho KEB Hana Bank ngay sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu và cũng là ngay trước thời điểm các ngân hàng phải tuân thủ các quy định theo chuẩn mực an toàn vốn Basel II (ngày 1/1/2020) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (ban hành ngày 30/12/2016).
Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt gần 26.398 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ tăng trưởng tới 18,7%, đạt doanh thu lũy kế hơn 3.018,7 tỷ đồng. Các hoạt động khác đạt 3.591 tỷ đồng sau 3 quý kinh doanh.
Dịch vụ thanh toán ngân hàng: Hana có kinh nghiệm và thế mạnh, BIDV thì sao? |
Tính đến ngày 30/9/2019, dư nợ cho vay của BIDV đạt 1.073.510 tỷ đồng, tăng 8,57% so với đầu năm. Trong đó, tổng các khoản nợ từ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tới nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 22.436 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu đạt 2,09%.
Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng mạnh từ 7.170 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 12.193 tỷ đồng (tương ứng tăng hơn 5.023tỷ đồng).
|
Phân tích chất lượng nợ vay của BIDV tại ngày 30/9/2019 (Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2019 của BIDV)
|
Ngoài ra, BIDV cũng gia tăng mạnh việc nắm giữ các chứng khoán nợ là “chứng khoán Chính phủ, chính quyền địa phương” đạt 1.423,9 tỷ đồng tính tới cuối Quý 3/2019 (đầu năm là 104,3 tỷ đồng).
Quy mô tổng tài sản của BIDV tính tới ngày 30/9/2019 đạt 1.425.398,5 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm./.