Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân làm quen công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

8 giờ tối ngày cuối tuần se lạnh, khoảng 20 người dân cùng tập trung tại nhà văn hóa để cập nhật kiến thức công nghệ. Đây là một trong những buổi “bình dân học vụ số” được tổ chức đều đặn để hướng dẫn người dân cập nhật công nghệ.

vt-binh-dan-hoc-vu-so-9756-709.jpg

Người lớn tuổi nhoay nhoáy dùng ứng dụng trên iPhone

Cầm trên tay chiếc iPhone, ông Đặng Duy Hằng (tổ 11, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên) lướt nhanh trên bàn phím ảo nhập passcode để mở thẻ bảo hiểm y tế trong ứng dụng VneID. Nhoay nhoáy thao tác, người đàn ông gần 60 tuổi này cho biết cho biết đã thạo thao tác được khoảng 2 tuần nay sau khi được các thanh niên tình nguyện hướng dẫn.

Chia sẻ với VietTimes, ông Hằng cho biết bây giờ ông ra ngoài không cần cầm theo ví vì thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, còn giấy tờ tùy thân đã tích hợp trên VneID.

“Chúng tôi vẫn sợ bị lừa đảo trực tuyến, nhưng không còn ngại như trước vì đã hiểu nguyên tắc và biết cách phòng tránh”, ông Hằng chia sẻ chuyển đổi số mang tới những điều mới mẻ cho người dân.

Tuy vậy, cũng như nhiều người lớn tuổi khác trong khu phố, ông chưa thể chuyển đổi số hoàn toàn mà vẫn phải ghi ghép hàng loạt mật khẩu các ứng dụng, phần mềm vào tờ giấy nhỏ. “Chưa tốt nghiệp lớp bình dân học vụ số nhưng tôi tự cảm thấy mình đã rất tiến bộ, có thể cập nhật thông tin không thua gì các bạn trẻ”, ông Hằng cười.

tuc duyen.jpg
Người dân phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, tụ họp tại nhà văn hóa để tìm hiểu về công nghệ số.

Cùng có mặt tại nhà văn hóa với những người lớn tuổi, Nguyễn Ngọc Hoa (24 tuổi ở đường Phùng Chí Kiên, phường Túc Duyên) đã tham gia nhiều buổi bình dân học vụ số. Tại đây, Hoa được hướng dẫn sử dụng Capcut, ChatGPT, Canva và các ứng dụng mới hỗ trợ xuất hiện trên môi trường mạng.

“Cách sử dụng các ứng dụng này không quá khó. Nắm kiến thức cơ bản là có thể vận dụng được. Tôi đã nắm bắt và sử dụng hiệu quả một phần công nghệ số trong đời sống và công việc hằng ngày”, chị Ngọc Hoa nói và bày tỏ hy vọng rằng việc nâng cao năng lực số sẽ giúp chị cũng như nhiều người dân có thể tương tác, làm việc trong môi trường số một cách an toàn, hiệu quả và dễ dàng tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Chị Hoa cũng cho biết chương trình huy động thanh niên có kiến thức về công nghệ để hướng dẫn người dùng cách sử dụng các thiết bị thông minh, các ứng dụng phổ biến, truy cập internet an toàn, tham gia thương mại điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến tùy theo nhu cầu sử dụng.

Luồng gió mới về bình dân học vụ số đang làm thay đổi thói quen của người dân tỉnh Thái Nguyên.
Luồng gió mới về bình dân học vụ số đang làm thay đổi thói quen của người dân tỉnh Thái Nguyên.

Ông Hằng, Ngọc Hoa là 2 trong nhiều người dân ở phường Túc Duyên, Thái Nguyên đã tham gia lớp bình dân học vụ số do Đoàn Thanh niên phường tổ chức thời gian gần đây. Ngoài các ứng dụng mới, ông Hằng và chị Hoa còn được tạo chữ ký số miễn phí. Mặc dù chưa có hoạt động nào cần sử dụng chữ ký số nhưng họ thấy vui vì đã cập nhật những công nghệ rất mới.

Giải thích vấn đề công nghệ theo cách đời sống

Đội hình "Bình dân học vụ số" tại Thái Nguyên không chỉ là một danh xưng mà thực sự là lực lượng xung kích mạnh mẽ với nòng cốt là những đoàn viên, thanh niên nhiệt huyết. Họ đã và đang đến từng hộ gia đình, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi mà người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và công nghệ.

vt_binh dan hoc vu so 3.jpg
Các tình nguyện viên giúp nhiều người lớn tuổi làm quen với việc sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng cơ bản.

Anh Đoàn Đình Khánh - Bí thư Đoàn phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, là 1 trong 2 cán bộ đoàn tỉnh Thái Nguyên nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024 - cho biết các bạn thanh niên đã dành thời gian lắng nghe, trò chuyện, thuyết phục người dân tham gia các lớp học.

Đoàn Thanh niên tìm cách giải thích các vấn đề công nghệ số một cách dễ hiểu về những lợi ích thiết thực, như việc liên lạc với người thân, bạn bè, cập nhật thông tin, giải trí đến việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến và mở rộng cơ hội kinh doanh.

“Đặc biệt, sự kiên nhẫn và tận tình của các tình nguyện viên đã giúp nhiều người lớn tuổi, những người ban đầu còn e ngại và bỡ ngỡ với công nghệ, dần làm quen và tự tin hơn trong việc sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng cơ bản. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi không chỉ học hỏi mà còn cống hiến và phát triển bản thân thông qua việc tham gia các hoạt động giáo dục cộng đồng”, Đoàn Đình Khánh nói với VietTimes.

Cập nhật kỹ năng số đến người dân, đưa công nghệ phục vụ đời sống

Cũng như ở Thái Nguyên, rất nhiều địa phương trên toàn quốc đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và xác định đây là chương trình mang tính đột phá trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện, nhằm phổ cập kiến thức công nghệ số cho mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng xã hội học tập trong thời đại 4.0, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn - cho biết để phổ cập tin học số cho người dân cũng cần những người tình nguyện xóa mù công nghệ. Họ giống như những thành viên cốt cán của bình dân học vụ năm xưa.

Nguyen trong Hung.jpg
Ông Nguyễn Trọng Hùng cho biết gần 9.000 thành viên của gần 1.646 tổ công nghệ số cộng đồng đã đến nhà hỗ trợ người dân thao tác trên các nền tảng số.

Tại Lạng Sơn, gần 1.646 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 9.000 thành viên đã đến từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ người dân, từ các thủ tục hành chính trên nền tảng số đến tham gia kinh tế số với các nông sản địa phương, giúp bà con cập nhật nhanh chóng các kiến thức về nông nghiệp.

Ngoài được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng triển khai toàn quốc như VneID, tạo chữ ký số, bà con được nâng cao năng lực số, kỹ năng số và các ứng dụng của tỉnh triển khai như: Ứng dụng “Công dân số xứ Lạng”, cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng phản ánh hiện trường, ứng dụng trợ lý ảo hướng dẫn thủ tục hành chính, kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin...

Đặc biệt, Lạng Sơn đặt mục tiêu năm 2030, tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số trên nền tảng thương mại điện tử trên 80%, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử trên 80%.

binh dan học vu so 1.jpg
Người dân Lạng Sơn trang bị kỹ năng, tiếp cận công nghệ mới.

Tổcông nghệ số cộng đồng cùng Đoàn Thanh niên triển khai đội hình “Bình dân học vụ số” của tuổi trẻ xung kích trên “mặt trận số” để tuyên truyền và trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống; sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, của quốc gia, tích hợp thẻ BHYT, giấy phép lái xe, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, đó là những điều hết sức cần thiết cho người dân.

Ngoài việc hướng dẫn trợ giúp của chuyên gia, ưu thế của bình dân học vụ số là mọi người có thể tận dụng điều kiện để tự học ở mọi lúc, mọi nơi, coi học tập là một hành trình theo suốt đời người, với phương châm người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn cho người chưa biết.

Khi được trang bị kỹ năng về công nghệ số, người dân không chỉ thuận tiện trong các thao tác thực hiện các giao dịch, mà còn thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc phổ biến thông tin, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phong trào bình dân học vụ số lấy ý tưởng từ thành công của phong trào Bình dân học vụ, giúp xóa mù chữ tại Việt Nam năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Phong trào năm xưa đã từng tạo ra sự thay đổi có tính cách mạng về dân trí cho đất nước ta những ngày đầu thành lập nước. Ý nghĩa của phong trào này còn nguyên giá trị đến hôm nay, đặc biệt trong công cuộc phổ cập các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, đưa công nghệ phục vụ đời sống.