Ngành thuế đang “tìm hiểu” về giao dịch của thương mại điện tử

VietTimes -- Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm cho rằng: “Nếu là giao dịch thuần túy trong nước thì có thể chi phối bằng các luật lệ hiện hành, còn những hoạt động thâm nhập vào trên nền tảng kinh tế chia sẻ thì đúng là chúng ta còn lúng túng” và ngành thuế mới đang trong giai đoạn “tìm hiểu” các hình thái giao dịch của thương mại điện tử tại Việt Nam.
TPHCM có khoảng 13.800 tài khoản facebook quảng bá sản phẩm hoặc có hoạt động thương mại điện tử. Ảnh minh họa: VTV.

Bước đầu, cơ quan thuế đã phối hợp sở Công thương TP.HCM xác định có 297 sàn giao dịch thương mại điện tử, hơn 8.170 website bán hàng và 73 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động.

Riêng TPHCM cũng có khoảng 13.800 tài khoản facebook quảng bá sản phẩm hoặc có hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, xác minh cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hình thức giao dịch điện tử trên trang mạng xã hội và các sàn giao dịch đều là những đơn vị đã có đăng ký thuế.Còn một số dạng chưa đăng ký thuế, đặc biệt là dưới dạng các nickname trên facebook thì ngành thuế TPHCM cũng đã nhận dạng và bước đầu phát động ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của người kinh doanh.

Những tháng vừa qua, cơ quan thuế đã gửi thư đến gần 13.800 nickname faceboook, qua đó đã lập biên bản xác định số liệu kinh doanh với gần 3.780 tổ chức, cá nhân.

Người đại diện Cục thuế TPHCM cũng khẳng định những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh online còn cố tình lách luật chắc chắn sẽ bị xử lý.

Gần nhất là trường hợp một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mỹ phẩm nhưng toàn bộ các thanh toán đều thông qua tài khoản cá nhân, chứ không qua tài khoản của doanh nghiệp. Từ “vỏ bọc” hộ kinh doanh cá thể của cá nhân này, cơ quan thuế còn phát hiện ra một mạng lưới giao dịch mua bán với các đối tác khác. Bước đầu ngành thuế TPHCM đã truy thu được khoảng 8 tỷ đồng tiền thuế chỉ riêng ở nhóm kinh doanh này.

Nhiều ĐBQH đã đặt vấn đề rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có trụ sở ở nước ngoài, làm sao quản lý dòng tiền này để chống thất thu thuế đang là câu hỏi lớn với các nhà quản lý. Hơn nữa, quản lý thuế thông qua hình thức hóa đơn đỏ như hiện nay đã vô hình chung đẩy các hoạt động thương mại điện tử thanh toán qua thẻ ra ngoài phạm vi “phủ sóng” của cơ quan thuế.

Tính chung cho đến nay, tổng số tiền truy thu từ các hoạt động kinh doanh trên mạng là hơn 21 tỷ đồng. “Con số này tuy không lớn nhưng bước đầu đã xác lập được quan hệ quản lý thuế với doanh nghiệp kinh doanh online và đặt ra giải pháp cho những năm sau này”, ông Tâm nhận xét.

Trước các câu hỏi làm sao quản lý thuế với kinh doanh online khi các giao dịch tại Việt Nam hiện vẫn còn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, ông Tâm cho hay trong định hướng chung các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã có đề xuất tất cả giao dịch thương mại có giá trị 10 triệu đồng (thậm chí có thể từ 5 triệu đồng) phải thanh toán qua ngân hàng.

Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm. Ảnh: Đảng bộ TP.HCM.

Đây là đề xuất không chỉ để đáp ứng các yêu cầu về quản lý thuế mà còn phục vụ cho nhiều công tác quản lý nhà nước khác. Bộ Tài chính cũng đang đặt vấn đề năm 2018 sẽ ban hành hóa đơn điện tử. Từ đây sẽ có thể quản lý được tiền thuế thông qua cả hóa đơn điện tử và kênh thanh toán qua ngân hàng.

Về hiện tượng nhiều tổ chức có trụ sở ở nước ngoài như Youtube, Facebook, Google… thực hiện kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ du lịch trong nước và du khách rồi nhận chia sẻ một phần lợi nhuận từ các giao dịch này, ông Tâm cho hay “nếu người giới thiệu được thanh toán tiền trực tiếp từ doanh nghiệp tại Việt Nam thì phải thực hiện kê khai và nộp thuế nhà thầu”.

Trường hợp các tổ chức tại Việt Nam mua hàng tại Việt Nam nhưng đôi bên lại thanh toán tiền ở nước ngoài cũng đã được cơ quan thuế phối hợp với ngành ngân hàng “đưa vào tầm ngắm”. “Hiện ngành thuế đang báo cáo Bộ Tài chính để có cơ chế thu thuế với dòng tiền này”, đại diện Cục thuế TPHCM khẳng định.