Thời gian qua thị trường đã liên tục "nóng" xoay quanh việc hai ngân hàng OceanBank và VNCB bị âm vốn và buộc phải bán cho Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng. Người ta lại càng để ý đến vốn điều lệ và vốn tự có của mỗi ngân hàng hơn bởi xét về tầm quan trọng, vốn điều lệ sẽ chi phối toàn bộ hoạt động, quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng, là tấm bọc lót cuối cùng bảo vệ người gửi tiền và xử lý rủi ro. Quy mô vốn điều lệ cũng là một tiêu chí đánh giá về tiềm lực tài chính của mỗi tổ chức.
Năm nay, không chỉ các ngân hàng thương mại nhỏ phải chạy đua tăng vốn điều lệ để đáp ứng lộ trình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mà cả những ngân hàng lớn cũng ồ ạt lên kế hoạch tăng vốn.
Theo thống kê của BizLIVE, có đến 12 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn ngay trong năm 2015. Nếu thành công, tổng số vốn điều lệ của 21 ngân hàng lớn sẽ lên tới 244.957 tỷ đồng, tăng 16,3% so với kết quả tính đến cuối năm 2014.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng có ý định tăng vốn nhiều nhất với 11.975 tỷ đồng, lên 49.209 tỷ đồng, sẽ tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam.
Vốn pháp định 10.000 tỷ đồng là không khả thi
Có ý kiến cho rằng năm 2015, vốn pháp định của ngân hàng có thể tăng đến 10.000 tỷ đồng, những ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nếu không sáp nhập sẽ phải đóng cửa.
Trao đổi với BizLIVE, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng ý kiến trên là không khả thi. Nếu tăng vốn pháp định lên 10.000 tỷ đồng thì hệ thống ngân hàng sẽ phải rất tập trung.
Tại các nước khác, số lượng ngân hàng không nhiều, vốn của các ngân hàng rất lớn. Một số ngân hàng tại Mỹ không có quy định vốn cho các ngân hàng là bao nhiêu nhưng cũng tối thiểu là 20-30 triệu USD.
Một vấn đề khác xung quanh việc các ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ trong thời gian từ nay đến hết năm cho thấy là lượng cổ phiếu phát hành thêm của các ngân hàng sẽ rất lớn. Vì thế, cung cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng mạnh.
Theo ông Hiếu, khi các ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu sẽ làm pha loãng cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu, cổ tức cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc các ngân hàng lên phương án tăng vốn là đã được thông qua sự đồng thuận của cổ đông.
Bù trừ lại, cổ đông cũng có điểm lợi khi ngân hàng tăng quy mô vốn, tăng cường khả năng tài chính vì mục tiêu chung của ngân hàng và tầm nhìn dài hạn.
Trong tương lai Việt Nam hệ thống ngân hàng có thể sẽ rút gọn còn 15 ngân hàng và theo ông Hiếu nên chia 2 loại. Năm ngân hàng có vốn điều lệ rất lớn phục vụ cho quốc gia và khoảng 10 ngân hàng còn lại phục vụ cho cộng đồng kinh tế địa phương và các ngân hàng này chỉ cần quy mô vốn nhỏ. Số vốn 3.000 tỷ đồng cho các ngân hàng nhỏ này là thích hợp.
Theo Bizlive