|
Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao cờ Chính phủ cho Bộ TT&TT. |
Ngày 27/8, Bộ TT&TT tổ chức 71 năm ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (28/8/1945 - 28/8/2016). Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành.
71 năm đầy tự hào
Sau cách mạng tháng 8/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu chính thức tuyên cáo với quốc dân đồng bào và thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới. Giúp việc cho chính phủ có 13 bộ, trong đó có Bộ TT&TT, Bộ Giao thông - công chính (tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay). Trên cơ sở đó, ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 28/8 hằng năm là ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập ngành TT&TT, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đánh giá: "71 năm đồng hành và phát triển cùng dân tộc, nhất là sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, ngành TT&TT đã không ngừng lớn mạnh toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và đặc biệt là công nghệ thông tin. Trở thành ngành "vững về chính trị, mạnh về kinh tế; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô doanh thu và thị trường; có tỷ trọng đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước".
"Chúng ta đang sống trong môi trường số, sự phát triển vượt bậc trong khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã và đang tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế xã hội. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi lĩnh vực TT&TT cần tích cực chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế, làm chủ công nghệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa là người đi tiên phong, vừa là người kết nối", bà Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá.
Trong khi đó, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết: "Đây là dịp tốt nhất để chúng ta tự hào về quá khứ, hiến kế cho hiện tại và tin tưởng ở tương lai. Cổ vũ ngành TT&TT đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, vững bước tiến lên giành nhiều thành tựu và đỉnh cao mới, xứng đáng với các thế hệ cha anh, niềm tin cậy của Đảng, tín nhiệm của bạn bè quốc tế và sự mong đợi, tin yêu của quân và dân cả nước".
"Bộ TT&TT ra đời là một dấu ấn trong tiến trình phát triển của ngành. Dù khiêm tốn, chúng ta cũng tự hào nói rằng, các thế hệ những người làm TT&TT nước nhà luôn sáng tạo đi đầu trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước. Chúng ta đã lập nhiều chiến công, làm tốt vai trò mở đường dũng cảm, sáng tạo trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao đẹp. Đồng thời, đã tự mình vươn lên trong cơ chế bao cấp lạc hậu níu kéo khá dài. Chúng ta đã khôn khéo, vượt khó trong thế bao vây cấm vận, từng bước thay thế công nghệ kỹ thuật lạc hậu để làm đúng nhiệm vụ được giao và dũng cảm xông mình ra thế giới để học hỏi, đi tắt đón đầu, đi thẳng vào khoa học công nghệ hiện đại, tự tin và chủ động chấp nhận cạnh tranh toàn diện đổi mới bên trong gắn với hợp tác bên ngoài. Chúng ta tự mở rào đi lên phía trước, tạo đà và chớp nhanh thời cơ khi đất nước đổi mới và mở cửa, để có nhiều bước tiến bộ đột phá và sáng tạo cho đất nước", ông Lê Doãn Hợp khẳng định.
Đánh giá sự phát triển của ngành trong những năm qua, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, ngành TT&TT đã trở thành ngành tiên phong thực hiện đường lối đổi mới một cách sáng tạo với quyết sách "Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ".
Ngành thông tin và truyền thông đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; có tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu, thị trường. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành đã có tác động trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất, và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, ngành TT&TT đã trở thành một ngành vững về chính trị, mạnh về kinh tế, có kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao cả về tốc độ lẫn quy mô, doanh thu và thị trường.
“Chúng ta vô cùng tự hào với những thành tựu quan trọng, toàn diện đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và CNTT trong suốt 71 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của ngành TT&TT. Từ một Ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh; trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay ngành TT&TT đã trở thành một ngành vững về chính trị, mạnh về kinh tế; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường; có tỷ trọng đóng góp cao cho ngân sách nhà nước; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý, tình hình trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, sự phát triển vượt bậc của CNTT&TT yêu cầu chúng ta phải liên tục đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt chức năng quản lý trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Với những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng và phát triển ngành TT&TT trong 71 năm qua, toàn Ngành cần nỗ lực phấn đấu vươn lên, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và phát triển, quyết tâm thực hiện thành công chiến lược tăng tốc “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT”.
5 định hướng phát triển
Để đạt mục tiêu nói trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị toàn ngành TT&TT tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo định hướng sau:
- Thứ nhất là phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt hệ thống báo chí, đảm bảo để các cơ quan báo chí thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích phù hơp với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, nâng cao chất lượng chính trị, chất lượng nghiệp vụ, giá trị văn hóa, giá trị giáo dục của báo chí.
- Thứ hai là phát triển hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc.
- Thứ ba là duy trì sự phát triển bền vững của các dịch vụ bưu chính truyền thống, đồng thời nghiên cứ phát triển dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng của thương mại điện tử.
- Thứ tư là đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững, tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
- Thứ năm là huy động mọi nguồn lực và lợi thế của đất nước, chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng; nâng cao số lượng và chất lượng và chất lượng nguồn nhân lực về CNTT theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng doanh thu của các doanh nghiêp viễn thông năm 2015 đạt gần 526,132 tỷ đồng, nộp ngân sách 48,247 tỷ đồng; lĩnh vực công nghệ thông tin hiện có trên 15.000 doanh nghiệp hoạt động; kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện hằng năm đạt hơn 32 tỷ USD; Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2015 đạt hơn 20 tỷ USD.