Nga trở thành nhà cung ứng dầu thô lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nga đã vượt qua Arab Saudi để trở thành nhà cung ứng dầu thô lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2023.

Dữ liệu cho thấy Nga giữ vị trí nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2023 (Ảnh: CNBC)
Dữ liệu cho thấy Nga giữ vị trí nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2023 (Ảnh: CNBC)

Theo dữ liệu mới nhất được công bố cuối tuần trước, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, Trung Quốc vẫn mua được lượng lớn dầu thô giá rẻ của nước này để làm nguyên liệu cho các cơ sở lọc dầu của họ.

Nga đã vận chuyển khối lượng kỷ lục 107,02 tấn dầu thô sang Trung Quốc trong năm 2023, tương đương 2,14 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, vượt xa tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới – bao gồm cả Arab Saudi và Iraq.

Lượng dầu nhập khẩu từ Arab Saudi – trước đây là bên cung ứng lớn nhất của Trung Quốc – đã giảm 1,8% xuống còn 85,96 triệu tấn, trong bối cảnh thị phần của quốc gia Trung Đông bị thất thế trước dầu thô giá rẻ của Nga.

Bị nhiều bên mua quốc tế từ bỏ sau khi phương Tây áp lệnh cấm vận kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, dầu thô của Nga đã được giao dịch với giá rẻ hơn so với tiêu chuẩn quốc tế trong phần lớn năm 2023.

Nhu cầu dầu thô tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ đã đẩy giá dầu thô ESPO của Nga lên cao trong suốt năm 2023, vượt qua mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm G7 áp dụng kể từ tháng 12/2022.

Theo các nguồn tin giao dịch, các lô hàng dầu thô ESPO giao tháng 12 được định giá thấp hơn khoảng 50 đến 20 cent/thùng so với giá dầu Brent được xem là tiêu chuẩn trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE).

Đồng thời, Arab Saudi đã tăng giá cho loại dầu Arab Light đặc trưng của mình từ tháng 7, thúc đẩy một số nhà máy lọc dầu tìm kiếm hàng hóa rẻ hơn.

Để trợ giá, Arab Saudi và Nga, 2 trong số 3 nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, đã tuyên bố giảm sản lượng và xuất khẩu trong năm ngoái. Arab Saudi sẽ cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong quý này, trong khi Nga tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm lượng dầu thô xuất khẩu trong năm nay, từ 300.000 thùng lên 500.000 thùng/ngày.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc thường đóng vai trò là các bên trung gian để xử lý việc vận chuyển và bảo hiểm dầu thô của Nga để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các bên mua cũng sử dụng các vùng biển của Malaysia để làm điểm trung chuyển khi nhập hàng hóa bị trừng phạt đến từ Iran và Venezuela. Lượng hàng hóa nhập khẩu bắt nguồn từ Malaysia đã tăng 53,7% trong năm ngoái.

Trung Quốc không ghi nhận các lô hàng dầu thô chính thức nhập khẩu từ Venezuela trong tháng 12 năm ngoái, bất chấp Mỹ giảm bớt lệnh trừng phạt với Caracas trong tháng 10 sau một thỏa thuận giữa chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập.

Lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ trong năm ngoái đã tăng 81,1%, bất chấp căng thẳng địa chính trị giữa hai nước, chủ yếu do Mỹ tăng cường sản xuất dầu thô.

Tổng lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục 563,99 triệu tấn, tương đương 11,28 triệu thùng/ngày.

Theo CNBC