Trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2020, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết vốn đầu tư từ NSNN trong 2 tháng đầu năm tăng khá mạnh so với cùng kỳ (+17,5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2016).
Sự cải thiện đến từ cả vốn do Trung ương quản lý (tăng 21%) lẫn địa phương quản lý (tăng 17,4%). Các tỉnh thành có tốc độ giải ngân vốn tăng cao là: An Giang 835 tỷ đồng, tăng 68,3%; Bắc Ninh 828 tỷ đồng, tăng 38,5%; Quảng Ninh 902 tỷ đồng, tăng 21%.
Với việc Luật đầu tư công sửa đổi chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2020, BVSC duy trì kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ có sự cải thiện so với năm 2019.
Đáng chú ý, BVSC nhận định trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, việc kích thích tài khóa thông qua đẩy mạnh đầu tư công càng trở nên cần thiết.
Vốn đầu tư từ NSNN, vốn FDI và FPI (Nguồn: BVSC)
|
Về vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng ký (bao gồm đăng ký mới và điều chỉnh vốn) tăng 70% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện giảm nhẹ 3% YoY trong khi vốn góp mua cổ phần giảm 83% YoY.
Theo lý giải của BVSC, sự biến động mạnh về mức độ tăng giảm của vốn FDI trong 2 tháng đầu năm có nguyên nhân chính là sự xuất hiện các dự án vốn lớn. Điển hình như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do nhà đầu tư đến từ Singapore đăng ký với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD.
Trong khi đó, vốn góp mua cổ phần 2 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ do tháng 2 năm 2019 ghi nhận dự án mua cổ phần Sabeco của Thaibev trị giá 3,85 tỷ USD.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác của nền kinh tế Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đến từ việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ, đạt 4,8 tỷ USD, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức tăng 19,6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu giảm diễn ra tại các thị trường EU (-7,7%); ASEAN (-9,3%); Hàn Quốc (-6,5%).
BVSC tỏ ra thận trong khi dự báo với mức độ lây lan của dịch bệnh ra toàn cầu như hiện nay, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực rõ nét hơn trong các tháng tới.
Hôm 3/3, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phòng chống Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng lưu ý các giải pháp trọng tâm là tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; Tập trung hỗ trợ các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, thương mại, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu những ngành này chịu tác động rất lớn.
"Hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, không phải là bao cấp cho sự yếu kém" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự kiến, các gói hỗ trợ bao gồm: một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ đồng./.