Doanh nghiệp Trung Quốc sống sao với Covid-19?

VietTimes -- Khi các công ty ở Trung Quốc dần khởi động lại các hoạt động kinh doanh sau dịp nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, nhà đầu tư lại đang lo ngại về sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ làm giảm dòng tiền và doanh thu trong nhiều lĩnh vực.
Các công ty Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn
Các công ty Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn

Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, dịch Covid-19 đã khiến gần 3.000 người tử vong và hơn 80.000 người nhiễm bệnh. Reuters đã phân tích bảng cân đối kế toán của 4.000 công ty Trung Quốc đang niêm yết để xem khả năng chuẩn bị về mặt tài chính của họ trước dịch bệnh lần này.

Ngày sở hữu tiền mặt của các công ty Trung Quốc (Ảnh: Refinitiv Eikon/Patturaja Murugaboopathy).
Ngày sở hữu tiền mặt của các công ty Trung Quốc (Ảnh: Refinitiv Eikon/Patturaja Murugaboopathy).

Nhìn vào số ngày đủ chi tiêu tiền mặt (days of cash on hand - chỉ số ước tính thời gian một doanh nghiệp có thể hoạt động mà không có thêm doanh thu) cho thấy hàng không là ngành dễ bị tổn thương nhất với chỉ 48 ngày vào cuối tháng 9/2019, thấp hơn con số 72 ngày so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cũng tăng lên. Ngành hàng không tiếp tục cho thấy đòn bẩy cao nhất với tỷ lệ 1,78 lần so với 1,27 lần một năm trước đó. Tiếp theo sau là ngành xây dựng với 1,70 lần.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu bình quân của tất cả các công ty được khảo sát cho thấy tình hình có phần xấu đi, khi tăng từ 0,87 lên 0,95. Trong đó, ngành thực phẩm có chỉ số này ở mức tốt nhất với 0,52 lần, mặc dù cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 0,28 lần.

Caroline Yu Maurer, người đứng đầu tổ chức Greater China Equities tại BNP Paribas Asset Management cho biết: Các doanh nghiệp nhỏ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, trong khi các doanh nghiệp lớn hơn và doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ cơ hội tốt hơn”.

Vị này cũng cho biết sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như thiếu lực lượng lao động trong thời gian ngắn hạn có thể khiến các ngành công nghiệp khác gặp khó khăn tương đối.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các ngành nghề tại Trung Quốc (Ảnh: Refinitiv Eikon/Patturaja Murugaboopathy)
Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các ngành nghề tại Trung Quốc (Ảnh: Refinitiv Eikon/Patturaja Murugaboopathy)

Tổng tiền mặt của các công ty được khảo sát nắm giữ tăng 8,5%, nhưng lĩnh vực viễn thông đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất là 25%, tiếp theo là ngành vận tải hàng không và hậu cần, cho thấy mức giảm 17,6%.

Trong một động thái nhằm tiết kiệm tiền mặt, một số công ty bao gồm các đại lý xe hơi trực tuyến Uxin Ltd (UXIN.O) và Chehaoduo, được hỗ trợ bởi Quỹ Tầm nhìn của SoftBank, đã thực hiện cắt giảm lương nhân viên.

Trung Quốc cũng nới lỏng các quy tắc gây quỹ vào tháng trước để giúp giảm bớt gánh nặng về tiền mặt do virus gây ra. Các công ty niêm yết bao gồm Ngân hàng Ningbo (002142.SZ) và nhà sản xuất pin CATL (300750.SZ) kể từ đó đã xếp hàng để thu về hơn 10 tỷ USD.

Sự thay đổi tiền mặt của các công ty Trung Quốc (Ảnh: Refinitiv Eikon/Patturaja Murugaboopathy)
Sự thay đổi tiền mặt của các công ty Trung Quốc (Ảnh: Refinitiv Eikon/Patturaja Murugaboopathy)

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho (dùng để đo số lần một công ty đã bán và thay thế hàng tồn kho) đã giảm từ 2,72 xuống còn 2,65 lần. Trong đó, ngành ô tô chứng kiến sự sụt giảm từ 10,7 lần trong năm 2019, xuống còn 9,42 lần trong những tháng đầu năm 2020.

Doanh số bán xe tại Trung Quốc đã giảm gần 1/5 vào tháng 1, đánh dấu tháng giảm thứ 19 liên tiếp và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm do việc ngừng sản xuất kéo dài và hạn chế trong việc đi lại.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy một phần ba các công ty cho biết họ chỉ có thể đủ quỹ tiền mặt trong 1 tháng nếu các hoạt động kinh doanh tiếp tục bị đình trệ. Con số này với một phần ba công ty khác được khảo sát là 2 tháng./.