Nga tác chiến điện tử với trí tuệ nhân tạo, Mỹ coi chừng

VietTimes -- Năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiếp nhận hệ thống điều khiển tự động (ACS) trí tuệ nhân tạo cho các lữ đoàn tác chiến điện tử (EW). Quân đội Nga có thể chế áp được cả radar của siêu tiêm kích F-35 và máy bay trinh sát, cảnh báo sớm AWACS.
Các phương tiện tác chiến điện tử của quân đội Nga
Các phương tiện tác chiến điện tử của quân đội Nga

Hệ thống RB-109A "Bylina" là hệ thống điều khiển, điều hành tác chiến điện tử không có sự tham gia của các trắc thủ EW.

Hệ thống RB-109A "Bylina" là hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến điện tử của các bộ khí tài EW, hoạt động hoàn toàn không có sự tham gia của các trắc thủ trong thời gian thực, thực hiện nhiệm vụ phân tích tình hình trong vùng chiến sự, định vị và phân loại mục tiêu, lựa chọn giải pháp chế áp các trang thiết bị đối phương và ra mệnh lệnh tác chiến cho các trạm tác chiến điện tử EW.

Hệ thống "Bylina" cũng đảm bảo không cho các đài tác chiến điện từ làm “điếc, chế áp hoặc bóp méo” tín hiệu radio của các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu của quân ta. Theo các chuyên gia, hệ thống "Bylina" hoạt động hoàn toàn như một trí tuệ nhân tạo.

Theo tin đã đưa của Izvestia, dẫn nguồn từ Bộ tham mưu lục quân Nga, những hệ thống "Bylina" sẽ được đưa vào biên chế trong quân đội vào khoảng năm 2018, theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ biên chế cho tất cả các lữ đoàn tác chiến điện tử quân đội Nga.

РБ-109А "Bylina" là một tổ hợp khí tài chiến đấu hoàn toàn được tự động hóa. Trong biên chế của hệ thông có 5 xe vận tải địa hình. Khi hệ thống được triển khai, "Bylina" sẽ tự động kết nối với các sở chỉ huy của trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội và cấp trên cùng với các đài tác chiến điện tử độc lập. Quá trình trao đổi thông tin, mệnh lệnh chỉ huy, điều hành tác chiến được tiến hành trong thời gian thực. Sĩ quan chỉ huy và các trắc thủ có nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát các hoạt động của hệ thống dựa trên những thông tin, xuất hiện trên màn hình điều khiển của ACS.

Hệ thống РБ-109А "Bylina" trong thời gian được tính bằng giây tự động phát hiện và xác định các mục tiêu phát xung điện từ (trạm thông tin liên lạc, hệ thống thông tin, đài radar, máy bay AWACS, vệ tinh) sau đó sẽ xử lý cơ sở dữ liệu và ra quyết định sử dụng giải pháp nào để chế áp điện tử hiệu quả nhất các mục tiêu phát hiện.

Sau đó, hệ thống sẽ ra mệnh lệnh triển khai các hoạt động chế áp điện tử và kiểm soát các đài tác chiến điện tử. Ngoài ra, ACS còn xác định các phương tiện thu phát điện tử phía quân ta và thực hiện các giải pháp bảo vệ, không gây trở ngại cho vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu của quân minh.

Chuyên gia quân sự, trưởng ban biên tập tạp chí "Tiềm lực Tổ quốc" Viktor Murakhovski trả lời phỏng vấn tạp chí "Izvestia" cho biết: tổ hợp "Bylina" sử dụng các thuật toán được viết cho trí tuệ nhân tạo, cho phép tự động hóa các quá trình phức tạp nhất của các bộ khí tài chiến tranh điện tử. Ông cho rằng: “"Bylina" có hai phương án khai thác sử dụng song song, đó là trinh sát điện tử và tác chiến điện tử, tấn công vào quá trình hoạt động của trang thiết bị đối phương theo những thuật toán phức tạp lựa chọn giải pháp tối ưu. Đồng thời tính toán đến khả năng tương thích điện tử đối với các trang thiết bị, phương tiện tác chiến của quân mình.

Trong cuộc chiến tranh hiện đại, tác chiến điện tử là một trong những nhiệm vụ then chốt giành chiến thắng. Các lực lượng vũ trang phải chống lại một khối lượng lớn các hệ thống vũ khí trang bị hiện đại như vũ khí có độ chính xác cao, các phương tiện trinh sát và tác chiến điện tử của đối phương. "Bylina"có thể nói, là trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chỉ huy các cấp ra quyết tâm chiến đấu trong tác chiến điện tử.

Trong giai đoạn hiện nay, mỗi quân khu có ít nhất một lữ đoàn tác chiến điện tử, không quân và hải quân có các trung tâm tác chiến điện tử. Cơ cấu biên chế tổ chức các đơn vị này thực sự phức tạp. Trong biên chế của mỗi lữ đoàn EW có 4 tiểu đoàn và 1 đại đội. Các phân đội có nhiệm vụ riêng biệt, chế áp các nhóm mục tiêu cụ thể như không quân, hệ thống thông tin liên lạc và điều hành tác chiến đối phương, các nhóm vệ tinh trinh sát, viễn thông của đối phương có tầm xa đến hàng trăm km.

Các đơn vị tác chiến điện tử cấp lữ đoàn có thể phát hiện, theo dõi và chế áp điện tử với độ chính xác cao các đài thu phát điện tử cá nhân có công suất yếu, do lực lượng biệt kích sử dụng, có thể chế áp gây nhiễu và thu tín hiệu từ các mạng truyền thông di động, vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS.

Theo nhận xét của National Interest, quân đội Nga hiện đang sở hữu hệ thống tác chiến điện tử rất hiện đại, có khả năng chế áp các đài thông tin công suất thấp của mạng di động và phá hủy các loại vũ khí tự chế kích nổ bằng tín hiệu radio. Lực lượng tác chiến điện tử Nga có thể chế áp hầu hết các phương tiện khí tài điện tử của hầu hết các hệ thống vũ khí khí tài của kẻ thủ tiềm năng. Tác giả bài viết trên tạp chí này cho biết, quân đội Nga có thể chế áp được cả radar của siêu tiêm kích F-35 và máy bay trinh sát, cảnh báo sớm AWACS. 

TTB