Tại hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2017, ngân hàng sẽ tập trung xử lý nợ xấu và mua lại toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC bằng nguồn lực của ngân hàng.
Theo ông Thắng, với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong kiểm soát chất lượng nợ, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đến cuối năm 2016, VietinBank tiếp tục duy trì chất lượng tài sản hàng đầu với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
“Trong năm 2016, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 720 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đạt tốc độ tăng trưởng 22,4%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Dư nợ bán lẻ của VietinBank duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ ở tất cả các khu vực với mức tăng 35% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 27% tổng dư nợ. Dư nợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và FDI của VietinBank năm 2016 tăng lần lượt là 29% và 34% so với năm 2015” – Chủ tịch Vietinbank thông tin thêm về tình hình tín dụng của nhà băng này.
Trước Vietinbank, Vietcombank cũng chính thức công bố đã mua lại toàn bộ 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực từ việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, việc nhà băng này mua lại nợ xấu VAMC sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường, Vietcombank sẽ tự xử lý số nợ xấu này bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng. Khi nợ xấu được thu hồi sẽ góp phần nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng này. Từ đó, Vietcombank sẽ có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, việc Vietcombank và một số ngân hàng khác muốn mua lại nợ xấu từ VAMC chứng tỏ hoạt động kinh doanh của các TCTD đã có tín hiệu khả quan hơn, nhưng đơn vị này có đủ tiềm lực đã quay lại mua nợ xấu từ VAMC để tự xử lý. “Như vậy, việc cam kết xử lý nợ xấu của TCTD nhưng hạn chế tối đa dùng ngân sách nhà nước đang dần trở thành hiện thực” – Ông Kiên nhấn mạnh.