Đó là nội dung về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử -- một trong những nội dung của Tờ trình đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) mà Bộ Tài chính vừa gửi lên Chính phủ.
Mục đích của việc này là sửa đổi, bổ sung những điều khoản tại Luật Quản lý thuế liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp để phát triển thanh toán thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các Ngân hàng thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, Youtube…) có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Đối với các bộ ngành có liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an…: Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý đối với hoạt động TMĐT theo chức năng nhiệm vụ của các Bộ.
Được biết, không phải ngẫu nhiên mà chuyện thu thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook, Grab, Uber... được đặt ra. Trước đó vào tháng 12/2017, Cục Thuế TP.HCM đã lần đầu tiên hé lộ doanh thu quảng cáo của Google và Facebook. Theo số liệu do bốn ngân hàng được Cục Thuế chỉ định cung cấp thông tin, số tiền các tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển cho Google, Facebook lên đến trên 1.000 tỉ đồng.
Theo Cục Thuế TP.HCM, các tổ chức, cá nhân thanh toán tiền cho các trang mạng xã hội Google và Facebook thông qua các thẻ tín dụng quốc tế như Visa, MasterCard... và thường không khấu trừ thuế nhà thầu nên thất thoát thuế rất lớn.