Ngành công nghiệp Internet có đang cản trở nền kinh tế thực?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ tung hô Internet đến căm thù Internet, điều gì đã xảy ra? Internet tạo ra thịnh vượng hay khủng hoảng?
Ảnh: Daily Evergreen
Ảnh: Daily Evergreen

Kể từ khi Internet ra đời, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, các vấn đề đề tiêu cực liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, hành vi trốn thuế của các công ty lớn trên Internet,... lại khiến Internet trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng.

Từ "tung hô Internet" đến "căm thù Internet", điều gì đã xảy ra? Internet tạo ra thịnh vượng hay khủng hoảng?

Ngành công nghiệp Internet cản trở nền kinh tế thực?

Câu hỏi nhiều nhất là mối quan hệ giữa ngành công nghiệp Internet và nền kinh tế thực (real economy). "Thực" ở đây không có nghĩa ngược lại với "giả" mà chỉ có nghĩa là "hiện vật", "thực thể" như số lúa gạo tiêu thụ, số hàng may mặc xuất khẩu, số lao động tham gia sản xuất, số lượng điện cung cấp...

Nhiều người cho rằng sự phát triển của Internet khiến nền kinh tế thực trở nên suy yếu. Tuy nhiên, Internet là một loại công nghệ thông tin được ứng dụng chủ yếu cho ngành dịch vụ, không phải là một ngách sinh thái trong nền kinh tế sản xuất công nghiệp. Làm thế nào mà Internet có thể cản trở nền kinh tế thực?

Ngược lại, sự phát triển của Internet đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiệu quả của ngành sản xuất công nghiệp, mối quan hệ giữa hai bên là mối quan hệ hợp tác, chứ không phải là mối quan hệ giữa cạnh tranh và thay thế.

Ví dụ, sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử Internet đã có tác động đáng kể đến các mô hình trung tâm mua sắm truyền thống và ngành sản xuất công nghiệp thực tế hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.

Một quan điểm khác cho rằng nền kinh tế thực trở nên thụt lùi là do sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã lấy đi nguồn tài chính của ngành sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chính nền kinh tế thực, chứ không phải là sự cạnh tranh nguồn tài chính của ngành công nghiệp Internet - dù ngành công nghiệp Internet có tồn tại hay không, sẽ không ai đầu tư vào một ngành sản xuất công nghiệp không sinh lời.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của nhiều quốc gia phát triển đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì chi phí cao, lợi nhuận thấp và tăng trưởng thấp.

Ngành công nghiệp Internet thúc đẩy việc làm

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp phát sóng trực tiếp đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp phát sóng trực tiếp đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc.

Mọi người luôn lo lắng rằng sự phát triển của công nghệ sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhưng đây là một sự hiểu lầm. Nỗi lo này đã lặp đi lặp lại kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp, nhưng cơn ác mộng đó chưa bao giờ trở thành sự thật.

Việc thay thế và nâng cấp công nghệ mới đã loại bỏ một số việc làm, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Điều này là do việc thay thế công nghệ cũ và công nghệ mới luôn đi kèm với sự tăng trưởng của tổng nhu cầu xã hội, do đó tạo ra nhiều việc làm mới cho thị trường việc làm.

Ví dụ, sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội Internet đã tác động đến phương tiện truyền thông truyền thống, nhưng cũng tạo ra các phương tiện truyền thông mới như Youtuber, streamer và blogger để đáp ứng nhu cầu thông tin nhiều hơn của mọi người, đồng thời tạo ra việc làm mới và thậm chí là nghề nghiệp mới.

Do đó, sự phát triển của ngành công nghiệp Internet, giống như cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng máy tính trước đây, góp phần vào sự tăng trưởng của việc làm.

Từ dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, có một mối tương quan tích cực rõ ràng giữa sự phát triển của ngành công nghiệp Internet và sự suy giảm của tỷ lệ thất nghiệp.

Từ những năm 1980 đến đầu những năm 1990, nền kinh tế Mỹ suy giảm do các yếu tố như rỗng công nghiệp và lạm phát dài hạn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt 9,61% vào năm 1992, tiến gần đến ngưỡng cảnh báo 10%.

Năm 1993, chính quyền ông Bill Clinton đưa ra Kế hoạch Cơ sở Hạ tầng Thông tin Quốc gia, và ngành công nghiệp Internet của Hoa Kỳ bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm dần theo từng năm, đến năm 2000 đã giảm xuống còn 5,69%.

Sự bùng nổ của Bong bóng Dotcom sau đó đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, đạt mức cao nhất là 8,77% vào năm 2003, vẫn thấp hơn mức của năm 1992.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn nổ ra ở Mỹ khi bong bóng bất động sản vỡ, và tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ lại tăng cao. Năm 2015, bóng đen của cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn vẫn chưa biến mất, nhưng sau vài năm phát triển nhanh chóng của ngành Internet, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã trở lại ngưỡng an toàn khoảng 5%.

Mặc dù việc làm trực tiếp do ngành công nghiệp Internet tạo ra có xu hướng ưu tiên những người trẻ tuổi và có trình độ học vấn cao, và không thể giải quyết hết vấn đề thất nghiệp còn sót lại sau khi chuyển đổi ngành sản xuất công nghiệp, nhưng sự đóng góp vào việc giảm bớt áp lực thất nghiệp của công nghiệp Internet vẫn là điều hiển nhiên.

Điều đáng chú ý là Liên minh châu Âu với nền công nghiệp Internet kém phát triển, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên cao hơn nhiều so với tỉ lệ thất nghiệp chung trong nhiều năm.

Năm 2018, ngành công nghiệp Internet của Mỹ đã tạo ra gần 6 triệu việc làm trực tiếp, chiếm 4%. Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 12/2018 là 3,9%, nếu không có việc làm do Internet tạo ra, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng gấp đôi, về cơ bản là tương đương với EU.

Những người thất nghiệp ở Tây Ban Nha xếp hàng để nhận trợ cấp
Những người thất nghiệp ở Tây Ban Nha xếp hàng để nhận trợ cấp

Do đó, nếu phán xét sự phát triển công nghệ thay thế việc làm của nhiều người mà bỏ qua cơ hội việc làm mới từ đổi mới công nghệ là một quan sát phiến diện. Trong trường hợp rỗng công nghiệp do chuyển giao sản xuất công nghiệp, cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi do ngành công nghiệp Internet mang lại là đặc biệt quan trọng.

Internet thúc đẩy sự thịnh vượng

Trong lịch sử loài người, sự đổi mới công nghệ luôn thúc đẩy sự thịnh vượng, và công nghệ Internet cũng không ngoại lệ. Điều này được xác định bởi mối quan hệ giữa cung và cầu thị trường.

Thị trường sẽ không trả tiền cho công nghệ vô dụng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Internet là do nó có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội.

Người dân hy vọng việc lưu thông hàng hóa sẽ thuận lợi hơn, giá thành hạ, do đó ngành thương mại điện tử mới phát triển.

Mọi người hy vọng sẽ có được các dịch vụ tài chính thuận tiện hơn và bao trùm hơn, và chỉ khi đó mới có sự phát triển của tài chính Internet.

Ngành công nghiệp Internet cũng đã tạo ra một ngành dịch vụ tổng hợp thông tin, truy xuất và tư vấn thông tin, phát hiện và đáp ứng những nhu cầu mới của con người. Những điều này đã thúc đẩy chỉ số hạnh phúc của xã hội loài người.

Tất nhiên, sự đổi mới luôn đi kèm với sự phá hoại, đó là điều không thể tránh khỏi đối với bất kỳ sự đổi mới nào.

Mọi đổi mới công nghệ đều bao gồm điều chỉnh và phân bổ lại các yếu tố sản xuất. Quá trình điều chỉnh này tất yếu mang lại những "chi phí ma sát" cho xã hội. Ví dụ, các ngành công nghiệp truyền thống bị ảnh hưởng bởi các ngành công nghiệp Internet mới nổi, dẫn đến điều chỉnh về công việc, phá vỡ khuôn mẫu về lợi ích, phân phối lại nguồn lực,... điều này sẽ gây ra những chi phí xã hội nhất định.

Tuy nhiên, công nghệ Internet không chỉ là nguồn gốc của những vấn đề mới này, mà còn là giải pháp cho các vấn đề. Ví dụ, thương mại điện tử đã tác động đến các trung tâm mua sắm truyền thống, nhưng cuối cùng, nó không phải loại bỏ các cơ sở thương mại truyền thống, mà để tích hợp chúng vào các nhánh vật lý của hệ sinh thái trực tuyến. Chức năng lưu thông của các cơ sở thương mại truyền thống được giảm bớt và thay vào đó là sự nâng cấp của các dịch vụ trải nghiệm.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi là một quá trình đột phá trước rồi mới đứng vững, cần được xem xét dưới góc độ phát triển lâu dài và cân bằng giữa những thuận lợi và khó khăn, chứ không nên phóng đại mặt "phá hoại".

Bất kỳ sự đổi mới nào cũng tạo ra những vấn đề mới đồng thời giải quyết những vấn đề cũ. Đây là trạng thái bình thường của sự phát triển trong xã hội loài người.

Vào ngày 3 tháng 11 năm 2020, Ant Group bị đình chỉ niêm yết
Vào ngày 3 tháng 11 năm 2020, Ant Group bị đình chỉ niêm yết

Các ngành mới nổi sẽ tiếp tục tự cập nhật trong cuộc chơi cạnh tranh, và cuối cùng tạo thành một trật tự thị trường ổn định. Cơ chế thích hợp giúp đẩy nhanh quá trình này, nhưng sự can thiệp quá mức sẽ dẫn đến sai lệch.

Ví dụ điển hình nhất là Liên minh châu Âu vào những năm 1990, EU đã can thiệp quá sớm và quá mức vào quyền riêng tư dữ liệu, khiến các doanh nghiệp Internet cá nhân gặp khó khăn.

"Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Máy tính" của Liên minh Châu Âu năm 1995 đã phá hủy hy vọng phát triển của một ngành. Cuối cùng, họ phải giao thị trường của chính mình cho những gã khổng lồ Internet ở bên kia bờ đại dương. Hiện nay, không một công ty EU nào lọt vào danh sách 30 công ty Internet toàn cầu.

Kìm hãm sự đổi mới chưa bao giờ là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề.

Công nghệ mới và các ngành công nghiệp mới sẽ tạo ra các vấn đề mới, đồng thời cũng sinh ra các phương tiện kỹ thuật và giải pháp thị trường để giải quyết vấn đề. Cuộc cách mạng công nghiệp kéo theo các vấn đề ô nhiễm môi trường và chúng được giải quyết thông qua sự tiến bộ của công nghệ tiên tiến hơn.

Sự phổ biến và ứng dụng của máy tính đã nâng cao trình độ công nghệ của xã hội loài người lên rất nhiều dù đi kèm với mối nguy hiểm của virus. Tuy nhiên, công nghệ càng phát triển, virus không còn là mối lo ngại của người dùng.

Ngành công nghiệp Internet sẽ mang đến những vấn đề mới nhưng cũng đồng thời hình thành giải pháp mới.

Sự phát triển của ngành công nghiệp Internet đã mở đường cho toàn cầu hóa và mang lại chu kỳ thịnh vượng dài nhất của kỷ nguyên đương đại. Đối với nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu ngày nay, không thể quy chúng cho ngành Internet và đó không phải là lý do để chỉ trích ngành công nghiệp Internet.

Theo Sina