Ngành Đường sắt đã ở vào thế “thay đổi hoặc không tồn tại”

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngành đường sắt đang đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt từ các loại hình vận tải khác như đường bộ, hàng không.

Theo ông Tùng, đoạn tuyến đường sắt Hà Nội-Vinh, Sài Gòn-Nha Trang là khu đoạn chiếm vận chuyển lớn của ngành. Từ khi đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai thông tuyến, lượng khách đi trên hành trình này đã giảm 50%. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1, ngành sẽ bị cạnh tranh gay gắt thêm. Chưa kể đến các hãng hàng không vé rất rẻ như Jetstar, Vietjet, thậm chí ngay cả Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

“Trước sự cạnh tranh như vậy, để tồn tại phát triển, Tổng công ty đã phải thay đổi với khẩu hiệu ‘Thay đổi hay là không tồn tại nữa’. Bản thân từ lãnh đạo đến người lao động đều nhìn thấy bởi nếu không thay đổi đường sắt sẽ rất khó khăn,” vị Tổng giám đốc ngành đường sắt nhìn nhận.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành đường sắt Việt Nam cho biết ngành cũng nâng cao chất lượng dịch vụ, rà soát các nút thắt để tập trung đầu tư, nâng cao năng lực thông quan để tăng số đoàn tàu cũng như tăng tải trọng với mục tiêu kinh doanh hiệu quả; tập trung xã hội hóa, cải tạo nâng cấp năng lực các nhà ga.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, lượng km luân chuyển của ngành tăng 5% (những năm trước không tăng). Điều này cho thấy chiến lược phát triển đang đi đúng hướng với ngành đường sắt.

“Các chuyến tàu cũng đã rút ngắn thời gian chạy đồng thời tiến hành song song giữa chất lượng dịch vụ được nâng lên để cạnh tranh với ôtô, tàu chạy đúng giờ. Nếu cứ giữ giá vé như cũ thì tin chắc là không thể bán được,” ông Tùng khẳng định.

Theo ông Tùng, thời gian qua, một số doanh nghiệp đề xuất có thể nhập đoàn tàu mới. Tổng công ty hoan nghênh, mong muốn đường sắt có đoàn tàu hiện đại như nước ngoài và ngành cũng đang có kế hoạch nhập đoàn tàu mới.

Về con số thống kê số vụ tai nạn đường sắt tăng 36% so với cùng kỳ, đại diện ngành nhấn mạnh tới khó khăn rất lớn trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

“Không thể đổ hết lỗi cho các khu đoạn của đơn vị ngành đường sắt được giao quản lý mà ngay bản thân lãnh đạo ngành cũng có trác nhiệm chủ quan trong việc phải kéo giảm số vụ tai nạn giao thông ở đường ngang,” ông Tùng bày tỏ quan điểm.

Đưa ra các giải pháp khắc phục, vị Tổng giám đốc này cho rằng, Tổng công ty đang chuẩn bị đầu tư, cải tạo 291 đường ngang và đã trình lên Bộ Giao thông Vận tải đồng thời đưa rào chắn tự động vào để rút bớt người, đưa về các vị trí khác. Hiện 10% số đường ngang có người gác, 4.500 đường ngang dân sinh không có người gác.

“Năm 2020 nâng tốc độ chạy tàu lên 90km/h, nếu với đường ngang như hiện nay thì không thể chạy với vận tốc này,” ông Tùng khẳng định.

Liên quan đến công tác bán vé tàu điện tử, ông Tùng cho biết thêm, khoảng hai tháng nữa sẽ xong vì hiện còn liên quan đến việc xác định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện tử, đăng ký với bên thuế để phát hành vé điện tử.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản lượng toàn Tổng công ty đạt 3.576,9 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2014; doanh thu đạt 3.615,1 tỷ đồng, bằng 95,4% (tính cả doanh thu kinh doanh kết cấu hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 101,9%).

Doanh thu vận tải đạt 2.636,5 tỷ đồng (tính cả doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải), bằng 99,8% so với cùng kỳ.

Theo: Vietnam+