|
Công ty Đóng tàu Hạ Long bàn giao một tàu hàng đã đóng xong. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN) |
Cụ thể, theo báo cáo của SBIC, tính đến ngày 30/4 vừa qua, tổng số lao động toàn Tổng công ty là 15.208 người, trong đó, lao động có việc làm là 13.800 người, lao động thiếu việc làm là 1.408 người. Số lao động thiếu việc làm chủ yếu tại các Công ty cổ phần.
Hiện, Tổng công ty đang nợ lương 80 tỷ đồng. Nợ hơn 130 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (chưa bao gồm tiền khoanh nợ là 224,2 tỷ đồng). Trong đó, hầu hết các đơn vị đều có nợ như Phà Rừng, Đà Nẵng, Bạch Đằng...
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC cho biết, trong thời gian qua, thị trường vận tải và đóng mới thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn và chưa thấy có tín hiệu phục hồi tích cực, thị trường vận tải biến vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và hiện tượng thừa cung về năng lực vận tải do vậy giá cước trên thị trường sẽ tiếp tục gây sức ép đối với các chủ tàu. Điều này đã ảnh hưởng việc đầu tư đóng mới các phương tiện vận tải, trong đó bao gồm cả các chủ tàu trong và ngoài nước.
Theo báo cáo tài chính của SBIC, sản phẩm, giá trị sản xuất và doanh thu của Tổng công ty trong các năm 2013, 2014, 2015 và quý 1/2016 đều cao hơn năm trước nhưng vẫn tiếp tục lỗ do thực hiện tái cơ cấu nợ, chi phí phải trả lãi vay cao và chênh lệch tỷ giá là do từ các khoản nợ cũ đem lại, thanh lý nguồn tài sản, vật tư, thiết bị tồn đọng, hư hỏng không có nhu cầu sử dụng...
Cụ thể, năm 2014, toàn tổng công ty lỗ gần 4.770 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 4.966 tỷ đồng. Đặc biệt, con số lỗ của quý 1 năm nay là 710 tỷ đồng.
Chỉ ra những khó khăn trong công tác sản xuất kinh doanh, lãnh đạo SBIC cho rằng, do Tổng công ty đang thực hiện tái cơ cấu (trong đó có tái cơ cấu tài chính) nên khi triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, các đơn vị rất khó tiếp cận được với các ngân hàng thương mại để vay vốn phục vụ thi công đóng mới, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
“Thị trường trong nước đang dần thu hẹp và có sự cạnh tranh cao. Từ năm 2017, tỷ trọng doanh thu sản lượng của SBIC từ các hợp đồng trong nước sẽ giảm nên phải tăng cường tham gia vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các đơn vị của SBIC vẫn chưa tiếp cận được với các đơn hàng đóng mới tàu thương mại,” ông Sự nói.
Kể cả ngay khi lấn sang được sân chơi quốc tế, SBIC khả năng cũng gặp trở ngại khi tham gia thị trường này là khả năng chào giá và tài chính nên các nhà máy của đơn vị chỉ có thể tham gia thị trường quốc tế dưới hình thức gia công và để đối tác chấp nhận hình thức này là hết sức khó khăn vì rất ít khách hàng chịu gánh phần lớn rủi ro của gói vật tư thiết bị cho nhà máy đóng tàu trong khi có nhiều lựa chọn đóng tàu hoàn chỉnh từ các quốc gia khác.
Về công tác cổ phần hóa, SBIC nhận định việc cổ phần hóa 7 đơn vị giữ lại theo chỉ đạo cũng rất khó do vẫn thua lỗ tại hầu hết các đơn vị nên chưa xử lý được phương án tài chính. Các đơn vị này đều đang âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có đơn vị âm vốn chủ sở hữu rất lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Sự, việc thực hiện giải thể các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tất cả các đơn vị đều kinh doanh thua lỗ hoặc đã ngừng hoạt động. Thậm chí, nhiều đơn vị giải thế hiện nay không có kinh phí để duy trì bộ máy phục vụ cho công tác giải thể.
Đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty, SBIC đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xem xét cho phép SBIC được xóa nợ (nợ gốc và nợ lãi) và hỗ trợ một khoản kinh phí để đơn vị giải thể, tuy nhiên đến nay chưa được Bộ này phê duyệt.
Ngoài ra, SBIC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép doanh nghiệp được tham gia các dự án đóng tàu ở mọi lĩnh vực như tàu cá, tàu kiểm ngư, tàu du lịch, tàu của Cục Hàng hải, Tập đoàn dầu khí Việt Nam...
Theo Vietnam+