Ngân hàng tung gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ số và hạ tầng

21 ngân hàng thương mại "bắt tay" triển khai gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD) với cơ chế ưu đãi lãi suất, kéo dài kỳ hạn, tập trung vào hạ tầng và công nghệ số.

Chiều 6/5, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết NHNN đang khẩn trương phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai gói tín dụng quy mô 500 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD) nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ số – hai lĩnh vực then chốt trong chiến lược phát triển bền vững nền kinh tế.

Theo ông Tú, đây là gói tín dụng có cơ chế ưu đãi với thời gian tối thiểu 2 năm. Nguồn vốn không lấy từ ngân sách Nhà nước hay nguồn nước ngoài mà hoàn toàn do các ngân hàng thương mại huy động và tự cân đối bằng cách giảm chi phí, lãi suất và kéo dài kỳ hạn cho vay. Đến nay, đã có 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia đủ hạn mức 500 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD.

Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đăng ký mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng; 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mỗi ngân hàng 20.000 tỷ đồng; 5 ngân hàng quy mô nhỏ hơn đăng ký mỗi ngân hàng 4.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: Q.A.

"Đặc biệt cho vay hạ tầng bao giờ cũng là những dự án quy mô vốn lớn nên buộc các ngân hàng thương mại phải cùng tài trợ chứ không phải một ngân hàng có thể tham gia", ông Tú nói và cho biết hiện nay có rất nhiều dự án lớn quy mô quốc gia, chưa kể các dự án khác đang rất cần nguồn lực đầu tư.

Lãnh đạo NHNN cho biết việc đầu tư cho hạ tầng và công nghệ số mang tính nền tảng, có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần đặt ra. So với các gói tín dụng khác thì gói này có 2 đặc điểm. Một là đã cho vay ưu đãi, dù ưu đãi nhiều hay ít, thì đều phải xác định rõ đối tượng cần đầu tư, cần vay ưu đãi để tập trung nguồn lực.

Trong lĩnh vực công nghệ số, việc lựa chọn đúng thành phần, dự án cần đầu tư cũng là yêu cầu cấp thiết.

Yếu tố thứ hai là triển khai hạ tầng bao giờ thời gian cũng rất dài, 5 năm, 10 năm trong khi các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, phải có cơ cấu và tính toán được câu chuyện bảo đảm kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Do vậy, cần phải có sự phối hợp với các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ các đối tượng cùng thành phần, lĩnh vực hay dự án cần sự hỗ trợ của gói này.

"Chúng tôi đang làm việc trực tiếp với các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ… để xác định cụ thể danh mục dự án, đối tượng vay ưu đãi phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Trong tháng 5 này, chắc chắn sẽ đẩy mạnh triển khai gói tín dụng theo đúng tiến độ và định hướng đề ra”, Phó Thống đốc khẳng định.