Quan điểm này được bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng "Con đường chông gai" vừa công bố.
Dữ liệu của SSI Research ghi nhận, tổng số trái phiếu (trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành) đang lưu hành là khoảng 945.000 tỉ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 - 2024, và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần 1/3 số trái phiếu vừa nêu được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Lưu ý, thống kê trên của SSI Research chưa bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Đây là nhưng trái phiếu mà ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng do liên quan tới các hợp đồng repo (thỏa thuận mua lại).
Theo SSI Research, nhiều chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho tăng lên, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12/2022 – 3/2023.
Lãi suất cho vay mua nhà tăng lên (phổ biến ở mức 13 – 15%) cũng gây ra sự do dự của những người mua nhà tiềm năng, mặc dù một số chủ đầu tư bất động sản đã giảm giá 30-40% cho những người mua nhà có sẵn tiền mặt (tỷ lệ thanh toán trước là 90%).
Về bên mua, từ dữ liệu giao dịch trong hai năm qua, SSI Research nhận thấy một phần các giao dịch mua nhà là với mục đích đầu cơ hơn là mục đích sở hữu để ở. Hầu hết các nhà đầu tư này đều vay vốn ngân hàng vì lịch trả nợ hấp dẫn.
SSI Research dự báo làn sóng giảm giá bất động sản sẽ có thể còn tiếp tục đến cuối năm, với mức giảm có thể từ 10-20% hoặc thậm chí cao hơn.
Đối với những người mua đầu cơ chưa thể bán lại bất động sản để tất toán khoản vay, tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay mua nhà có thể tăng trong thời gian tới. Tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng SSI Research theo dõi đạt khoảng 1,3 triệu tỉ đồng.
Nhóm phân tích duy trì quan điểm rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ/trích lập dự phòng cho các khoản vay/trái phiếu đáo hạn vào năm 2023.
Đối với trái phiếu mà trái chủ không phải là ngân hàng, tác động đến việc phân loại nợ ngân hàng phụ thuộc vào điều kiện và điều khoản của từng đợt phát hành trái phiếu, và mức độ thận trọng của từng ngân hàng.
"Khi một ngân hàng thay đổi nợ của khách hàng, các ngân hàng khác cũng phải thay đổi theo vì xếp hạng tín dụng CIC cho những khách hàng đó sẽ thay đổi", báo cáo viết.
NHNN có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ
Theo SSI Research, rủi ro liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và xu hướng lãi suất tăng cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế chưa được phản ảnh hoàn toàn vào định giá cổ phiếu ngân hàng.
Bên cạnh đó, tác động từ việc tăng lãi suất cho vay và sự suy yếu gần đây của thị trường bất động sản chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý 3/2022 của các ngân hàng.
“Do việc ghi nhận nợ xấu ở Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ các tác động có thể xảy ra trong tương lai, nên các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể chưa bị ảnh hưởng mạnh cho đến năm 2023”, SSI Research nhận định.
SSI Research dự báo, năm 2023 các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 231.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn mức dự báo tăng 17% so với cùng kỳ trong báo cáo trước đó.
Nhóm phân tích cũng điều chỉnh giảm ước tính tăng trưởng tín dụng xuống 13,3% (từ mức 14,3%) đối với các ngân hàng trong phạm vi phân tích.
“Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Do đó, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới”, SSI nhấn mạnh./.