Nga tung hoành chiến trường Syria: Bí kíp thắng lợi với các chiến dịch đặc biệt

Chiến dịch đặc biệt có cấu trúc phức tạp đã quyết định hình thức sử dụng các lực lượng quân sự ở Syria. Đồng thời, ranh giới giữa các nhiệm vụ cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật đã bị xóa nhòa, còn các mục tiêu chiến lược (chiến dịch) đã đạt được nhờ hoạt động của các đơn vị quân sự cấp chiến thuật.
Lính đặc nhiệm Nga tham chiến tại Syria
Lính đặc nhiệm Nga tham chiến tại Syria

Trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành sự chú ý lớn cho các vấn đề an ninh quốc gia, củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, trang bị vũ khí hiện đại và tương lai cho quân đội. Không có sự phát triển của khoa học quân sự thì không thể giải quyết các vấn đề này.

Ngay trước Diễn đàn kỹ thuật quân sự Army-2018, tạp chí Người đưa tin Công nghiệp quốc phòng (VPK, Nga) đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga bắt đầu đăng tải loạt bài báo, trong đó đặt ra các vấn đề phát triển chiến lược và chiến thuật của quân đội Nga, phân tích kinh nghiệm các cuộc xung đột cục bộ, xem xét các vấn đề khoa học kỹ thuật. Chủ đề của một số bài viết các chuyên gia đã biết qua hội nghị khoa học của Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga diễn ra vào tháng 3/2018.

Aleksandr Vladimirovich Dvornikov, Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu Miền Nam, Anh hùng Liên bang Nga, nguyên Tư lệnh Lực lượng Nga ở Syria: “Chưa từng có ở đâu trước đây, ở Syria, chúng tôi đã hiểu được tầm quan trọng của đối kháng thông tin”
Aleksandr Vladimirovich Dvornikov, Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu Miền Nam, Anh hùng Liên bang Nga, nguyên Tư lệnh Lực lượng Nga ở Syria: “Chưa từng có ở đâu trước đây, ở Syria, chúng tôi đã hiểu được tầm quan trọng của đối kháng thông tin”

Kinh nghiệm các cuộc xung đột quân sự những thập niên gần đây cho thấy, sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ đang đem lại những thay đổi lớn về tính chất đấu tranh vũ trang. Quân đội các nước NATO đang ráo riết thúc đẩy hình thái chiến tranh kiểu mới hoặc còn gọi là các cuộc chiến tranh phức hợp (hybrid war) mà nền tảng là các biện pháp phi quân sự. Hơn nữa, ranh giới giữa trạng thái chiến tranh và hòa bình đang bị xóa nhòa.

Không theo lối mòn

Phân tích nói về những thay đổi trong tiến hành các cuộc chiến tranh kiểu truyền thống. Ví dụ kinh điển cuối cùng là chiến dịch của lực lượng đa quốc gia NATO ở Iraq năm 1991, nơi mà nhiệm vụ chủ yếu là đánh tan lực lượng vũ trang và chiếm đóng lãnh thổ nước này. Trong một phần tư thế kỷ qua, những chiến dịch sử dụng các cụm lực lượng lục quân lớn như thế đã không được tiến hành.

Hiện nay, quốc gia xâm lược đạt được các mục tiêu địa-chính trị thông qua tổ hợp các biện pháp phi quân sự mà trong hàng loạt trường hợp ưu việt hơn nhiều về hiệu quả so với các biện pháp quân sự. Nhiệm vụ chủ yếu không phải là tiêu diệt đối phương về mặt vật lý mà là quy phục hoàn toàn đối phương theo ý chí của mình.

Nam Tư, Iraq năm 2003, Libya, Tunisia, Syria, Ukraine… Khắp nơi, chúng ta có thể thấy một kịch bản gần như giống hệt nhau. Nhưng so sánh với các cuộc xung đột của thế kỷ trước, nơi mà các lực lượng lục quân của kẻ xâm lược đã tham gia trực tiếp vào chiến dịch mặt đất, trọng tâm đặt vào đạt được các mục tiêu được che đậy bằng những ngôn từ mỹ miều.

Những lực lượng đó được thiết lập trên cơ sở các nguồn lực sở tại theo nguyên tắc chia rẽ phe phái, dân tộc và tôn giáo, bằng cách tổ chức lực lượng quân sự phi chính quy và dân quân thành các đơn vị nhỏ có khả năng hợp nhất vào các đơn vị lớn hơn với sự yểm trợ và chỉ đạo của lực lượng tác chiến đặc biệt và các công ty quân sự tư nhân của các nước khác. Cũng như có sự huy động quân đội của các quốc gia, không quân, hải quân và các nước ngoài và các lực lượng quân sự khác, các tổ chức dân sự và phi chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ trên các hướng chiến lược (chiến dịch) trong một không gian thông tin-tình báo thống nhất.

Các ví dụ là các nhóm IS và Jabhat al-Nusra, các đơn vị tự vệ người Kurd, dân quân Iraq, “Bình minh Libya” (Libya Dawn) và “Các lữ đoàn Zintan” (Zintan Brigades) ở Libya, “Quân đội giải phóng Kosovo” của người Albania ở Nam Tư, các đơn vị của tổ chức dân tộc cực hữu “Pravyi Sektor” (Right sector), tiểu đoàn “Asker” của người Tarta Crimea, các công ty quân sự tư nhân… ở Ukraine. Trong khi đó, việc giành quyền khống chế trên không và trên biển, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình được được thực hiện bởi lực lượng hải quân và không quân chính quy của kẻ tấn công ở những vùng cấm bay đã được thiết lập, thường là dưới dạng hoạt động gìn giữ hòa bình và giải quyết khủng hoảng. Kết quả là ở nước đó một chính phủ “ngoan ngoãn” được dựng lên, đất nước bị chia cắt, tình trạng hỗn loạn và vô luật pháp lan tràn, sự kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên được thiết lập, trên lãnh thổ nước đó được bố trí các căn cứ quân sự của kẻ xâm lược.

Các cuộc xung đột vũ trang hiện đại có những hình thức cực kỳ đa dạng mà tùy thuộc vào khu vực và tình huống cụ thể được tập hợp từ các yếu tố khác nhau thành một thể thống nhất. Nga đã khái quát kinh nghiệm này vốn cực kỳ có giá trị bài học và được sử dụng khi tiến hành chiến dịch ở Syria.

 

Kinh nghiệm các chiến dịch đặc biệt

Chiến dịch đặc biệt có cấu trúc phức tạp đã quyết định hình thức sử dụng các lực lượng quân sự ở Syria. Đồng thời, ranh giới giữa các nhiệm vụ cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật đã bị xóa nhòa, còn các mục tiêu chiến lược (chiến dịch) đã đạt được nhờ hoạt động của các đơn vị quân sự cấp chiến thuật.

Giữ vai trò chính là các hoạt động tác chiến trong những điều kiện đặc biệt: địa hình sa mạc, núi non, chiếm giữ các khu dân cư (trong các trường hợp riêng lẻ thì có cả việc phải vượt qua chướng ngại nước), chiến tranh địa đạo, sử dụng các cuộc tấn công của lực lượng Không quân-vũ trụ Nga, vũ khí chính xác cao tầm xa trong một không gian thông tin trinh sát-tiến công thống nhất. Một phần đáng kể các hoạt động đó được tiến hành ban đêm.

“Công tác thông tin với dân chúng sở tại đã giúp giải phóng trọn vẹn những khu phố mà không cần giao tranh”
“Công tác thông tin với dân chúng sở tại đã giúp giải phóng trọn vẹn những khu phố mà không cần giao tranh”
  

Kinh nghiệm của chiến dịch đặc biệt đã cho phép xác định các hình thức sử dụng hiệu quả nhất:

  • Tác chiến nhằm đánh tan các đơn vị khủng bố nguy hiểm nhất;
  • Phòng ngự các mục tiêu quan trọng, các hướng đường sá chủ yếu;
  • Tác chiến trên cơ sở tin tức trinh sát/tình báo bằng các lực lượng và phương tiện hỏa lực của quân đội Nga;
  • Bảo vệ biên giới quốc gia.

Việc thực hiện các nhiệm vụ có sử dụng các đơn vị hỗn hợp có hàng loạt đặc điểm:

  • Sử dụng tổ hợp sức mạnh quân sự với sự tham gia của các đơn vị quân sự của các quốc gia hữu quan và các đơn vị dân quân;
  • Thực hiện các cuộc tấn công nhằm làm suy giảm tiềm lực kinh tế của đối phương;
  • Tác động thông tin và tâm lý mạnh mẽ vào phiến quân để làm suy sụp trạng trái tâm lý-tinh thần của chúng;
  • Tiến hành các hành động tác chiến cơ động cao bằng các lực lượng độc lập trên các hướng riêng biệt;
  • Sử dụng các phương pháp chiến tranh du kích cùng với các hình thức tác chiến truyền thống;
  • Sử dụng rỗng rãi các đường ngầm, địa đạo và giao thông hào ngầm, kỹ thuật công trình;
  • Huy động các phân đội cơ động bằng xe bán tải vào các cuộc tập kích, phục kích và phản kích.

Đã phải tính cả đến việc đến mùa hè năm 2015, quân đội Syria đã hoàn toàn kiệt quệ, binh sĩ mất tinh thần, đội ngũ sĩ quan suy sụp, còn giới lãnh đạo quân đội cho thấy hiệu quả chỉ huy quân đội cực kỳ thấp. Trong tình huống đó, Nga đã buộc phải dựa vào những đơn vị dân quân có sức chiến đấu nhất như các đơn vị của chuẩn tướng Suheil Salman al-Hassan, Lữ đoàn “Những con chim ưng sa mạc” (Desert Hawks Brigade), Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, các đơn vị chiến đấu của Hezbollah, Fatimid, các đơn vị của Sheikh Turki và Ibrahim, Sheikh Suleiman, còn sau đó là cả các lữ đoàn của Quân đoàn xung kích tình nguyện số 5 gồm toàn lính tình nguyện và nằm trong thành phần lực lượng lục quân có sức chiến đấu mạnh nhất.

Về thực chất, đó là các đơn vị vũ trang phi chính quy phân tán. Nhưng khi được tập hợp lại dưới sự chỉ huy của vị chỉ huy lực lượng đến từ quân đội Nga và hành động theo một ý định thống nhất, các đơn vị này đã có sức mạnh khác hẳn. Và nay thì hoàn toàn có thể gọi là lực lượng hỗn hợp.

Việc sử dụng các phương pháp tác chiến mới đã cho phép ở giai đoạn đầu giành được những thắng lợi đầu tiên ở vùng núi Latakia. Trong quá trình chiến dịch của VKS, Hải quân Nga, cũng như các đơn vị của Lực lượng Tác chiến đặc biệt Nga, đã tiêu diệt những mục tiêu quan trọng sống còn của đối phương, hạ tầng và các điểm tập kết lớn các đơn vị khủng bố nhằm thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng mặt đất. Vai trò chủ yếu trong lực lượng này không được dành cho các đơn vị quân chủ lực, mà dành cho các đơn vị kể trên vốn đã có vai trò quyết định trong các chiến dịch then chốt ở vùng núi Latakia, ở Palmyra, Kweiris, Aleppo, giải phóng Aqerbat, Hama và Deir ez-Zor.

Ở địa hình núi non, hoạt động tác chiến được tiến hành theo cá hướng có lợi kèm theo việc đánh chiếm và nắm giữ các điểm cao khống chế, các con đèo, đường núi, sử dụng rộng rãi các đơn vị vu hồi, trong đó đóng vai trò quan trọng là việc biết rõ chiến trường. Chẳng hạn, ở địa hình sa mạc, đã tận dụng tốt các kết quả sử dụng không quân và pháo binh trên suốt chiều sâu phòng ngự của đối phương, các hành động tiến công được tiến hành tích cực về ban đêm. Trên những hướng riêng lẻ, đã huy động máy ủi để xây dựng các phòng tuyến, trận địa.

Đã sử dụng hiệu quả các xe tăng trực thuộc trực tiếp chỉ huy các đơn vị đột kích.

Bằng hai cuộc tấn công của các đơn vị của tướng Suheil và 5 đơn vị tình nguyện vào cuối tháng 10/2017, đã giải tỏa được thành phố Deir ez-Zor. Sau cuộc tấn công hỏa lực ồ ạt bằng tên lửa hành trình phóng từ khinh hạm Đô đốc Essen, tiếp đó là đánh chiếm và mở rộng đầu cầu ở bờ trái sông Euphrates, quân đội Syria đã tiến vào thành phố từng nằm trong vòng vây hơn ba năm trời. Tiếp đó, lực lượng khủng bố đã bị bao vây, chia cắt và tiêu diệt từng phần.

Những nguồn lực hiệu quả nhất

Một đặc điểm khác nữa là tác chiến địa đạo và tác chiến chống địa đạo. Các địa đạo được đào để di chuyển giữa các trận địa bên trong các thành phố, cũng như để bí mật tiếp cận đối phương. Đặc biệt là ở thủ đô Syria và Homs. Ở Aleppo và Damascus, bọn khủng bố còn dùng địa đạo để cài bom mìn, tiêu diệt các mục tiêu do chính phủ kiểm soát.

Một trong những sự kiện chủ chốt của chiến tranh Syria là chiến dịch giải phóng Aleppo. Chiến dịch này có tính chất tiến công-phòng ngự. Nhằm tác động hỏa lực liên tục lên đối phương, đã áp dụng chiến thuật tiến công theo ba ca ban ngày và ban đêm, không ngừng nghỉ. Ở vành đai ngoài, đã thiết lập một cụm lực lượng phòng ngự. Không quân tấn công các mục tiêu và cụm lực lượng của các đơn vị khủng bố chỉ ở phạm vi vành đai ngoài, còn bộ đội tên lửa và pháo binh, các phương tiện hỏa lực chiến thuật trong thành phần tổ hợp trinh sát-tiến công - vào các mục tiêu quan trọng ở rìa thành phố và chỉ sau khi có sự xác nhận từ ba nguồn trở lên.

Ngoài ra, đã tiến hành hoạt động phá hoại của các phân đội đặc nhiệm đối với các mục tiêu của các đơn vị khủng bố.

Chiến dịch nhân đạo diễn ra song song với việc tiến hành các hành động tiến công và các cuộc không kích của không quân vào các mục tiêu điểm và sau đó đã trở thành điểm bước ngoặt trong việc giải phóng Syria.

Cần nói riêng về hoạt động của Chuẩn tướng Suheil với tư cách vị chỉ huy tài ba nhất trong quân đội Syria. Ông chỉ huy các đơn vị phi chính quy. Trong quá trình chiến sự, ông đã giành được những thắng lợi lớn, không đi theo những khuôn mẫu, sử dụng khôn khéo các phương pháp tiến hành chiến dịch đặc biệt khác nhau.

Cách tiếp cận hoàn toàn mới trong chiến thuật tiến công mà Tướng Suheil áp dụng vào thực tiễn là lập cái gọi là “chiến lũy Syria” (lũy, ụ, gò đất cho phép binh khí kỹ thuật ẩn núp và từ đó bắn ra) để giảm tổn thất về sinh lực và binh khí kỹ thuật. Việc xây dựng củng cố trận địa chiến đấu có sử dụng trang thiết bị làm đường phổ thông được lắp thêm các tấm giáp và được sử dụng cả khi tiến hành các hành động tiến công.

Trong quá trình tiến hành chiến dịch, chưa từng có ở đâu trước đây, ở Syria, Nga đã hiểu được tầm quan trọng thực tiễn của đối kháng thông tin. Các tài nguyên thông tin thực chất đã trở thành một trong những loại vũ khí hiệu quả nhất. Việc sử dụng rộng rãi các tài nguyên này cho phép trong vài ngày làm chao đảo tình hình từ bên trong. Ví dụ, trong chiến dịch giải phóng Aleppo, công tác thông tin tuyên truyền với dân chúng sở tại đã giúp giải phóng các khu phố trọn vẹn mà không phải giao chiến, đưa ra được hơn 130.000 thường dân.

Hiệu ứng của loại tác động như thế có thể sánh với kết quả của một chiến dịch quy mô lớn có sử dụng các lực lượng quân sự. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, chiến tranh thông tin đã diễn ra từ cả hai phía. Các kết quả của nó đã phản ánh trực tiếp trong dư luận thế giới. Có thể khẳng định, nếu không tiến hành các chiến dịch thông tin, Nga đã không giành được thắng lợi ở Aleppo, Deir ez-Zor và Ghouta.

Như vậy, khoa học quân sự hiện đại cho thấy sự mềm dẻo, khả năng thích ứng với tình thế nhất định và khả năng đạt được những mục tiêu địa-chính trị, chiến lược mà không cần sử dụng rộng rãi sức mạnh quân sự mà bằng các biện pháp có tính phi quân sự, bằng sử dụng các cụm lực lượng hỗn hợp.

Các đặc điểm của công tác chỉ huy

Một vấn đề khác là tổ chức chỉ huy các cụm lực lượng hỗn hợp ở Syria.

Kể từ khi phát động chiến dịch đặc biệt, công tác lập kế hoạch sử dụng lực lượng chung do Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga phụ trách, còn lập kế hoạch cụ thể do Tư lệnh Lực lượng Nga ở Syria thực hiện. Việc chỉ huy chung các hành động của các lực lượng được giao cho Tư lệnh Lực lượng trực tiếp thông qua Bộ Tổng tham mưu quan đội Syria.

“Cách tiếp cận mới trong chiến thuật tiến công là lập cái gọi là chiến lũy Syria để giảm tổn thất sinh lực và binh khí kỹ thuật”

Cùng với việc phát động các chiến dịch đầu tiên nhằm ổn định tình hình, việc tổ chức chỉ huy đã đòi hỏi có sự điều chỉnh lớn. Do hoạt động kém hiệu quả của Bộ Tổng tham mưu quân đội Syria, toàn bộ công tác chuẩn bị các chiến dịch đều do các sĩ quan Nga gánh vác. Để chỉ huy trực tiếp các cụm lực lượng, tại Sở chỉ huy ở Hmeimim đã tổ chức các nhóm tác chiến từ tất cả các đơn vị, cũng như từ Cơ quan tình báo quân sự Syria, các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Hezbollah và al-Quds, lực lượng dân phòng...

Nhằm tối hưu hóa hơn nữa, Nga đã quyết định điều động các nhóm tác chiến quân đội Nga đến các hướng chiến thuật theo sự phân chia lãnh thổ Syria thành các khu vực trách nhiệm. Ở giai đoạn đầu, các cụm này có quân số ít và bao gồm đến 5 sĩ quan, nhưng các nhóm này đã bảo đảm được công tác chỉ huy hiệu quả. Tiếp đó, các nhóm này được bổ sung các sĩ quan chỉ huy tham mưu, trinh sát/tình báo, pháo binh, công binh, thông tin và phiên dịch viên. Tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và ở những giai đoạn tích cực nhất của chiến dịch, số lượng sĩ quan của các nhóm tác chiến được tăng lên đến 15-20 người.

Tương ứng với tình hình thay đổi mạnh mẽ, Nga đã tối ưu hóa cả thành phần tác chiến của Sở chỉ huy tại Hmeimim. Trong thành phần ca trực tại Sở chỉ huy có đại diện của các bộ phận khác nhau như các nhóm chỉ huy hoạt động trinh sát-tiến công, Trung tâm phân tích thông tin, sở chỉ huy hỗn hợp phòng không và không quân tiêm kích, các nhóm lập kế hoạch tác chiến hỏa lực, Trung tâm Hòa giải các bên xung đột và nhóm đàm phán với các đại diện của liên minh phương Tây, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ..v.v.

Công việc được sắp xếp như vậy của sở chỉ huy liên quân của lực lượng Nga ở Syria đã cho phép bảo đảm tính liên tục trong chỉ huy, rút ngắn chu trình ra quyết định và nâng cao tính nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.

Thành phần của nhóm chỉ huy tác chiến tại Sở chỉ huy thay đổi tùy thuộc vào các nhiệm vụ phát sinh. Ví dụ, trước khi triển khai ở Địa Trung Hải cụm tàu sân bay để tổ chức sử dụng không quân hạm tấn công các mục tiêu mặt đất của các nhóm phiến quân, Nga đã lập nhóm tác chiến hải quân gồm 12 người lấy từ bộ tham mưu Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga.

Tháng 2/2016, theo quyết định của Bộ Quốc phòng Nga, đã thành lập một bộ phận hoàn toàn mới của hệ thống chỉ huy là Trung tâm Hòa giải các bên xung đột để kiểm soát việc tuân thủ chế độ ngừng bắn.

Tổ hợp các biện pháp này đã cho phép không chỉ bảo đảm sự vững chắc, liên tục và nhanh chóng kịp thời của công tác chỉ huy mà còn kết nối tất cả các bộ phận vào một trường thông tin trinh sát-tiến công thống nhất. Ở tất cả các nhóm tác chiến đều thiết lập liên lạc video-conference với Sở chỉ huy Lực lượng Nga ở Syria.

Một trong những cải tiến cơ bản là các biện pháp đối phó với máy bay không người lái (UAV) tiến công của đối phương. Một nhóm tác chiến chống UAV do trưởng ca trực chỉ huy đã được bổ sung vào thành phần Trung tâm An ninh tổng hợp của Sở chỉ huy. Nhiệm vụ chính của nhóm là tổ chức phối hợp các lực lượng và phương tiện tác chiến điện tử, không quân, UAV, phương tiện hỏa lực và thông tin (việc này rất quan trọng khi tiến hành công tác chuẩn bị tác chiến và huấn luyện chiến đấu trong hoạt động hàng ngày của bộ đội).

Hệ thống được thiết lập đã bảo đảm công tác chỉ huy các cụm lực lượng trên các hướng chiến thuật-chiến dịch. Cũng như việc lên kế hoạch các hành động chiến đấu trong tương lai và mỗi ngày đêm (các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao, tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu và kinh tế quan trọng), điều đó đã cho phép ở mức thời gian thực đánh giá tình hình, lên kế hoạch sát thương bằng hỏa lực, điều chỉnh kết quả tiến hành các cuộc tấn công đồng thời trên tất cả các hướng.

Nghệ thuật quân sự hiện đại và kinh nghiệm tiến hành tác chiến trong các cuộc xung đột cục bộ trong 1/4 thế kỷ qua cho thấy rằng, việc thành lập và sử dụng các cụm lực lượng hỗn hợp trong các cuộc chiến tranh kiểu mới đang trở nên ngày càng bức thiết. Còn vấn đề triển khai và chỉ huy các cụm lực lượng này bao gồm các khía cạnh đòi hỏi sự nghiên cứu chu đáo, cặn kẽ. Cần xây dựng được nhận thức thống nhất về lý luận sử dụng các cụm lực lượng đó trong thực tế chiến đấu của quân đội Nga.

Theo VND