Bán cho Trung Quốc các hệ thống chống tên lửa S-400, Nga sẽ tạo ra đối thủ đáng gờm trên thị trường vũ khí. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể giúp Trung Quốc nâng cấp các sản phẩm tương lai của họ lên trình độ các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ. Luận thuyết này đang được bàn tán ồn ào trên các blog Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf. Trong khi vào tháng 11/2014, các quan chức Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga còn bác bỏ tin tức về việc ký hợp đồng bán 4 tiểu đoàn S-400 cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, có những yếu tố kiềm chế sự lạc quan quá mức từ thông tin này. Một mặt, việc bán các hệ thống tên lửa phòng không tối tân cho Trung Quốc là một cơ hội tuyệt vời để củng cố tính chất chiến lược trong quan hệ Nga-Trung. Điều đặc biệt bức thiết từ góc độ đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Nga và chính sách “chuyển hướng sang phía Đông” của nước này tại thời điểm đối đầu gia tăng với phương Tây.
Mặt khác, 2 tỷ USD thu thập từ thương vụ rất có ý nghĩa đối với ngân sách đang khó khăn của Nga. Nhưng điều ai cũng biết là công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong những thập niên gần đây đã chứng tỏ tài nghệ sao chép bậc thầy trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.
Sputnik International News đã nêu ý kiến của các nhà bình luận khẳng định: sắp tới các hệ thống S-400 mua của Nga sẽ bị sao chép hàng loạt giả dạng sản phẩm nội địa của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Các công nghệ sử dụng trong hệ thống S-400 Triumf sẽ được nghiên cứu cặn kẽ để áp dụng cho 3 hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa tương lai của Trung Quốc. Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc nghiên cứu chế tạo các phương tiện phòng không/phòng thủ tên lửa như HQ-29, HQ-26 và НQ-19.
HQ-29 sao chép các công nghệ của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung của Mỹ là MIM-104F Patriot РАС-3 với các tên lửa chống tên lửa tương tự như MIM-104F. HQ-26 được trang bị loại tên lửa do các kỹ sư Trung Quốc “cách tân” tương tự tên lửa phòng không có điều khiển SM-3 của Mỹ có khả năng phóng từ bệ phóng thẳng đứng. Có tin sắp tới các tên lửa này sẽ được đưa vào trang bị cho các tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Còn HQ-19 tương tự như hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động THAAD của Mỹ.
Không loại trừ, các hệ thống S-400 sẽ đóng góp không ít công nghệ vào quá trình hiện đại hóa và hoàn thiện các hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên của Trung Quốc. Như vậy, nước Nga đang mạo hiểu tạo ra một đối thủ đáng gờm trên thị trường vũ khí. Lúc đó thì khoản tiền 2 tỷ USD kiếm được sẽ chỉ là những đồng xu lẻ so với lợi nhuận kếch xù đánh mất đi.
Người Trung Quốc có thể sao chép tất cả những gì lọt vào tay họ, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) Aleksandr Khramchkhin vạch rõ.
- Đấy là chuyện hiển nhiên. Nhưng khó nói là các hệ thống tương tự làm ra sẽ hoàn thiện về kỹ thuật đến đâu bởi vì đó là thông tin được giấu kín nên không thể kiểm tra các thông tin này.
Svobodnaya Pressa (SP): Báo chí Trung Quốc đưa tin rằng, việc thử nghiệm bay tên lửa tầm xa cho hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới HQ-29 đã được tiến hành, còn việc triển khai các tiểu đoàn để phòng không mục tiêu được ấn định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12. HQ-29 dường như có một tên lửa giống như MIM-104F của hệ thống Patriot РАС-3 của Mỹ, trong phần đầu tên lửa có lắp hơn 100 động cơ mini để hiệu chỉnh đường bay…
- Thông tin này khó xác nhận, cũng như khó bác bỏ. Tôi nhắc lại là nó gần với loại tương tự như thế nào, đó là câu hỏi mà chỉ chính người Trung Quốc mới biết câu trả lời bởi vì, ngoài các chuyên gia quân sự của họ ra, bất luận thế nào cũng chẳng có ai được quyền tiếp cận các cuộc thử nghiệm các hệ thống đó.
SP: Nếu phỏng đoán rằng, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có khả năng sao chép tên lửa phòng không có điều khiển SM-3 thì điều đó có nghĩa là họ có cái gì đó giống như hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu Aegis?
- Các tàu khu trục lớp 052C và 052D bị gọi là các hàng nhái của Trung Quốc sao chép tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ trang bị hệ thống Aegis bởi vì cũng có các hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu được phát triển dựa trên hệ thống TAVITA của Thomson-CSF, Pháp, cộng với bệ phóng tên lửa thẳng đứng. Còn việc radar và hệ thống chỉ huy chiến đấu của họ giống với của Mỹ đến mức nào thì lại là chuyện khác, nhưng đây lại là một câu hỏi thú vị nữa.
SP: Thế thì có đáng ký hợp đồng bán S-400 với Trung Quốc không? Có lẽ tốt nhất cung cấp chúng cho đồng minh gần gũi nhất và đối tác chiến lược của chúng ta (kể cả trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa) Belarus? Hơn nữa, Tổng thống Belarus Lukashenko cũng đã nhiều lần xin Nga về việc này…
- Vấn đề không phải ở chỗ Belarus mà ở chỗ không nên bán chúng cho Trung Quốc. Còn ai cần việc đó thì lại là một câu hỏi riêng và rất không đơn giản, còn ai không cần thì câu trả lời đã rõ. Trong danh sách đen, đứng đầu là Trung Quốc. Còn Nga thì quyết định làm tất cả ngược lại.
SP: Chẳng cần thế thì Trung Quốc cũng đang trở thành đối thủ lớn của Nga trên thị trường hệ thống phòng thủ tên lửa. Ví dụ, Bắc Kinh đã thắng thầu cung cấp hệ thống HQ-9 cho Thổ Nhì Kỹ, trong khi Nga chào hàng S-300 đã được kiểm nghiệm.
- Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ thì đây là câu chuyện rắc rối. Cũng giống như chính thị trường hệ thống phòng thủ tên lửa. Tôi muốn nói là thị trường đó gần như không có bởi vì các hệ thống phòng thủ tên lửa là loại hàng hóa đơn lẻ. Mà nói chung không nên bán cho Trung Quốc vũ khí nào cả. Đó không chỉ là vì đó là một địch thủ trên thị trường mà là vì đây là kẻ thù tiềm tàng chủ yếu của Nga vốn đang củng cố quân đội của mình một cách có kế hoạch và nhất quán.
Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ chọn HQ-9, điều đó vẫn chưa có nghĩa là hệ thống này vượt trội S-300 về chỉ số giá cả/chất lượng. Còn có một tiêu chí nữa là giá cả/tiền hoa hồng. Tôi không biết cuộc đấu thầu này đã diễn ra thế nào. Phương Đông nhìn chung đó là “việc tế nhị”.
Thành viên Hội đồng chuyên gia của Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quốc phòng trực thuộc chính phủ Nga, Đại tá dự bị Viktor Murakhovsky nói rằng, trên thực tế, sự so sánh tương đương là rất ước lệ vì đây là những hệ thống rất khác nhau.
- Sự khác biệt nằm ở lĩnh vực ứng dụng và các khả năng, cũng như chức năng mục tiêu. Nếu nói về tên lửa SM-3 thì nó nằm trong thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa trên hạm, dùng để tác chiến ở độ cao lớn (tới tận vũ trụ gần). HQ-26 không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đó. Đây chắc chắn là thứ gì đó nằm giữa hệ thống tên lửa phòng không Patriot РАС-3 và hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường THAAD.
SP: Nếu như người Trung Quốc đã có HQ-26, vậy thì HQ-19 giống với THAAD còn có ý nghĩa gì nữa?
- Ở các tên lửa của các hệ thống THAAD và Patriot sử dụng các phần chiến đấu kiểu nổ, chứa các phần tử sát thương. Trung Quốc hình như muốn làm cho HQ-26 có tên lửa tương tự SM-3 mang phần tử sát thương động năng. Một lần nữa, đây chỉ là những suy đoán và tưởng tượng của các chuyên gia, chứ Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nói về các tính năng đó. So với công nghiệp quốc phòng Nga, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là lĩnh vực rất đóng kín.
SP: Điều đó có lẽ logic vì Nga và Mỹ bán ra thị trường vũ khí thế giới nhiều vũ khí hơn, vì thế ở ý nghĩa nào đó, họ cần phải tiết lộ các thông số kỹ-chiến thuật của hàng hóa của mình.
- Có lẽ đúng. Mặc dù Trung Quốc hiện nay đã leo lên vị trí thứ ba về bán vũ khí. Mặt khác, trong trường hợp cuộc đấu thầu mua hệ thống phòng thủ tên lửa, Bắc Kinh thực chất đã cho đấu thầu hệ thống (HQ-19) sao chép các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1 và S-300PMU-2. Họ đã thắng thầu rõ ràng là do phá giá.
Chúng ta thấy rằng, xét về hàng loạt thông số, HQ-9 thua kém S-300PMU-2 và S-400 thì càng không phải nói. Đơn giản là Mátxcơva không sẵn sàng làm việc với Ankara theo những điều kiện như Trung Quốc, quốc gia chỉ vì ra được thị trường là sẵn sàng phá giá, ký kết các hợp đồng đền bù. Dự đoán, hệ thống tên lửa phòng không này có thể sẽ sử dụng khung gầm do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ngoài ra, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia sản xuất hệ thống này trong tương lai.
SP: Tóm lại, Mátxcơva không nên cấp “doping” chống tên lửa cho Bắc Kinh phải không?
- Để khôi phục khối lượng hợp tác kỹ thuật quân sự bình thường với Trung Quốc, có thể bán cho họ các hệ thống S-400. Cần phải hiểu rằng, sau năm 2017, hệ thống thế hệ mới S-500 sẽ được đưa vào trang bị của chúng ta.
Ví dụ, nếu như ở S-400 vẫn đang sử dụng các tên lửa như các hệ thống trước đó thì tên lửa “tầm xa” 400 km bây giờ mới xuất hiện. Có nghĩa là S-500 sẽ có trang bị tên lửa hoàn toàn mới, cũng như các phương tiện trinh sát và chỉ thị mục tiêu mới.
SP: Theo báo chí, Trung Quốc đã sao chép được tên lửa SM-3. Liệu điều đó có nghĩa là họ cũng đã có hệ thống thông tin chỉ huy chiến đấu tương tự Aegis?
- Tôi không nghĩ thế. Rõ ràng là cái này không thể tồn tại thiếu cái kia. Ngoài ra, chúng ta lại nói đến những tuyên bố nào đó mà không chỉ ra những thông số kỹ thuật cụ thể. Cá nhân tôi không tin rằng, Trung Quốc có thể sao chép Aegis và SM-3.
SP: Ông đánh giá thế nào về trình độ và định hướng của hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc?
- Khá cao. Nhưng với Mỹ và Nga thì Trung Quốc khó mà so được. Chắc chắn đây là một đối thủ trên thị trường vũ khí. Nhưng tôi cương quyết không tán thành nói Bắc Kinh là địch thủ của chúng ta. Chỉ cần nhìn vào các định hướng xây dựng quân đội Trung Quốc với trọng tâm chú ý là phát triển hải quân, không quân, và nhìn chung là hướng vào vùng biển ven bờ và vùng biển xa về hướng Đông Nam khu vực Thái Bình Dương.
Rõ ràng là Bắc Kinh đang chuẩn bị để bảo vệ các hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản, bảo đảm tự do hàng hải, cũng như các thị trường tiêu thụ dưới sự bảo vệ của các lực lượng hải quân mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương.
SP: Bắc Kinh cũng không quên phần lãnh thổ lục địa của mình. Theo các nhà bình luận, các hệ thống S-400 mua của Nga sẽ được triển khai xung quanh Bắc Kinh.
- Hoàn toàn đúng. Cần phải thấy rằng, Trung Quốc hiểu rõ khả năng của S-400. Ở mặt này, chúng vượt xa tất cả những gì Trung Quốc đã có cho đến nay.
SP: Hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc được tổ chức theo nguyên tắc nào?
- Họ không có một hệ thống chỉnh thể. Theo như tôi hiểu thì họ có các mẫu thử nghiệm, trên cơ sở đó mà nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại các khu vực trận địa tên lửa đường đạn xuyên lục địa để bảo toàn tiềm năng đánh trả.
SP: Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc có thường hay ba hoa khi nói đến trình độ bảo đảm an ninh quốc gia?
- Khá thường xuyên. Có thể nhìn vào kết quả thi đấu của người Trung Quốc tại cuộc thi xe tăng năm 2015 ở Nga trên xe tăng Type 96 của họ. Theo những thông số được công bố và phản ánh trên báo chí quân sự Trung Quốc thì đây phải là một siêu tăng, có thể dễ dàng làm thịt xe tăng cổ lỗ Т-72B như “bò đấu với cừu” theo cách nói của họ. Nhưng kết quả nhận được thì hoàn toàn ngược lại.
Kết quả các giai đoạn đầu, người Trung Quốc thậm chí còn không đi qua được phần cuối. Họ cứu vãn được phần nào thể diện là nhờ trong cuộc thi còn kiểm tra cả công tác rèn luyện thể lực của lính tăng. Tại phần thi này, họ đứng thứ nhất, nhờ đó mà lọt vào vòng chung kết.
SP: Trong văn hóa Trung Quốc, hình ảnh con hổ chiếm vị trí đặc biệt. Vậy thì trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đây vẫn là “con hổ con đang lớn”.
- Đúng, họ chịu hiệu ứng nền tảng công nghệ thấp khi họ “nhảy lên” được. Nhưng rõ ràng là hiện thời thì tham vọng chưa tương xứng với khả năng. Thậm chí khi bạn đầu tư vào các dự án nghiên cứu hàng trăm triệu, nhưng vẫn không thể giải quyết vấn đề cán bộ và xây dựng quân đội trong 4-5 năm. Kinh nghiệm này phải được tích lũy trong nhiều thập kỷ. Nó được kiểm nghiệm khốc liệt trong các cuộc xung đột quân sự. Chúng ta đã biết nước Nga đã đi qua con đường như thế nào và với bao nhiêu xương máu. Kinh nghiệm này Trung Quốc mới chỉ đang tích lũy mà thôi.
Theo VND