Nga "trình làng" 20 loại vũ khí đình đám mới

Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga sẽ “trình làng” khoảng 20 mẫu vũ khí mới trong đó có xe tăng T-90S và trực thăng tấn công Mi-28NE tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế IDEF-2015 tại Thổ Nhĩ Kỳ.  
Nga "trình làng" 20 loại vũ khí đình đám mới

Thông tin trên vừa được người đứng đầu đoàn đại biểu tham dự triển lãm của Rosoboronexport – ông Anatoly Aksyonov đưa ra trong một buổi trả lời phỏng vấn với hãng tin Itar-Tass hôm 5/5.

“Khu vực Trung Đông và Bắc Phi là thị trường tiềm năng nhập khẩu vũ khí mà tập đoàn Rosoboronexport nhắm tới trong đợt triển lãm này. Theo đó, trong quá trình chuẩn bị cho triển lãm quốc phòng quốc tế IDEF-2015, chúng tôi đã nỗ lực phân tích nhu cầu của các nhà tiêu thụ vũ khí và thiết bị quân sự trong khu vực, trong đó cũng xem xét đến các cuộc xung đột gần đây trong khu vực”, ông Aksyonov nói.
 
Theo ông, khoảng 20 mẫu vũ khí của Nga sẽ được lựa chọn để giới thiệu đến các đối tác quan tâm tại triển lãm.
 
Theo đó, tập đoàn Rosoboronexport đã lên danh sách các mẫu máy bay nổi bật của mình như máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-130, chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKI, máy bay Beriyev Be-200, trực thăng đa dụng hạng nhẹ Kamov Ka-226, trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26, trực thăng tấn công Mi-28NE, trực thăng vận tải quân sự Mi-171SH và trực thăng do thám tấn công Ka-52.
 
Còn các loại vũ khí bộ binh sẽ góp mặt trong cuộc triển lãm lần này sẽ bao gồm xe tăng cải tiến T-90S, xe bọc thép chở quân BTR-80A, xe chiến đấu bộ binh BMP-3F.
 
Về vũ khí hải quân, tập đoàn Rosoboronexport sẽ đưa tới triển lãm tàu ngầm điện diesel Amur-1650 thuộc Đề án 677E, tàu khu trực Gepard-3.9, tàu tuần tra Mirazh thuộc Đề án 14310, cũng như tàu tuần tra cao tốc Mangust thuộc Đề án 12150.
 
Được biết, trong số 20 mẫu vũ khí đưa đến triển lãm lần này, thì tập đoàn Rosoboronexport đặt kỳ vọng nhiều nhất vào chiến đấu cơ Su-30MKI và xe tăng cải tiến T-90S.
 
Su-30MKI là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4,5 hạng nặng, tầm xa và có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết.
 
Su-30MKI là máy bay chiến đấu 2 phi công, tải trọng tối đa lên đến 38,8 tấn, trọng lượng không tải là 18,4 tấn, tốc độ tối đa là Mach 1,9 tương đương 2120km/h. Chiến đấu cơ này có cao độ 17.300 mét và có tầm hoạt động vào khoảng 3.000km khi ở độ cao tối đa, tầm hoạt động trung bình là 5000 km.
 
Su-30MKI được trang bị các loại vũ khí như đại bác 30mm với tốc độ 150 viên/phút. Bên cạnh đó là 12 điểm gắn vũ khí (một số chiếc có thể cải tiến lên 14) với khả năng mang được 8 tấn vũ khí bên ngoài bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất và nhiều loại bom khác nhau.
 
Hệ thống điện tử hàng không, đặc tính khí động học và các thành phần cấu tạo đều tương tự như Su-35, do vậySu-30MKI cũng thường được coi là một biến thể của Sukhoi Su-35 được đặt làm theo yêu cầu của Ấn Độ. Thay đổi lớn nhất của Su-30MKI so với các phiên bản trước là động cơ đẩy vecto và các cánh phụ phía mũi giúp di chuyển linh hoạt hơn. Ước tính mỗi chiếc Su-30MKI có trị giá lên tới 35,9 triệu USD.
 
Từ năm 2004 đến nay, Su-30 MKI đã tham gia nhiều cuộc diễn tập quốc tế giành quyền kiểm soát không phận. Và trong quá trình diễn tập, Su-30 MKI nhiều lần thể hiện ưu thế vượt trội so với các máy bay hiện đại khác của Mỹ và NATO như: máy bay chiến đấu hạng nặng F-15C và máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16C-D của Mỹ; máy bay chiến đấu Mirage của Pháp.  Với những tính năng vượt trội của mình, Su-30 MKI được mệnh danh là "Vua của các loại chiến đấu cơ".
 
Trong khi đó, T-90S là loại xe tăng chiến đấu chủ lực cải tiển từ xe tăng “thương hiệu” của Nga – T-90. T-90S thường được gọi với cái tên xe tăng bay cho dù trọng lượng của nó lên tới 46,5 tấn, nhẹ hơn so với bất kỳ một loại xe tăng nào khác của nước ngoài.
 
Đây là loại xe tăng duy nhất phát huy hỏa lực tối đa và có khả năng tiêu diệt nhiều loại xe bọc thép khác trong phạm vi 5 km.
 
Xe tăng T-90S được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động có khả năng phát hiện mục tiêu thậm chí vào ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống quan trắc của T-90S được trang bị loại camera cảm nhiệt có thể nhìn được vào ban đêm.
 
Ngoài ra loại xe tăng này còn được trang bị hệ thống cảnh báo sớm giúp cho tổ lái phát hiện được các cuộc tấn công từ xa. Dựa vào đó, tổ lái có các biện pháp đối phó như phun khói. Được trang bị hệ thống tia hồng ngoại Shtora ATGM, T-90S có thể làm vô hiệu hóa các loại tên lửa điều khiển bằng vệ tinh của đối phương. Do vậy, đây cũng có thể được coi là loại xe tăng tàng hình đối với các loại vũ khí của đối phương.
 
Nhờ trang bị động cơ 1.000 mã lực, xe tăng T-90S có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 60 km/giờ trên địa hình bằng phẳng và 45 km/giờ trên địa hình đồi núi. Ngoài ra, xe tăng này có thể tự điều chỉnh nhiệt độ bên trong khi tác chiến tại các sa mạc của Ấn Độ hay các khu rừng rậm nhiệt đới.
 
Xe tăng T-90S rất được các đối tác nước ngoài ưa sử dụng bởi khả năng chiến đấu siêu hạng và những đặc tính vượt trội so với các dòng sản phẩm cùng loại của các nước khác. Hiện tại, T-90S được quân đội các nước như Ấn Độ, Algeria và Ả-rập Xê-út sử dụng.

Theo: VnMedia