|
Làn sóng mua bán - sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra sôi động trong năm nay. |
Tăng vốn, thoái vốn
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) được tăng vốn điều lệ từ 3.700 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, BacABank đã thành công khi tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng. Động thái tăng vốn của BacABank được coi là để kéo tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT xuống mức cho phép.
Trước đó, theo báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm 2013 của BacABank, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này là bà Trần Thị Thoảng hiện giữ 5,2% cổ phần của Ngân hàng. Bà Thái Hương (Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc BacA Bank) sở hữu gần 7% cổ phần. Trong khi đó, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, mỗi cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của một ngân hàng.
Năm 2015, nếu việc tăng vốn điều lệ thêm 700 tỷ đồng nữa được thực hiện thành công, thì BacABank sẽ đưa được tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch và Phó chủ tịch xuống mức cho phép (5%).
Ngược với BacABank, Ngân hàng VIB lại chứng kiến sự thoái vốn để “co” tỷ lệ sở hữu về mức cho phép. Theo thông báo của VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT và vợ là bà Trần Thị Thảo Hiền đã giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân từ mức trên 9% xuống chỉ còn 4,99% (với ông Vỹ) và 0% với bà Hiền. Một thành viên khác HĐQT của ngân hàng này là ông Đỗ Xuân Hoàng cũng giảm tỷ lệ sở hữu từ 6% xuống 4,99%.
Ngoài hai ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng đang vượt rào sở hữu theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, hiện trên thị trường vẫn còn 15 - 20 ngân hàng có cổ đông hoặc nhóm cổ đông “vượt rào” về tỷ lệ sở hữu theo quy định. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, tăng vốn hay thoái vốn đều là lựa chọn khó khăn. Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Trong khi đó, việc thoái vốn càng khó khăn, do khó tìm được người mua với giá hợp lý. Trong bối cảnh đó, mua bán - sáp nhập là phương án hợp lý nhất.
Và rầm rộ mua bán - sáp nhập
Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, mỗi ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của hai tổ chức tín dụng khác, với tỷ lệ nắm giữ tối đa phải dưới 5%. Với quy định như vậy, rất nhiều tổ chức tín dụng đang “phạm luật” và chỉ có một năm kể từ ngày 1/2/2015 để đưa tỷ lệ về mức cho phép.
Hiện Maritime Bank sở hữu hơn 10% vốn tại MDB, Vietcombank sở hữu 5 tổ chức tín dụng, Eximbank hiện nắm giữ 9,7% cổ phần tại Sacombank, VietinBank nắm giữ 10,39% cổ phần của Saigonbank, ABBank sở hữu 8,44% cổ phần của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực...
Cho đến nay, Maritime Bank và Sacombank đều có chung giải pháp hợp thức hóa sở hữu chéo bằng việc sáp nhập. Thống đốc NHNN cũng đã chấp thuận về mặt chủ trương việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank và Southern Bank vào Sacombank.
Áp lực thoái vốn và sáp nhập nặng nề nhất có lẽ là Vietcombank. Hiện Vietcombank sở hữu cổ phần của 4 ngân hàng khác và một công ty tài chính khác (MB, OCB, Eximbank, Saigonbank, Công ty Tài chính Xi măng). 4/5 tổ chức này được Vietcombank sở hữu trên 5% vốn.
Vietcombank đang có kế hoạch sáp nhập Saigonbank. Theo dự đoán, Vietcombank có thể tiếp tục sáp nhập Công ty Tài chính Xi măng. Nếu việc sáp nhập hai tổ chức tín dụng trên diễn ra, thì Vietcombank sẽ vẫn phải tiếp tục thoái bớt vốn khỏi OCB, MB và Eximbank về tỷ lệ cho phép.
Riêng với Eximbank, chưa có thông tin nào được công bố về ý định thoái vốn hay sáp nhập của ngân hàng này với Sacombank, song rõ ràng, nếu Sacombank và Southern Bank sáp nhập, thì tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại Sacombank sẽ giảm đi đáng kể so với mức 9,7% hiện nay.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc thực hiện Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ dẫn đến áp lực thoái vốn đối với một số cổ phiếu ngân hàng hoặc việc sáp nhập giữa các tổ chức tín dụng trong năm 2015.
“Xu hướng sáp nhập giữa các ngân hàng thương mại dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2015. Việc này cũng nhằm đáp ứng những quy định liên quan đến góp vốn, mua cổ phần theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN”, báo cáo của BVSC viết.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sáp nhập các ngân hàng có chung sở hữu chéo, trước mắt chưa thể làm ngân hàng khỏe lên, song “làm gọn trước, làm sạch sau” là một hướng đi đúng để thanh lọc hệ thống ngân hàng.
Theo Đầu tư