|
Ảnh minh họa |
Ngày 22/5/2015, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã chính thức hoàn thành sáp nhập vào BIDV. Theo đó, thương hiệu MHB đã chính thức "biến mất", toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây giờ sẽ hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV.
BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo nhận diện của BIDV chỉ trong thời gian vỏn vẹn có vài ngày.
Sau sáp nhập với MHB, tổng tài sản BIDV đã lên tới 700.000 tỷ đồng, đứng thứ tư trong hệ thống ngân hàng thương mại nội địa về quy mô tài sản. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên trên 34.000 tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm mạng lưới trên cả nước với tổng số lao động là gần 24.000 cán bộ, nhân viên.
Quá trình thực hiện công tác sáp nhập MHB vào BIDV được thực hiện nhanh gọn trong khoảng thời gian rất ngắn - 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV và chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi Thống đốc NHNN có quyết định 589/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập MHB vào BIDV.
Cùng ngày 22/5, ngân hàng Vietinbank và PG Bank cũng đã tổ chức lễ ký hồ sơ sáp nhập PG Bank vào Vietinbank. Theo phương án đã được thông qua, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,9, tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu CTG.
Sau khi sáp nhập thêm PG Bank, vốn điều lệ của Vietinbank đã tăng từ 38.000 tỷ đồng lên thành 41.000 tỷ đồng.
Không chỉ giúp cho Vietinbank củng cố vị trí ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, việc sáp nhập cũng giúp Vietinbank mở rộng hệ thống mạng lưới và thị trường bán lẻ vốn là thế mạnh của PG Bank.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Quyết định số 1391/QĐ-NHNN về việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Mê Kông (MDB)vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank).
Theo quyết định kể từ ngày 12/8/2015 Maritime Bank sẽ chính thức sáp nhập vào Mê Kông Bank. Theo đó MaritimeBank phải có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của MDB.
Sau khi sáp nhập, các phòng giao dịch, chi nhánh của MDB sẽ mang thương hiệu MaritimeBank. Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa, cái tên MDB sẽ chính thức biến mất khỏi thị trường tài chính sau 23 năm tồn tại.
Sau sáp nhập, số vốn điều lệ của MaritimeBank sẽ lên gần 11.800 tỷ đồng, tổng tài sản là 113.000 tỷ đồng, con số chi nhánh, phòng giao dịch của MaritimeBank sẽ nâng từ 221 lên gần 300, đưa ngân hàng thuộc top 5 về mạng lưới, top 3 về vốn điều lệ trong khối NHTM cổ phần.
Trong khi đó, Đại hội đồng cổ đông của 2 ngân hàng Sacombank và Phương Nam cũng đã thông qua việc sáp nhập, dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV/2015, sau khi được NHNN chính thức thông qua.
Theo đó, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng là 1: 0,75; tức một cổ phiếu Southern Bank sẽ được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu Sacombank. Tên ngân hàng sau sáp nhập sẽ là NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của ngân hàng mới sẽ ở mức 18.852 tỷ đồng.
Đây là bốn "cặp đôi" đã chính thức "về một nhà", và cũng đã có bốn cái tên chính thức biến mất. Tuy vậy, đây được dự đoán sẽ không phải là con số cuối cùng, bởi trước mắt, vẫn còn hai "cuộc hôn nhân" thị trường mong đợi sẽ sớm được tiến hành trong năm nay.
Một trong những thương vụ nhận được nhiều sự quan tâm nhất của thị trường hiện nay chính là NamA Bank - Eximbank. Mặc dù nội dung bầu HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 và vấn đề sáp nhập ngân hàng đã không được đề cập tại ĐHĐCĐ 2015 của Eximbank, nhưng việc Vietcombank "đánh tiếng" rút khỏi Eximbank và hai đại diện NamABank đang sở hữu tới hơn 20% vốn Eximbank làm giấy lên nhiều đồn đoán hai ngân hàng này sẽ tiến hành sáp nhập trong tương lai không xa.
Trong khi đó, mặc dù HĐQT Saigonbank vẫn chưa trình chủ trương sáp nhập nhưng với việc nợ xấu tăng cao, lợi nhuận thấp trong khi việc tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay không phải là nhiệm vụ dễ dàng, việc sáp nhập vào Vietcombank có lẽ sẽ là phương án được cho là khả thi nhất cho ngân hàng này để có thể tồn tại.
Theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2017, số lượng các ngân hàng sẽ giảm bớt xuống còn khoảng 20 đơn vị có quy mô lớn với khả năng cạnh tranh mạnh. Do vậy, trong thời gian tới, không chỉ MHB, PG Bank, Southern Bank mà sẽ còn có thêm nhiều cái tên sẽ biến mất khỏi thị trường thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Sau lần "thanh lọc" lớn này, hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở nên lành mạnh hơn.
Theo Bizlive