Giới lãnh đạo EU thể hiện rõ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở cửa các thị trường trong nước, tôn trọng các cộng đồng người thiểu số và ngừng đàn áp ở Hong Kong, thêm rằng châu Âu không còn là chỗ để lợi dụng trong thương mại.
EU thể hiện rõ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong hội nghị trực tuyến (Ảnh: SCMP)
EU thể hiện rõ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong hội nghị trực tuyến (Ảnh: SCMP)

Mặc dù nhấn mạnh rằng EU sẽ không chọn bên trong bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã đưa ra một thông điệp cứng rắn với Bắc Kinh.

“Châu Âu là một người chơi, chứ không phải một sân chơi” – Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Trung Quốc hôm 15/9, nói trước các phóng viên trong cuộc họp báo, đồng thời cho rằng châu Âu ngày càng nhận thấy Trung Quốc đã không tuân thủ các cam kết mà họ đưa ra về hoạt động thương mại công bằng và tự do.

Với hơn 1 tỷ euro giá trị thương mại song phương mỗi ngày, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của EU – sau Mỹ - đối với hàng hóa và dịch vụ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc và cả hai bên cũng không thể đưa ra tuyên bố chung. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho hay, ông Tập đã bác bỏ việc các nước châu Âu can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề nhân quyền.

“Người dân Trung Quốc sẽ không chấp nhận “một người ra lệnh” về vấn đề nhân quyền và phản đối tiêu chuẩn kép” – Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói trong hội nghị trực tuyến – “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi với phía châu Âu, dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng tôn trọng lẫn nhau, để hai bên đều đạt bước tiến”.

EU cáo buộc Trung Quốc đã phá vỡ hàng loạt quy tắc thương mại toàn cầu, từ việc sản xuất lượng thép quá lớn cho tới đánh cáp tài sản trí tuệ của phương Tây, điều mà Bắc Kinh bác bỏ. Thái độ của châu Âu đối với Trung Quốc cũng đã cứng rắn hơn, do đại dịch COVID-19 – mà nhiều nhà khoa học tin rằng bắt nguồn từ Trung Quốc – và bởi luật an ninh quốc gia ở Hong Kong mà phương Tây cho là hạn chế các quyền cơ bản của con người.

“Chúng tôi thực sự nghiêm túc về việc có quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc và phá vỡ các rào cản” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị.

Thủ tướng Đức Merkel nói rằng bà và 2 người đồng nghiệp EU đã thúc giục ông Tập phải rõ ràng về việc liệu Trung Quốc có thực sự muốn có một thỏa thuận đầu tư đang được đàm phán hay không. Nếu thỏa thuận đạt được, Trung Quốc sẽ phải mở cửa thị trường của họ với EU.

“Chúng tôi đã gây sức ép để đạt được tiến triển trong thỏa thuận đầu tư” – bà Merkel nói với các phóng viên tại Berlin – “Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc cần phải dựa vào một số nguyên tắc nhất định – đôi bên cùng có lợi, cạnh tranh công bằng. Chúng ta là các hệ thống xã hội khác nhau, nhưng mặc dù chúng ta cam kết với chủ nghĩa đa phương, nhưng nó cần phải dựa trên các quy tắc”.

Bà Merkel thêm rằng, yêu cầu mở cửa thị trường Trung Quốc mà EU đưa ra là hợp lý, bởi nền kinh tế Trung Quốc đã biến đổi trong suốt 15 năm qua.

EU cũng muốn Trung Quốc đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn về biến đổi khí hậu. Hiện Trung Quốc vẫn là quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. EU và Trung Quốc đã có một thỏa thuận để bảo vệ các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát xuất khẩu của nhau.