Liên minh châu Âu chính thức đình chỉ quá trình xem xét Hiệp định Đầu tư Trung Quốc - EU

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Valdis Dombrovskis, Trưởng đại diện thương mại của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố khối này đã đình chỉ quá trình xem xét phê duyệt Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU.
Quan hệ Trung Quốc - EU hiện đang ở trong tình trạng tồi tệ (Ảnh: Bangyue).
Quan hệ Trung Quốc - EU hiện đang ở trong tình trạng tồi tệ (Ảnh: Bangyue).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 5/5, ông Valdis Dombrovskis đã nói hôm thứ Ba (4/5) rằng do quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và EU xấu đi sau các lệnh trừng phạt lẫn nhau, EU đã đình chỉ việc phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc – EU (Comprehensive Agreement on Investment, CAI).

Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Điều hành của Ủy ban Châu Âu phụ trách về thương mại, bày tỏ: "Ủy ban Châu Âu chúng tôi đã đình chỉ các hoạt động tiếp cận chính trị liên quan đến Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU”.

Ông nói: “Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện tại, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đã phản công lại các biện pháp trừng phạt đối với những người bao gồm cả các thành viên của Nghị viện châu Âu, môi trường này không có lợi cho việc xem xét phê chuẩn hiệp định”. Ông Dombrovskis cũng nói rằng liệu Hiệp định có được thông qua hay không phụ thuộc vào diễn biến tới đây của mối quan hệ EU-Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán về kinh tế và thương mại giữa EU và Trung Quốc đã kéo dài suốt 7 năm, EU từ lâu đã hy vọng đạt được thỏa thuận nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của các công ty EU, tạo điều kiện cho các công ty châu Âu đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, xe ô tô điện và các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào ngày 22 tháng 3, Liên minh châu Âu đã trừng phạt 4 quan chức và 1 tổ chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Đây là lần đầu tiên Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc trong 32 năm qua. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức phản ứng, tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt 10 người và 4 thực thể của phía Liên minh Châu Âu vì đã “phát tán ác ý và thông tin sai sự thật, gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc”. Sau đó, Nghị viện châu Âu cũng ngay lập tức thông báo hủy bỏ cuộc họp xem xét thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU dự định tiến hành vào ngày 23/3; quan hệ giữa Trung Quốc và EU nhanh chóng trở nên tồi tệ.

Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (ảnh nhỏ) tuyên bố EU đã đình chỉ quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU (Ảnh: Đông Phương).

Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (ảnh nhỏ) tuyên bố EU đã đình chỉ quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU (Ảnh: Đông Phương).

Sau khi Ủy ban châu Âu hoàn tất đàm phán Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU, Ủy ban châu Âu vẫn cần xem xét văn bản của hiệp định và dịch tài liệu sang hàng chục ngôn ngữ của EU. Hiệp định này sẽ chỉ có hiệu lực sau khi 27 quốc gia thành viên EU đồng ý và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Vì vậy nếu Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU được ký kết, có thể tiến triển thuận lợi, toàn bộ quá trình dự kiến ​​ đầu năm 2022 mới có thể hoàn thành.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 4/5 cho biết thêm, trong cuộc tranh luận diễn ra tại Nghị viện châu Âu ngày 28/4 vừa qua, nhiều nghị sĩ đã chỉ trích các hành động phản trừng phạt của Trung Quốc và cảnh báo rằng Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU đã bị đóng băng.

Họ cũng nhắm vào các quan chức đứng đầu của Ủy ban châu Âu, cáo buộc các nhà lãnh đạo này ưu tiên phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc với cái giá phải trả là hy sinh vấn đề nhân quyền.

Hầu hết các đảng lớn trong Nghị viện Châu Âu đều đã chính thức tuyên bố rằng nếu các lệnh trừng phạt (của phía Trung Quốc) vẫn tồn tại, họ sẽ không ủng hộ Hiệp định Đầu tư EU - Trung Quốc. Cho dù nếu có được sự ủng hộ của đảng lớn nhất, Đảng Nhân dân châu Âu vốn thân giới doanh nghiệp, Hiệp định này có thể vẫn không có đủ số phiếu ủng hộ để thông qua.

Ủy ban châu Âu sẽ ban hành luật để ngăn cản Trung Quốc thu mua, sáp nhập các công ty chiến lược (Ảnh: Hk01).

Ủy ban châu Âu sẽ ban hành luật để ngăn cản Trung Quốc thu mua, sáp nhập các công ty chiến lược (Ảnh: Hk01).

Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU được lãnh đạo hai bên ký vào tháng 12 năm 2020. Ban đầu, Hiệp định này dự kiến ​​sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua và được lãnh đạo 27 quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu phê duyệt một cách suôn sẻ để chính thức có hiệu lực. Mọi việc trở nên bế tắc khi Trung Quốc trả đũa các nghị sĩ và tổ chức của châu Âu lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở đây.

Ngoài ra, theo trang tin Hồng Kông Hk01 ngày 5/5, truyền thông Pháp và Đức cho biết, bà Margrethe Vestager Ủy viên Cạnh tranh châu Âu, ngày 5/5 sẽ công bố dự luật nhằm ngăn chặn Trung Quốc thu mua, sáp nhập và tham gia đấu thầu các công ty Châu Âu.

Tờ Süddeutsche Zeitung (Thời báo Nam Đức) cho biết họ đã có được bản dự thảo dài 63 trang khuyến nghị ngăn chặn các công ty nước ngoài được chính phủ trợ cấp mua lại các công ty EU hoặc tham gia vào các cuộc đấu thầu công khai của EU. Mặc dù bài báo không nêu tên Trung Quốc, chỉ đề cập đến Trung Quốc trong phần chú thích và chú dẫn, nhưng tờ báo nhận định rằng Trung Quốc rõ ràng là một trong những mục tiêu của luật mới được đề xuất.

Tờ báo trích dẫn dự thảo văn bản cho biết Ủy ban châu Âu đã chỉ ra trong lý do lập pháp rằng ngày càng có nhiều ví dụ về các công ty nước ngoài nhận trợ cấp của chính phủ để mua lại các công ty EU hoặc phá hoại cạnh tranh bình đẳng, và nguy cơ bóp méo thị trường đang gia tăng.

Truyền thông Pháp ngày 5/5 cũng trích dẫn các tài liệu chính thức của EU họ có được cho biết sẽ đề xuất trao quyền hạn mới cho EU để điều tra các thương vụ mua bán và sáp nhập trị giá hơn 500 triệu euro của các công ty ngoài EU nhằm mua lại các công ty EU.

Bà Margrethe Vestager Ủy viên phụ trách Cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (Ảnh:eudebates)

Bà Margrethe Vestager Ủy viên phụ trách Cạnh tranh của Ủy ban châu

Âu (Ảnh:eudebates)

Theo luật mới, EU có thể điều tra các khoản trợ cấp của nhà nước đằng sau việc các công ty đấu thầu các hợp đồng công ích quy mô lớn. Các nhà thầu đấu thầu các đoàn tàu đường sắt hoặc các hợp đồng thiết bị viễn thông trị giá hơn 250 triệu euro phải báo cáo tất cả các khoản trợ cấp mà họ nhận được cho Ủy ban châu Âu. Sau khi ủy ban đánh giá, các nhà thầu có thể bị loại khỏi cuộc đấu thầu.

Tài liệu gợi ý rằng ngay cả khi giao dịch không chạm ngưỡng nói trên, ủy ban cũng có thể tiến hành điều tra. Theo quy trình lập pháp của EU, sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất một dự luật, nó cần được Nghị viện và Hội nghị các Bộ trưởng và Nghị viện thông qua trước khi được thực thi sau đó vài năm.

Trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, hiện 18 quốc gia (trong đó có Đức) đã có luật hạn chế công ty vốn nước ngoài sáp nhập và mua lại các công ty chiến lược quan trọng.

Điều đáng chú ý là thông báo của EU ngày 5/5 được đưa ra vào thời điểm mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã trở nên bế tắc do các vấn đề như Tân Cương và Hồng Kông. Trưởng đại diện thương mại của EU Valdis Dombrovskis ngày 4/5 thông báo EU đã đình chỉ quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Trung Quốc - EU.