Trang Army Recognition, dẫn các bản tin truyền thông Nga cho biết, loại bom lượn thông minh hiện đại nhất hiện nay được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện chiến đấu bọc thép, các trạm radar và trung tâm điều khiển các hệ thống tên lửa mặt đất. Bom được ứng dụng công nghệ tàng hình nhằm giảm khả năng phát hiện của radar đối phương.
Tên đầy đủ của bom, PBK 500U SPBE-K, cung cấp những tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí. PBK được hiểu là Bom Cassette, trang bị các bom thứ cấp nhỏ, “500” biểu thị đường kính và trọng lượng của bom là 540 kg, “U” được hiểu là sử dụng linh hoạt với các loại đầu đạn khác nhau, SPBE-K là chữ viết tắt của Phần tử chiến đấu tự xác định mục tiêu "Motiv-3M". Tên "Drel" do các nhà phát triển ban đầu tại Tổng công ty Nghiên cứu và Sản xuất vũ khí (NPO) Basalt chọn vì bom được thiết kế để tấn công tăng thiết giáp từ phía trên vào phần kém bảo vệ nhất của xe tăng chủ lực (MBT).
Tương tự như phiên bản cơ bản bom PBK-500U, Drel được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS), hỗ trợ hiệu chỉnh đường bay từ các thiết bị định vị vệ tinh GPS và GLONASS. Hệ thống dẫn đường thụ động loại bỏ nhu cầu ngắm phóng trực tiếp vào mục tiêu trước hoặc sau khi thả bom, tăng cường cấp độ an toàn cho máy bay tấn công. Bom hoạt động theo nguyên tắc “phóng và quên” với độ chính xác cao. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, bom có thể được trang bị các loại đầu đạn chùm thứ cấp hoặc đơn thuần là đầu đạn đơn.
RBC-500U SPBE-K mang các phần tử chiến đấu hiệu ứng nổ lõm tự tìm mục tiêu "Motiv-3M", có khả năng xuyên lớp giáp dày 70-110 mm bằng luồng xuyên nhiệt độ cao. Một quả bom chứa 15 Motiv-3M SPBE.
Phiên bản cơ bản của bom là chống các phương tiện cơ giới, PBK-500U SPBE-K Drel khi tiếp cận mục tiêu sẽ mở ra, giải phóng 15 quả đạn con rơi xuống bằng dù, đạn thứ cấp được thiết kế với hiệu ứng nổ lõm, cho phép chọc thủng giáp và hệ thống bảo vệ xe của đối phương. Bom được trang bị cảm biến nhiệt nhạy cảm, cho phép phát hiện cả các mục tiêu “lạnh” như xe tăng đã tắt động cơ chính và sử dụng máy phát điện phụ.
Các quả đạn thứ cấp được tích hợp hệ thống nhận dạng bạn – thù, phân biệt phương tiện chiến đấu của đối phương với các phương tiện đồng minh.
Các đầu đạn thứ cấp của bom Drel được trang bị cơ chế tự hủy tích hợp. Đạn thứ cấp được lập trình để trong trường hợp đi chệch mục tiêu dự kiến, đạn thứ cấp sẽ tự hủy để giảm thiểu thương vong dân thường và phá hủy các phương tiện, công trình dân sự. Bom có khả năng chống tác chiến điện tử (EW).
Bom chùm lượn, tương tự như PBK-500U SPBE-K là sự kết hợp các tính năng kỹ chiến thuật của đạn lượn thông minh và đạn chùm. Bom lượn được thiết kế để máy bay chiến đấu phóng từ ngoài vùng phòng không hiệu quả của đối phương từ xa và lướt về phía mục tiêu trên khoảng cách đến 50 km. Đồng thời đạn chùm bao trùm một khu vực rộng, tấn công vào hàng loạt mục tiêu khác nhau như xe bọc thép, vị trí tập trung binh lực, tổ hợp pháo binh hoặc trạm radar.
Bom lượn không yêu cầu máy bay đi vào phạm vi phòng không của đối phương nhờ các đầu đạn thứ cấp được trang bị yếu tố tự tìm mục tiêu SPBE-K, nên hầu hết các loại máy bay của Nga sẽ được trang PBK-500U SPBE-K, Su-24M, Su-25SM, Su-25SM3, Su-30, Su-30SM, Su-33, Su-34, Su-35, Su-57, Tu -22M3M, Tu-95MSM và Tu-160M2.
Một đặc điểm quan trọng của PBK-500U là sử dụng phần tử chiến đấu SPBE-K tự tìm mục tiêu và bộ điều phối mục tiêu kết hợp, sử dụng các kênh bức xạ nhiệt và radar dẫn đường. Theo các nguồn tin của Nga, một quả bom PBK-500U với các đạn thứ cấp tự hủy có thể vô hiệu hóa tới 6 phương tiện chiến đấu trên một khu vực rộng, có hiệu quả trong các cuộc không kích vào đội hình chiến đấu của đối phương.
Bom lượn Drel hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết môi trường, cho phép các phương tiện mang có thể không kích trong điều kiện phức tạp, thời tiết xấu hoặc tấn công ban đêm, gây yếu tố bất ngờ cho đối phương.
Các chuyên gia Nga ước tính bom có giá cạnh tranh so với các loại vũ khí tương tự như bom chùm JSOW do Mỹ phát triển, có thể thấp hơn 50.000 USD. Giá sản xuất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất quy mô lớn, trở thành giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí cho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Lực lượng Vũ trang Nga, với ưu thế khả năng phá hủy lớn và tấn công nhiều mục tiêu chỉ trong một lần ném bom.
Bom lượn thông minh Drel có khối lượng 540 kg, dài 3.100 mm, có cùng đường kính với PBK-500U tiền nhiệm là 450 mm. Bom được thả trên độ cao từ 100 mét đến 14 km cho khoảng cách xa đến 50 km. Văn phòng truyền thông của Rostec xác nhận, lô bom lượn thông minh này sẽ được chuyển giao vào năm 2024.
Bom lượn Drel đã được phát triển trong vài năm, do các chuyên gia vũ khí từ Tổng công ty Nghiên cứu và Sản xuất vũ khí Nhà nước Basalt khởi xướng dự án vào giữa những năm 90 nhằm tăng cường năng lực tác chiến đường không của Không quân Nga. Những khó khăn kinh tế đã làm chậm tiến độ của dự án, nhưng vào đầu thập kỷ trước, dự án được phục hồi và hoàn thành. Các nguyên mẫu sẵn sàng vào năm 2016, được trưng bày tại diễn đàn Army-2016.
Ngay từ đầu, PBK-500U được coi là đối trọng của hệ thống vũ khí JSOW do Mỹ phát triển. Hiện nay bom PBK-500U là vũ khí mới nhất trong danh mục các loại vũ khí thông minh hiện có như các loại bom thông thường, bom chùm được trang bị hệ thống mô-đun lập kế hoạch và hiệu chỉnh đường bay UMPC của Basalt. PBK-500U Drel được thiết kế để hoạt động hiệu quả hơn bom lượn thông minh đầu đạn đơn, cho phép đạt được nhiều kết quả chỉ trong một lần không kích.
Theo Army Reconition