Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu cộng dồn thành gần 9 tỷ đồng:

"Ngân hàng không cho tôi biết phương thức tính lãi"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Anh P.H.A cho biết khi đòi nợ số tiền gần 9 tỷ đồng, ngân hàng Eximbank không thông tin về phương thức tính lãi từ khoản vay tín dụng 8,5 triệu đồng.

Thẻ tín dụng Eximbank Master Card đứng tên anh P.H.A (ở Quảng Ninh) phát sinh nợ hơn 8,5 triệu đồng từ năm 2013. Từ đó đến nay, anh P.H.A chưa thanh toán nợ gốc và lãi.

Ngày 31/10/2023, theo thông báo nhắc nợ của Eximbank, tổng số tiền anh P.H.A đang nợ tại ngân hàng này là hơn 8,8 tỷ đồng, trong đó nợ lãi 8,83 tỷ đồng đồng.

Eximbank cho hay phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp theo thoả thuận giữa Eximbank và khách hàng trong hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013, với đầy đủ chữ ký của khách hàng. Quy định về phí, lãi được quy định rõ trong biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được Eximbank đăng tải công khai trên website của ngân hàng.

Tuy nhiên, hiện nay, website của ngân hàng này chỉ hiển thị biểu phí phát hành và sử dụng thẻ hiệu lực từ 15/8/2023. Theo đó, phí thường niên đối với thẻ tín dụng ghi nợ quốc tế Eximbank Master Card là 300.000 đồng/năm.

Ngoài ra, chủ thẻ còn phải chịu phí phát hành, phí thay thế thẻ theo yêu cầu, phí cấp lại mã PIN, phí khiếu nại, phí rút tiền mặt (4% giá trị giao dịch), phí thông báo thẻ bị thất lạc, mất cắp, phí chuyển đổi tiền tệ, phí xử lý giao dịch bằng VND tại nước ngoài,...

Với trường hợp của khách hàng P.H.A, ngoài lãi suất theo thoả thuận, khách hàng còn phải chịu phạt lãi trả chậm, theo mỗi kỳ tính lãi, mức lãi sẽ tăng lên sau khi cộng dồn các loại phí, lãi,... Đến kỳ tính lãi, lãi suất sẽ được tính dựa trên con số cộng dồn trước đó theo kiểu “lãi chồng lãi”.

Theo một chuyên viên tín dụng khách hàng cá nhân đang làm việc tại một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, nếu lãi suất khách hàng phải trả là 33%/năm, tiền lãi sẽ được tính toán theo công thức sau:

Tiền lãi hàng tháng = dư nợ thẻ x 150% lãi suất thỏa thuận (khoảng 49,5%) x thời gian chưa trả nợ.

(Ngoài ra có thể còn các chi phí khác như phí duy trì thẻ, phạt chậm trả...)

anh-chup-man-hinh-2024-03-14-luc-429.jpg
Thông báo đòi nợ của Eximbank.

Tuy nhiên, anh P.H.A thông tin rằng "phía ngân hàng cũng không cho tôi biết phương thức tính lãi ra sao khi từ 8,5 triệu mà lên tới gần 9 tỷ đồng".

Ngày 15/3, anh P.H.A cho biết đã uỷ quyền cho luật sư để bảo vệ quyền lợi trong vụ việc này. Hôm qua (14/3), đại diện Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh mời làm việc nhưng anh không đồng ý.

Anh P.H.A cho rằng việc ngân hàng mời tới làm việc phải theo quy trình và văn bản cụ thể. Trong đó, văn bản phải thể hiện làm việc với những đơn vị nào, nội dung gì và phải có luật sư của anh P.H.A tham gia.

Thông tin với báo chí, anh khẳng định không sử dụng thẻ Eximbank Master Card. Năm 2012, qua một người bạn nên anh nhờ một nam nhân viên (không nhớ danh tính) Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh làm thẻ tín dụng.

Lúc này, nam nhân viên ngân hàng yêu cầu anh ký trước vào hợp đồng mở thẻ và nhận thẻ. Sau đó, người này đưa cho anh H.A chiếc thẻ thường và giải thích thẻ tín dụng đang gặp trục trặc.

Nghĩ không làm được thẻ Master Card nên anh P.H.A không để ý tới nữa. Năm 2016, anh có nhu cầu vay vốn ngân hàng thì được thông báo có nợ xấu tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.

Anh P.H.A tới Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh để hỏi thì được thông báo phải chịu trách nhiệm với chiếc thẻ tín dụng đã mở trước đó.

Theo sao kê chi tiết, thẻ tín dụng của anh đã từng vay tiền để mua chiếc điện thoại với giá hơn 9 triệu đồng. Theo anh P.H.A, chữ ký trong sao kê không giống chữ ký của mình trong hồ sơ mở thẻ. Cũng theo sao kê ngân hàng, khoản vay có 2 lần đã trả lãi trong vòng 2 tháng. Việc này anh P.H.A khẳng định là không biết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo.