|
Huawei chỉ là một trong số các nhà cung cấp thiết bị mạng 5G tại Nga (Ảnh: Getty) |
Giới phân tích cho rằng động thái mà Moscow đưa ra nhằm thể hiện sự đoàn kết với chính quyền Bắc Kinh chống lại Mỹ, đồng thời cũng tạo cơ hội mang Internet tốc độ cao đến với người sử dụng Nga.
Trong tháng này, Huawei đã chính thức mở một khu vực thử nghiệm mạng 5G đầu tiên tại thủ đô Moscow, liên kết với một đối tác là nhà mạng MTS của Nga và đưa ra mục tiêu phủ sóng 5G toàn bộ phần còn lại của thành phố thủ đô trong tương lai. Chính quyền Moscow cho hay mạng không dây thế hệ mới nhất này sẽ sớm trở thành một phần trong cơ sở hạ tầng thông thường của thành phố chỉ trong vòng vài năm tới.
Vốn là một nước đi tiên phong trong công nghệ mạng viễn thông nếu so với nhiều quốc gia phương Tây, Nga hiện lên kế hoạch phủ sóng mạng 5G trên toàn bộ các thành phố chính của họ vào năm 2024. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm Nga hồi tháng 6 năm nay – trong lúc căng thẳng giữa Washington và Huawei lên mức đỉnh điểm – nhà mạng MTS của Nga đã ký kết một hợp đồng làm ăn với Tập đoàn Huawei.
“Chúng tôi sống tốt ở Nga”
Trong lễ công bố mở vùng phủ sóng 5G đầu tiên tại Moscow, Giám đốc Huawei chi nhánh tại Nga, ông Zhao Lei, đã hoan nghênh hoạt động của công ty tại đất nước này. “Chúng ta đã hoạt động ở Nga suốt 22 năm qua. Nhờ vào các đối tác của mình, chúng ta vẫn sống tốt tại đây” – ông Zhao nói.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp thêm rằng Huawei, được xem là công ty đi đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ 5G, còn có kế hoạch “tiên phong trong công nghệ 6G” trong tương lai. Huawei hiện cũng là hãng sản xuất smartphone đứng thứ hai thế giới.
Hãng tin CNA dẫn một nguồn tin công nghệ ở Nga cho hay, Huawei hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực phát triển công nghệ di động ở Nga và đang sở hữu “phòng thí nghiệm lớn nhất trong tất cả các nhà mạng” ở Moscow.
Theo nhật báo kinh doanh Vedomosti, Huawei hiện sở hữu đội ngũ 400 nhân viên ở Moscow và 150 nhân viên ở Saint Petersburg chuyên về nghiên cứu và phát triển di động. Công ty này đặt mục tiêu thuê thêm 500 nhân viên vào cuối năm nay và thêm 1.000 nhân viên trong vòng 5 năm tới.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng, việc Nga mời chào Huawei không có nghĩa rằng tập đoàn này là không chịu sự cạnh tranh trong cuộc đua phát triển mạng 5G ở Nga.
“Các nhà mạng của Nga cũng đang tăng cường hợp tác với nhiều bên cung ứng trang thiết bị 5G, Huawei chỉ là một trong số đó. Chúng tôi hiện chưa thấy được rõ ràng công ty nào đang dẫn đầu trong việc phát triển mạng 5G ở Nga” – Michela Landori, chuyên gia phân tích thuộc hãng Fitch Solutions, cho hay.
Bà Landori nói rằng, các nhà mạng ở Nga lựa chọn hướng tiếp cận này nhằm “tránh phải dựa dẫn quá nhiều vào một nhà cung cấp thiết bị duy nhất” và để bảo vệ chính họ khỏi các mối đe dọa từ không gian mạng.
Được biết, nhà mạng Tele2 là bên đầu tiên phủ sóng mạng 5G ở Nga, khi hợp tác với hãng Ericsson của Thụy Điển vận hành thử nghiệm mạng không dây thế hệ thứ 5 ở khu Tverskaya, thủ đô Moscow trong tháng 8 vừa qua.
Mặt trận kinh tế chống Mỹ
Trong bối cảnh thương chiến kéo dài và bị đẩy vào thế đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ đã đe đọa sẽ chặn đứng quyền tiếp cận của Huawei với trang thiết bị và dịch vụ của Mỹ - như hệ điều hành Android mà Huawei cài đặt cho các mẫu smartphone của họ. Tuy nhiên, Nga lập tức nhập cuộc khi đề xuất với Huawei chuyển sang sử dụng hệ điều hành Aurora.
Theo bà Landoni, dù cho Android vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của Huawei, Aurora có thể là giải pháp tạm thời đối với công ty này. Theo nhà phân tích, Aurora có thể trở thành “một cột mốc” trong quá trình phát triển hệ điều hành mới của Huawei.
Theo ông Sylvain Chevallier – một đối tác tại công ty tư vấn công nghê BearingPoint – mục tiêu của Nga và Trung Quốc trong quan hệ hợp tác này là “tạo nên một mặt trận kinh tế chống lại Mỹ”. Ông nói rằng, Nga và Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ thế độc quyền của Mỹ đối với các hệ điều hành smartphone.
Còn đối với những rủi ro về an ninh hay do thám mà Washington từng cảnh báo là tiềm ẩn trong các thiết bị của Huawei, Nga chẳng mấy lo lắng.
"Dù cho việc sử dụng các trang thiết bị di động nhập từ nước ngoài luôn tiềm ẩn rủi ro cho chính phủ các nước, nhưng đối với Nga thì dù có chọn Huawei hay Ericsson hay bất kỳ công ty nào khác cũng không khác nhau là mấy", Evgeny Khorov, Giám đốc Phòng thí nghiệm Mạng không dây thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, nói.
“Rất nhiều người sử dụng smarphone có hệ điều hành Android, vốn được thiết kế bởi Google. Vậy thì có phải Google có quyền truy cập vào đủ loại dữ liệu không? Đương nhiên là có rồi” – ông Khorov nói – “Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa Huawei và Google trong trường hợp này?”.
Theo CNA