5 tháng đầu năm, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện tăng vốn điều lệ hoặc lên phương án tăng vốn một cách kỹ lưỡng. Dù rằng cách thức tăng vốn của các nhà băng không giống nhau nhưng mục đích đều nhắm tới mở rộng quy mô và tăng năng lực cạnh tranh trong thời cuộc mới.
Sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), VietinBank có vốn điều lệ mới hơn 40.200 tỷ đồng, củng cố ngôi vị đầu bảng về vốn điều lệ trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. Trước đó, Đại hội cổ đông của ngân hàng này cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên đến 49.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Đứng thứ hai trong hệ thống - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cũng đang có vốn điều lệ hơn 31.500 tỷ đồng, trong đó có gần 3.400 tỷ đồng đến từ Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) sau khi sáp nhập. Năm nay, BIDV có kế hoạch tăng vốn lên trên 34.000 tỷ đồng.
Ở nhóm cổ phần, Sacombank có “tham vọng” tăng thêm 20% vốn điều lệ trong năm nay, từ mức hơn 12.000 tỷ đồng lên 14.853 tỷ. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong khi đó quyết tâm đưa vốn từ mức chưa đến 11.600 tỷ đồng lên 16.000 tỷ. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong khi đó đã thực hiện xong việc tăng vốn từ 12.294 tỷ đồng lên14.294 tỷ đồng vào cuối tháng 4 vừa qua.
Cũng nhằm trong nhóm 10 ngân hàng lớn nhất, cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội(SHB) đã đồng thuận tăng vốn từ mức 8.865 tỷ đồng lên 10.486 tỷ. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thì tăng vốn từ 7.324 tỷ đồng lên mức 8.458 tỷ đồng.
Không chỉ trong nhóm dẫn đầu, nỗ lực tăng vốn còn đến từ các ngân hàng nhỏ. Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.098 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu năm, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đã hoàn tất việc tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng tăng vốn từ 3.234 tỷ đồng lên 4.000 tỷ.
Ở nhóm ngân hàng tầm trung, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)đã thống nhất tăng vốn thêm hơn 500 tỷ, từ 4.797 tỷ lên 5.320 tỷ đồng.LienVietPostBank dự định tăng vốn từ gần 6.500 tỷ lên 9.000 tỷ đồng...
Để hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ, ngân hàng có thể trông chờ vào nhiều nguồn chẳng hạn như hoạt động mua lại hoặc sáp nhập; có thể nhờ đối tác chiến lược bơm tiền; nhờ cổ đông bỏ thêm tiền góp vốn; hoặc cũng có thể là sự "hy sinh" lợi ích cá nhân của cổ đông để giữ lại lợi nhuận phục vụ phát triển ngân hàng.
Nói như cách của lãnh đạo các ngân hàng như HDBank, Techcombank, VPBank, MB…thì việc tăng vốn là hết sức cần thiết. Các ngân hàng không còn cách nào khác là phải tăng vốn để nâng cao năng lực, mở rộng mạng lưới và đầu tư vào các kênh sinh lời khác để cạnh tranh với các đối thủ. Theo kế hoạch tái cơ cấu hệ thống của NHNN, đến năm 2017 sẽ hình thành được vài ngân hàng có quy mô tầm khu vực và rút gọn hệ thống xuống còn khoảng 15 ngân hàng, từ mức 34 ngân hàng hiện nay.
Theo Trí thức trẻ