Những thương vụ được chờ đợi
Mở màn ngay đầu năm nay, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài là Ngân hàng Aozora (Aozora Bank, Ltd - Nhật Bản) để tăng vốn điều lệ. Trước đó, theo báo cáo tính đến ngày 9-12-2019, nhà đầu tư là Aozora Bank đăng ký mua gần 87 triệu cổ phiếu của OCB trong tổng số 118 triệu cổ phiếu được phép chào bán, chiếm 11% vốn điều lệ hiện tại (tương đương 9,91% vốn điều lệ sau khi phát hành), với giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của OCB tại thời điểm cuối quí gần nhất với thời điểm phát hành.
Tờ Nikkei Asian của Nhật đưa tin ngày 8-1-2020, Ngân hàng Aozora của Nhật Bản sẽ mua đến 15% vốn cổ phần của OCB vào trước tháng 4 năm nay, sau khi được cơ quan chức năng của Việt Nam phê duyệt, với giá trị dự kiến đạt khoảng 15 tỉ yen Nhật, tương đương 139 triệu đô la Mỹ. Trước đây, OCB từng có cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng BNP Paribas của Pháp trong suốt hơn 10 năm từ 2007-2018, và có thời điểm nhà đầu tư này sở hữu tỷ lệ kịch trần 20% vốn của OCB.
Cùng với thời hạn cuối phải lên sàn chậm nhất trong năm 2020 theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thì các ngân hàng cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để kịp bán vốn trước khi niêm yết chính thức. |
Ngân hàng Nam Á (NAB) hồi đầu năm 2019 cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.300 tỉ đồng lên 5.000 tỉ đồng, trong đó có phương án bán vốn cho nước ngoài, tuy nhiên kết thúc năm 2019 NAB chỉ mới tăng được lên hơn 3.890 tỉ đồng. Hôm 6-1 vừa qua, NAB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tiếp tục tăng vốn đợt 2 để đạt mục tiêu 5.000 tỉ đồng đề ra, trong đó có phương án chào bán riêng lẻ 50,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 15% vốn. NAB cho biết năm nay sẽ triển khai việc chào bán cho đối tác trong và ngoài nước, nhiều khả năng NAB sẽ xin phép NHNN mở room ngoại đến 20%.
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) hồi cuối tháng 10-2019 cũng gây chú ý khi cho biết hai nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài của ngân hàng này trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới. NCB vẫn đang làm việc với hai nhà đầu tư này và kỳ vọng thương vụ có thể được hoàn tất ngay trong năm 2020 này.
Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) sau khi chính thức được NHNN trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN từ tháng 6-2019, cũng đã đánh tiếng về việc muốn bán vốn cho nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, để đáp ứng mục tiêu tăng vốn cho giai đoạn tới, MSB đang lên kế hoạch chào bán khoảng 20% vốn cho các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả 10% vốn dưới dạng cổ phiếu quỹ, tức là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà ngân hàng đang có.
Như thế nào để tối ưu?
Có thể thấy, cùng với thời hạn cuối phải lên sàn chậm nhất trong năm 2020 theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thì các ngân hàng cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để kịp bán vốn trước khi niêm yết chính thức. Về cơ bản, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) được kỳ vọng sẽ có nhiều lợi ích hơn.
Thứ nhất, chiến lược này sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc đàm phán giá bán cho cổ đông nước ngoài, khi thị giá tránh được những biến động chung của thị trường có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của đối tác. Ngược lại, nếu sau khi lên sàn mới bán thì nhiều khi giá bán không được tốt, do khi đó việc định giá một phần bị ảnh hưởng bởi thị giá, vốn do thị trường quyết định mà nhiều khi không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp.
Như trường hợp của MBB, ngân hàng đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose), dù kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, nhưng giá cổ phiếu ngân hàng này đã điều chỉnh giảm hơn 10% kể từ đầu tháng 11-2019 đến nay, trong bối cảnh suy yếu chung của thị trường. Rõ ràng việc thị giá sụt giảm sẽ ảnh hưởng lên mức giá bán mong muốn của ngân hàng này, cũng như quyết định giá mua của đối tác.
Thứ hai, đạt được mức giá bán tốt với đối tác nước ngoài sẽ là cơ sở tốt giúp xác định giá tham chiếu khi IPO chính thức, vì theo lối suy nghĩ thông thường, nếu những tổ chức đầu tư lọc lõi với kinh nghiệm định giá đầy mình đã sẵn sàng chấp nhận mức giá cao đến thế, thì rõ ràng ngân hàng xứng đáng với mức giá đó. Theo đó, mức giá tham chiếu cao sẽ giúp ngân hàng đạt được mức thặng dư vốn lớn, tăng mạnh được vốn cổ phần.
Trường hợp này có thể nhìn vào thương vụ IPO của Techcombank vào năm 2018, khi ngân hàng này xác định giá chào sàn ở mức tham chiếu lên đến 128.000 đồng/cổ phần, cao nhất trong số các ngân hàng từ trước đến nay, giúp vốn điều lệ tăng gấp 3 lần, lên mức 34.965 tỉ đồng. Giải thích về mức giá chào sàn khủng này, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank được định giá lên đến 6,5 tỉ đô la Mỹ, dựa trên việc trước đó hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông của ngân hàng này đã được bán thành công cho các quỹ đầu tư trên thế giới, với lượng đăng ký mua cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài là trên 4 tỉ đô la, rất cao so với số lượng cổ phiếu chào bán của Techcombank.
Thứ ba, việc bán trước khi lên sàn giúp ngân hàng giữ được trọn vẹn lượng cổ phần muốn bán cho đối tác chiến lược nước ngoài, khi nhiều cổ đông nước ngoài luôn muốn sở hữu tỷ lệ tối đa được phép. Hiện nay, theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Dù Hose hồi tháng 11-2019 đã ra mắt chỉ số VNFin Lead nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư tại nhóm cổ phiếu đã hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nước ngoài gần như chạm trần ở nhóm tài chính, ngân hàng, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn mong muốn Chính phủ sớm nới thêm tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Như hồi giữa tháng 12-2019, trong buổi gặp gỡ với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Warburg Pincus là ông Timothy F. Geithner đã đề nghị Chính phủ nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong ngân hàng thương mại.
Về phần mình, Chính phủ đã dự thảo trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) về chứng chỉ lưu ký (cổ phiếu) không có quyền biểu quyết để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tăng sở hữu đồng thời bảo đảm kiểm soát được các rủi ro. Dự kiến hai dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua vào tháng 5-2020, mở đường cho việc các ngân hàng Việt có thể bán thêm vốn cho khối ngoại trong năm nay.
Theo TBKTSG