|
Ông Toni Kristian Eliasz, Chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số tại Việt Nam. |
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số, Ngân hàng Thế giới (WB), nhận xét kinh tế số đang tăng trưởng mạnh mẽ so với các ngành kinh tế khác. Việt Nam đang có nền tảng vững chắc để ứng dụng số với lượng người dùng Internet cao hơn so với trung bình thế giới, người dùng thiết bị di động 78,6% tương đồng với các quốc gia thu nhập trung bình cao.
Chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam cần nghiên cứu thúc đẩy tri thức người dân với những kỹ năng ở cấp độ cao hơn như sử dụng máy tính với các chức năng cao cấp mà điện thoại di động không làm được. Đồng thời, đầu tư tương xứng với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, khi triển khai cách mạng kỹ thuật số, cần đặt ra mục tiêu ban đầu, xác định hiện trạng, trọng tâm hiện tại và mục tiêu tương lai. Chuyên gia này đánh giá với xếp hạng 27/74 quốc gia về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam có dư địa lớn để tiếp tục cải thiện về dữ liệu và hạ tầng dữ liệu.
Còn theo ông Matthieu François, chuyên gia kỹ thuật số McKinsey & Company, Việt Nam có tiềm năng lớn về kinh tế số và đang đi đúng hướng khi xây dựng nền kinh tế số để tăng cường mức độ đóng góp cho GDP trong thập kỷ tới.
Chuyên gia McKinsey & Company cho rằng Việt Nam tận dụng kinh tế số để tăng cường và cải thiện năng suất lao động thông qua số hóa và tự động hóa để duy trì cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tăng cường số lượng nhân tài qua hoạt động nâng cao năng lực, giáo dục đào tạo...
Cũng tại Diễn đàn, ông Trịnh Văn Biển - Giám đốc Chuyển đổi số của MISA đặt vấn đề về việc cần phát triển hệ sinh thái số doanh nghiệp. Trong đó, ông đưa ra thực tế về chuyển đổi số của hơn 800.000 doanh nghiệp hiện nay, với nhu cầu vô cùng lớn, đa dạng. Cùng với đó, mỗi doanh nghiệp công nghệ số chỉ cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ cốt lõi, chính của mình, còn khách hàng lại cần sự thuận tiện và trải nghiệm tốt.
Đại diện MISA cho rằng, việc này chỉ có thể xử lý bằng các nền tảng số, bằng việc tăng cường kết nối giữa sản phẩm, dịch vụ cốt lõi bên trong và các sản phẩm bên ngoài, do các đối ác khác cung cấp.
“Các doanh nghiệp tham gia vào nền tảng số tạo thành hệ sinh thái dựa trên trụ cột là sản phẩm, dịch vụ cốt lõi của doanh nghiệp cung cấp nền tảng số” – ông Biển đưa ra quan điểm.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, giai đoạn vừa qua, cùng với cả nước, Nam Định đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông.
Cũng tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận nỗ lực chuyển đổi số của Nam Định khi tỉnh Nam Định là một trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số chuyển đổi số và có sự cải thiện thứ hạng về phát triển kinh tế số và xã hội số.
“Nam Định xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật; xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đạt kết quả tích cực; văn hóa xã hội được quan tâm phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích nằm trong tốp đầu toàn quốc về chất lượng; an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững” – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nói.
Diễn đàn và các chuyên đề tập trung và các vấn đề: đổi mới sáng tạo là động lực cơ bản để phát triển kinh tế số; công nghiệp công nghệ số tạo ra các nền tảng cơ bản của kinh tế số; dữ liệu và AI tạo ra giá trị mới cơ bản của kinh tế số. Đây là dịp để các bộ ngành, doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ, trao đổi, thảo luận để tìm ra các giải pháp đột phá, nhằm đi nhanh hơn trên con đường phát triển kinh tế số và xã hội số để Việt Nam đạt được các mục tiêu chiến lược.
Song song với phiên Báo cáo chính và các Hội thảo chuyên đề, Diễn đàn còn tổ chức trưng bày triển lãm về các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số như: Thanh toán kỹ thuật số, ví điện tử; thanh toán tiếp xúc và không tiếp xúc EMV và non-EMV; NFC (Kết nối trường gần); thanh toán di động; chữ ký số; công nghệ chuỗi khối; thương mại điện tử; hệ sinh thái số; Blockchain; an toàn thông tin… của hơn 20 nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay như Viettel, VNPT, MISA, Mobifone, FPT, Shopee,…
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước liên tục tăng từ năm 2021 đến nay, từ 11,91% năm 2021 lên 14,29% năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 là gần 15%.
Hiện tại, GDP kinh tế số Việt Nam có 70% từ doanh nghiệp ICT và 30% là từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Định hướng tầm nhìn đến năm 2025, tỷ trọng GDP kinh tế số đạt 20%, trong đó tỷ lệ đóng góp từ doanh nghiệp ICT là 30% và đóng góp từ các doanh nghiệp khác là 70%.
Hiện có khoảng 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân Việt Nam với bình quân trên 1 triệu người sử dụng/tháng./.