Khi căng thẳng Nga – Ukraine ngày một leo thang, các doanh nghiệp CNTT của Nga vẫn phải tìm cách hoạt động bình thường, đáp ứng yêu cầu khách hàng và hỗ trợ đất nước.
Gần một tuần sau khi Nga tấn công Ukraine, nhiều công ty trong nước đã di tản hàng ngàn nhân viên đến phía Tây, tránh xa các khu vực bị tàn phá nặng nề. Một số hãng thuê xe buýt và bố trí chỗ ở tạm thời cho nhân viên cùng gia đình của họ. Số khác chạy đua đưa người ra nước ngoài, thường là Ba Lan, song kế hoạch này không hiệu quả khi Ukraine đóng cửa biên giới đối với đàn ông trong độ tuổi 18 đến 60. Chính sách này đồng nghĩa hầu hết nhân viên là nam giới phải ở lại Ukraine.
Theo Thời báo Phố Wall, nhiều lập trình viên Ukraine tình nguyện gia nhập đội quân CNTT của nhà nước. Trong khi đó, những người khác làm việc tại nhà hoặc văn phòng để duy trì hoạt động. Các công ty trích một phần doanh thu để ủng hộ đất nước, còn nhân viên thay phiên làm những công việc hỗ trợ quân đội. Một số văn phòng chuyển đổi để làm nơi ở cho người tị nạn.
Từ khi chiến sự nổ ra, văn phòng N-iX trở thành nơi ở của nhân viên và gia đình. (Ảnh: WSJ) |
Andrew Pavliv, CEO hãng phần mềm N-iX, cho biết, họ liên tục nghe còi báo động và phải xuống hầm trú ẩn. Dù vậy, tuần này, họ vẫn hoàn thành khoảng 70% công việc cam kết cho khách hàng, chủ yếu tại Mỹ và Châu Âu. Quy mô tấn công của Nga khiến hầu hết ngành công nghệ bất ngờ và càng gây ảnh hưởng đến một ngành vốn đã thiếu hụt nhân tài của Ukraine. Hàng ngàn công ty lớn nhỏ sử dụng các nhà thầu tại Ukraine để lập trình và phát triển ứng dụng, dịch vụ. Dù không phải địa chỉ gia công phần mềm lớn như Ấn Độ, Ukraine là một trong những “công xưởng” lớn nhất tại châu Âu.
Lviv, thành phố 721.000 dân, là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh công nghệ Ukraine. Thành phố chưa hứng chịu các cuộc tấn công quyết liệt từ Nga như Kyiv hay Kharkiv, nhưng đây lại là điểm trung chuyển để người tị nạn hướng đến Ba Lan, cách đó khoảng 40 dặm.
Theo Stepan Veselovskyi, người đứng đầu Lviv IT Cluster – tổ chức thương mại đại diện cho 200 công ty công nghệ có trụ sở tại đây, hầu hết các doanh nghiệp tại Lviv vẫn hoạt động. “Điều quan trọng là doanh nghiệp giao thương với nước ngoài vẫn tồn tại, trả thuế và trả lương cho mọi người trong xung đột. Thật điên rồ”, ông nói.
Khi chiến sự xảy ra, nhiều người dân Ukraine rời khỏi nhà, sống dưới ga tàu điện ngầm hay các hầm trú ẩn. Một số rời bỏ thành phố, đến những ngôi nhà ở nơi khác, hoặc đi xa hơn.
Ilia Podavalkin, người điều hành hãng phần mềm Scalamandra, chia sẻ, vài nhân viên của mình đang ở nước ngoài khi cuộc chiến bắt đầu, song phần lớn đều định cư tại các thành phố nhỏ ở biên giới với Slovakia, Ba Lan và Hungary. Một nhân viên từ Kyiv đã mất liên lạc trong 4 ngày nhưng cuối cùng cũng thông báo anh còn sống.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ rơi vào tình thế này”, ông Podavalkin nói.
Ông tiết lộ, khoảng 60% nhân viên đang làm việc nửa ngày, vài người tham gia quân đội mạng của chính phủ. “Công ty của chúng tôi hiểu rằng nền kinh tế phải mạnh mẽ nhất có thể và không thể ngừng làm việc. Thật tồi tệ nếu không có việc làm và tiền trong thời chiến”.
Viktor Chekh, CEO công ty phần mềm Sombra, nói đã chuyển các nhân viên bán hàng sang làm tình nguyện viên, còn các lập trình viên tập trung vào viết code cho khách hàng. “Chúng tôi cần làm việc để có doanh thu, tất cả doanh thu sẽ gửi đến quân đội”, ông nói.
SoftServe, một trong các công ty gia công phần mềm lớn nhất Ukraine, đã bố trí chỗ ở cho khoảng 2.000 nhân viên, khoảng một nửa về phía Tây, phần còn lại về Ba Lan và Bulgary. Tính đến trưa ngày 2/3, họ chỉ đóng cửa một văn phòng tại Kharkiv vì lý do an toàn.
Tuy nhiên, vài lãnh đạo công nghệ Ukraine lo lắng sự thấu hiểu và hỗ trợ đang nhận được từ khách hàng quốc tế sẽ không kéo dài mãi. Họ đang chuẩn bị những kế hoạch khẩn cấp để chuyển toàn bộ nhân viên ra khỏi Ukraine, sang các nước láng giềng nếu tình hình căng thẳng hơn.
Theo Vietnamnet