Nga tung hoành chiến trường Syria nhờ “móng vuốt” mới

Sau ba tuần bất ngờ phát động chiến dịch quân sự tại Syria, Moscow không chỉ giành thắng lợi bước đầu mà còn cho thấy những nỗ lực hiện đại hóa quân đội đã thu được quả ngọt thực chất và đang khôi phục lại những khả năng bị mất, Defense News nhận định.
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa từ biển Caspian đánh các mục tiêu khủng bố ở Syria
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa từ biển Caspian đánh các mục tiêu khủng bố ở Syria

Mặc dù chiến dịch quy mô khá hạn chế với lực lượng khoảng 30 chiến đấu cơ và 20 trực thăng vũ trang tác chiến bên ngoài căn cứ không quân Latakia. Các chiến thuật được sử dụng được lai tạo giữa yểm trợ đường không thời Xô Viết và các đòn tấn công chính xác theo kiểu phương Tây.

Một cựu thành viên Bộ tổng tham mưu quân đội Nga, tướng hồi hưu Yevgeny Buzhinsky cho biết không quân Nga đã bắt đầu sử dụng các chiến thuật của phương Tây chỉ để phá hủy những mục tiêu riêng biệt với các loại vũ khí chính xác, nhưng về tổng thể vẫn bay thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất theo lối truyền thống.

“Đây là lần đầu tiên không quân Nga sử dụng các loại vũ khí chính xác cao. Họ thiếu chúng khá lâu rồi kể từ khi chúng tôi bị tụt hậu so với Mỹ và phương Tây nói chung về các loại vũ khí chính xác do diễn biến những năm 1990”, Buzhinsky.

Vào thời đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thực hiện những đòn không kích lớn với vũ khí chính xác, giúp họ giành chiến thắng trong nhiều cuộc chiến kể từ chiến tranh vùng vịnh năm 1991. Thực tế Nga đã bắt kịp với nỗ lực hiện đại hóa quân đội dưới thời tổng thống Vladimir Putin và bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu, Buzhinsky nói.

Theo Buzhinsky, yểm trợ đường không là vai trò thích hợp trong tư tưởng của giới tư duy quân sự Nga đối với không quân Nga, vốn thường được sử dụng hỗ trợ bộ binh và đóng một vai trò chiến thuật khá hạn chế. Do đó, chiến dịch quân sự tại Syria là một màn thể hiện ấn tượng về khả năng quân sự mới của Nga với nhiều hệ thống vũ khí dẫn đường lần đầu tiên được triển khai trong thực tế chiến đấu, bao gồm các tên lửa không đối hạm và tên lửa hành trình tầm xa Kalibr mới.

Nhiều người cho rằng mục tiêu bề ngoài của Nga tại Syria là chính trị, hậu thuẫn chế độ tổng thống Assad. Trong lĩnh vực này, bộ quốc phòng Nga đã tuyên bố thắng lợi ban đầu. Tần suất các đợt không kích của không quân Nga ngày càng tăng lên, giúp quân đội Syria phản công. Nga tuyên bố tấn công các mục tiêu IS, nhưng giới chức phương Tây luôn cáo buộc Nga trước tiên đánh vào cái gọi là các nhóm phiến quân ôn hòa được Mỹ và các đồng minh phương Tây chống lưng.

Theo tướng Buzhinsky, Nga không thấy có sự khác biệt giữa IS và các nhóm phiến quân được phương Tây hậu thuẫn và có lợi ích quốc gia sống còn trong việc tiêu diệt tất cả các nhóm cực đoan tại Syria. Defense News cho rằng, chiến dịch quân sự tại Syria là cơ hội được Nga sử dụng để phô trương khả năng quân sự mới. Trong khi phần lớn các cuộc không kích được thực hiện với các loại bom thông thường và các vũ khí khác, lần đầu tiên chiến đấu cơ Nga sử dụng vũ khí dẫn đường trong chiến đấu. Đặc biệt là hai loại tên lửa Kh-25 dẫn đường bằng laser và bom KAB-500 dẫn đường bằng vệ tinh Glonass.

Theo IHS, Nga sử dụng nhiều bom cũ, không có dẫn đường như OFAB-100 và OFAB-200 phá mảnh chống bộ binh. Nga cũng được xem là sử dụng một loại bom chùm RBK-500-SPBE-D, bom nhiệt áp ODAB-500PMB và bom xuyên phá boongker BetAB-500 M62.

"Thú mỏ vịt" Su-34 lần đầu xung trận tại chiến trường Syria

Nga còn trình diễn một năng lực quân sự quan trọng khác đúng vào ngày sinh nhật tổng thống Putin 7/10. Trong lúc đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute họp báo về hành động của Nga tại Syria tại tổng hành dinh NATO ở Brussels, các chiến hạm thuộc hạm đội Caspian đã đồng loạt phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở Syria.

26 quả tên lửa hành trình tầm xa đã bay qua không phận Iran trước khi đánh trúng các mục tiêu đã định tại Syria. Mặc dù giới chức Mỹ sau đó nói rằng 4 quả tên lửa đã rơi khi đang bay qua Iran, phần lớn đòn không kích tên lửa tầm xa đã đánh trúng mục tiêu, thể hiện một khả năng quân sự mới của Nga.

“Đòn tấn công bằng tên lửa hành trình từ biển Caspian chủ yếu là một màn trình diễn, và đó là một sự thể hiện rất thành công, có hiệu quả tương tự vụ đánh chìm tàu khu trục Eilat của Israel do hải quân Ai Cập dùng tên lửa chống hạm của Liên Xô năm 1967”, chuyên gia quân sự Barabanov nhận xét.

Đây cũng là lần đầu tiên hạm đội Caspian, được tướng Buzhinsky nói là hạm đội hải quân hiện đại nhất của Nga, được huy động vào mục đích phóng chiếu sức mạnh quân sự Nga tới Trung Đông. Nhìn chung, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria là một màn phô diễn ấn tượng về năng lực quân sự mới của Nga, cây viết Matthew Bodner của Defense News nhận xét.

Theo QPAN