Ngành than: viễn cảnh đen tối

Không chỉ có giá dầu, giá than cũng đang tụt dốc thê thảm, đẩy ngành khai thác than Việt Nam vào viễn cảnh đen tối. Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung sẽ được hưởng lợi.
“Nếu không cải tổ mạnh mẽ để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả khai thác, ngành than Việt Nam sẽ khó khăn”

Giá dầu thế giới liên tục tuột dốc trong thời gian qua đã đẩy ngành khai thác dầu khí của Việt Nam vào thời kỳ khó khăn. Sau khi đạt đỉnh điểm với 140 đô la Mỹ/thùng vào năm 2008, giá dầu thô đã tụt xuống dưới ngưỡng 50 đô la Mỹ/thùng. Trong khi đó, tình cảnh của một “người chị em” khác của dầu khí là ngành than cũng chẳng sáng sủa hơn là mấy. Đến ngày 12-12-2014, giá than giao tại cảng của Úc chỉ còn khoảng 62 đô la Mỹ/tấn. So với lúc đỉnh điểm vào tháng 1-2011, đến nay mỗi tấn than đã bốc hơi mất gần 80 đô la Mỹ.

TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án Than đồng bằng sông Hồng thuộc tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nói: “Với hiện trạng quản lý của ngành than như hiện nay, nếu giá than tiếp tục xu hướng giảm thì ngành than sẽ chuyển từ lãi sang lỗ”.

Giá than thế giới đã trên đà xuống dốc kể từ đầu năm 2011, do nhu cầu tiêu thụ yếu trong khi nguồn cung lại tăng mạnh hơn. Điều đáng ngại cho ngành than Việt Nam là xu hướng này sẽ còn tiếp tục ít nhất trong năm năm nữa.

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu từ nay đến năm 2019 chỉ tăng bình quân 2,1%/năm, thấp hơn mức tăng 2,4% của năm 2013 và cũng thấp hơn mức dự báo tăng 2,3%/năm được công bố trước đó. Châu Á, với hai nước tiêu thụ than lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho ngành than với mức tăng nhu cầu lần lượt là 2,6% và 4,8% mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Mỹ lại sụt giảm, với mức giảm bình quân năm dự báo lần lượt là 0,6% và 1,7%.

 Trong khi đó, nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới là Indonesia mới đây lại tuyên bố chẳng những không cắt giảm mà còn gia tăng mạnh sản lượng khai thác. Điều đó khiến cho tình trạng thừa cung càng thêm trầm trọng.

Đối với ngành than trong nước, trên lý thuyết, thị trường tiêu thụ không phải là điều đáng lo vì nhu cầu than nội địa trong các năm tới sẽ tăng mạnh. Cho dù ngành than có khai thác hết công suất thì vẫn không đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện chạy than đang và sẽ xây dựng.

Theo Quy hoạch điện 7, đến năm 2016 Việt Nam sẽ thiếu 10 triệu tấn than và nhu cầu nhập than vào năm 2020 sẽ vọt lên tới 64 triệu tấn. Đó là một tin tốt. Tuy nhiên, tin xấu là ngành than trong nước không một mình một chợ và nhiều khách hàng trong nước đã tìm đến than nhập khẩu.

Cách nay không lâu, TKV đã đưa ra cảnh báo nội bộ về tình trạng có nhiều khách hàng đột nhiên không mua than của TKV nữa. Tính từ đầu năm đến ngày 15-12-2014 Việt Nam đã nhập gần 2,9 triệu tấn than đá. Đó là dấu hiệu cho thấy giá bán than trong nước đã mất dần tính cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, áp lực lớn nhất của ngành than trong nước là giá thành khai thác mỗi năm một tăng, trong khi giá than thế giới lại đang trên đà lao dốc. Ông cho biết, giá thành than của TKV trong năm 2014 là hơn 1,4 triệu đồng/tấn (tương đương khoảng 65,4 đô la Mỹ/tấn), dự kiến năm 2015 sẽ tăng lên 1,459 triệu đồng và năm 2020 là hơn 2 triệu đồng/tấn. Ông Sơn nói: “Giá bán than Việt Nam hiện tại lên tới 3 đô la Mỹ/1 triệu btu, là rất cao” (btu là đơn vị nhiệt của Anh).

Thật vậy, hiện nay giá than xuất khẩu giao tại cảng của Úc cho loại có nhiệt lượng 12.000 btu/pound, hàm lượng sulphur dưới 1% và độ tro 14% là khoảng 62 đô la Mỹ/tấn, tính ra chỉ tương đương 2,234 đô la Mỹ/1 triệu btu.

“Nếu không cải tổ mạnh mẽ để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả khai thác, ngành than Việt Nam sẽ khó khăn”, ông Sơn khẳng định.

Tuy giá than thế giới lao dốc đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho ngành than, nhưng với nền kinh tế nói chung thì đây lại là tín hiệu vui.

Ngành điện luôn là khách hàng lớn nhất của ngành than. Việt Nam hiện cũng đang xuất siêu than, nhưng tình hình này sẽ sớm thay đổi trong vài năm tới, khi mà hàng loạt nhà máy nhiệt điện than đang và chuẩn bị được xây dựng đi vào vận hành. Khi ấy, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập siêu than và nếu giá than cứ duy trì ở mức thấp thì sẽ có lợi cho cả nhà đầu tư sản xuất điện lẫn người dân và doanh nghiệp.

Với giá than thấp, lĩnh vực nhiệt điện than sẽ dễ thu hút nhà đầu tư hơn, nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp và người dân sẽ phần nào giảm được gánh nặng giá điện.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp khác sử dụng than làm nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào như xi măng, thép, sản xuất phân đạm… cũng được lợi khi giá than giảm và người hưởng lợi sau cùng sẽ là người tiêu dùng

Theo TBKTSG