Ngày càng nhiều rạn nứt: EU đánh tiếng sẽ xem xét lại tổng thể mối quan hệ với Trung Quốc

VietTimes – Liên minh châu Âu (EU) vốn đã coi Trung Quốc như một “đối thủ có hệ thống” và thỏa thuận đầu tư giữa hai bên đã bị tạm ngừng do căng thẳng tăng dần.
Ông Josep Borrel, đại diện cấp cao phụ trách An ninh và đối ngoại của EU (Ảnh: AFP)

EU vừa cho hay họ đang tính về việc xem xét lại toàn bộ chiến lược của họ đối với Trung Quốc trong những thags tới đây, trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng xuất hiện nhiều rạn nứt: Từ thỏa thuận đầu tư đáng chú ý bị tạm ngừng, vấn đề nhân quyền cho tới các cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng.

Josep Borrell – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao phụ trách An ninh và đối ngoại của EU – nói với tờ El Pais rằng Ủy ban ban châu Âu sẽ trình một bản báo cáo lên Hội đồng châu Âu vào cuối mùa Hè năm nay, trong đó phân tích mối quan hệ với Trung Quốc “để xem liệu có cần thiết phải đnahs giá lại chính sách hiện tại hay không”.

“Liên minh châu Âu sẽ luon luôn gần gũi với Washington hơn là Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ luôn gần gũi hơn với một quốc gia có hệ thống chính trị giống với chúng tôi hơn, một nền kinh tế thị trường, một nền dân chủ đa đảng với các cuộc bầu cử tương đồng, hơn là một đất nước đơn đảng” – ông Borrell nói trong cuộc phỏng vấn.

“Điều này không có nghĩa là chúng tôi lúc nào cũng phải ép mình vào quan điểm của Washington đối với Bắc Kinh, bởi chúng tôi có những lợi ích riêng” – vị quan chức nói thêm.

Dư luận ở châu Âu ngày càng tỏ quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc kể từ khi mà thỏa thuận đầu tư giữa hai bên được ký kết vào tháng 12/2020, bất chấp sự phản đối từ Washington. Kể từ đó, căng thẳng giữa hai bên tăng dần, và thỏa thuận trên đã phải tạm ngừng sau khi EU áp đặt hạn chế với Trung Quốc liên quan tới cáo buộc nhân quyền ở Tân Cương, và Bắc Kinh cũng tung đòn trừng phạt trả đũa.

Tuần trước, EU đã cùng với Mỹ và nhiều quốc gia khác lên án “các cuộc tấn công mạng độc hại” nhằm vào các máy chủ của Microsoft mà thủ phạm là hacker Trung Quốc, mặc dù khối này không công khai đổ lỗi cho Bắc Kinh.

Các nhà ngoại giao nói rằng, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực mang quan hệ với các nước thành viên EU trở lại trạng thái bình thường, trong đó bao gồm tổ chức hàng loạt cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Phần Lan, Malta, Hungary và Ba Lan. Ông Borrel cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Uzbekistan hồi đầu tháng này, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tổ chức hội đàm trực tuyến với Đức và Pháp.

Giới quan sát nhận định rằng vẫn có khả năng vãn hồi thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc, và cả hai phía đều mong muốn tháo gỡ vấn đề thông qua Hội nghị thượng định EU-Trung Quốc tổ chức trong năm nay, mặc dù vẫn còn rất nhiều khác biệt khiến hai bên chưa thể thống nhất nhiều chi tiết, bao gồm địa điểm tổ chức.

Chủ tịch Tập Cận Bình chưa từng có chuyến công du nào kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020 và phía Trung Quốc đến nay mới chỉ đề xuất các địa điểm tổ chức hội nghị cách xa thủ đô Bắc Kinh, như thành phố Quý Châu.

EU đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận với Trung Quốc kể từ tháng 3/2019, khi mà khối này dán nhãn Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống” đồng thời đưa ra 10 đề xuất cho các mối quan hệ tương lai, bao gồm theo sát các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và thúc đẩy một mối quan hệ thương mại và đầu tư cân bằng hơn với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhận thức được rằng, cử tri của họ không thích Trung Quốc. Kết quả thăm dò do Pew Research công bố hồi cuối tháng 6 vừa qua cho thấy, dư luận châu Âu tiếp tục có quan điểm không tích cực về Trung Quốc. Đây vốn là một xu hướng chủ đạo trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Đức, Thụy Điển, Pháp và Hà Lan.

Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên chính là do kiểu ngoại giao “Chiến Lang” đầy hung bạo của Trung Quốc và việc nước này bảo vệ các chính sách của họ ở Tân Cương và Hong Kong. Các nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh nói rằng, họ đã nêu những mối quan ngại đó với các đối tác Trung Quốc nhưng phần lớn là không có thay đổi gì.