Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất, diễn ra vào các ngày 13 và 14/9, là sự kiện cấp quốc gia, chuyên sâu về phát triển kinh tế số và xã hội số do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức.
Đây được xem là cơ hội để các đại biểu trải nghiệm, tiếp cận với các kinh nghiệm, giải pháp chuyển đổi số thông minh; mở ra cơ hội kết nối với doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong huy động nguồn lực, sử dụng các giải pháp, dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số cho địa phương, đơn vị mình.
Trước thềm sự kiện này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI) về tiến trình chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.
- PV VietTimes: Theo ông, kinh tế số và xã hội số đóng vai trò như thế nào trong tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?
Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Kinh tế số đóng vai trò là 'trụ cột mục tiêu' và xã hội số đóng vai trò 'trụ cột dẫn động' cho tiến trình chuyển đối số tại Việt Nam.
Việt Nam mới bước đầu tiếp cận và thực hiện những bước đi đầu tiên để định hình và phát triển kinh tế và xã hội số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để phát triển được kinh tế số và xã hội số, điều quan trọng là phải làm rõ nội hàm của kinh tế số và xã hội số để định hướng triển khai được rõ ràng, cụ thể hóa các hành động một cách hiệu quả, và có được các phương thức phù hợp.
Việc chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội đóng vai trò một điều kiện cần để có thể thúc đẩy được sự phát triển của kinh tế số và xã hội số. Do vậy, không chỉ đơn thuần phát triển các hoạt động đơn lẻ về kinh tế số và xã hội số, mà cần phải có một sự lồng ghép hiệu quả giữa việc chuyển đổi số với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ chính trị và các hoạt động xã hội để đảm bảo tính cộng hưởng hiệu quả của tiến trình chuyển đổi số.
Chỉ có như vậy, mới đặt được các nền tảng cơ bản cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số. Vấn đề chuyển đổi nhận thức, đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng năng lực số cho toàn thể công chức, viên chức, cán bộ và người dân là những điều đủ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và xã hội số.
- Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Ông đánh giá ra sao về các mục tiêu này?
Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Tôi nghĩ rằng tính khả thi của các mục tiêu này còn phụ thuộc vào cách chúng ta định hình những phương thức đo lường, thống kê, báo cáo và những cấu phần thuộc về kinh tế số. Hiện còn rất nhiều tranh luận về vấn đề này, do vậy, nếu chưa giải quyết được một cách căn bản thì việc đo lường là một vấn đề mang tính tương đối, rất khó đánh giá được.
Một vấn đề nữa là cần phải có những định hướng rõ ràng, cụ thể trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thì mới có được những động lực rõ ràng, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.
Những nguyên nhân khách quan của tình hình kinh tế - chính trị thế giới cũng sẽ tác động một cách sâu sắc đến sự phát triển chung, và do vậy tỷ trọng cấu phần các loại hình kinh tế trong cấu trúc GDP quốc gia cũng sẽ là một dấu hỏi lớn.
- Ông kỳ vọng gì ở diễn đàn Quốc gia về kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất đang diễn ra?
Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Tôi hy vọng các hội thảo của sự kiện này sẽ góp phần tích cực trong việc tăng cường nhận thức, chuyển đổi tư duy, biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu hơn về kinh tế số, xã hội số của các bên liên quan trong tiến trình chuyển đổi số và phát triển của đất nước. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tuyên truyền, phổ biến và thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số của quốc gia.
PV: Xin chân thành cảm ơn!
Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định tổ chức trong 2 ngày 13 và 14/9/2023.
Dự kiến sẽ có 1.500 đại biểu tham dự trực tiếp, 30 báo cáo và tham luận với 3 hội thảo chuyên đề: Đổi mới sáng tạo là động lực cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế số; Các công nghệ số để phát triển kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện; Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số./.