Tờ Nikkei Asian Review cho biết lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump không có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi.
Cụ thể, Tổng thống Mỹ gần đây đã đánh thuế 10% lên hàng hóa có giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc, và có thể tăng tới 25% trong năm tới. Ở chiều hướng ngược lại, Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng với việc áp thuế lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ, bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp từ quốc gia này.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khá căng thẳng, tờ Nikkei Asian Review đã thống kê lại một danh sách các công ty tại Châu Á bị ảnh hưởng, cả theo hướng tích cực và tiêu cực.
Xu hướng 1: Dịch chuyển
Chiến tranh thương mại đã tạo ra một xu hướng mới: di dời sản xuất từ Trung Quốc đến các nơi khác trên thế giới.
1. Advantech - Đài Loan
Nhà sản xuất PC (máy tính để bàn) công nghiệp số 1 thế giới cho biết họ sẽ bổ sung các dây chuyền lắp ráp cuối cùng ở bang Illinois và mở thêm các văn phòng bán hàng trên toàn nước Mỹ.
2. Giant - Đài Loan
Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, có kế hoạch mở rộng sản xuất sang Đông Âu để đa dạng hóa thay vì chỉ sản xuất ở Trung Quốc.
3. Gigabyte - Đài Loan
Nhà sản xuất máy PC dành cho việc chơi game và bo mạch chủ của Đài Loan có kế hoạch chuyển một phần sản xuất của mình tại Trung Quốc trở lại Đài Loan để tránh các căng thẳng thương mại.
4. Inventec - Đài Loan
Ngày 14/8, công ty chuyên sản xuất tai nghe AirPod cho biết rằng họ sẽ bán hàng hóa “bán thành phẩm” (semifinished goods) từ Thượng Hải cho các cơ sở khác ngoài Trung Quốc để tiến hành công đoạn lắp ráp cuối cùng nếu tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang.
Xu hướng 2: Cơ hội ngoài kỳ vọng
Cuộc tranh giành tìm kiếm nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc cũng đang tạo ra “những người chiến thắng”. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mang lại lợi ích cho các nước thứ ba theo những cách khác nhau.
1. Samsung Electronics - Hàn quốc
Cuộc chiến thương mại giữa 2 thị trường lớn nhất - Mỹ và Trung Quốc, do đó, là vấn đề nhạy cảm đối với Samsung Electronics (nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng). Tuy nhiên, Samsung đã được hưởng lợi trong thị trường mạng viễn thông của Mỹ nhờ các hạn chế bán hàng tại quốc gia này đối với các công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE.
2. Global Unichip Corp. (GUC) - Đài Loan
Nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. cho biết, họ đã thấy sự quan tâm nhiều hơn từ các công ty Trung Quốc kể từ khi căng thẳng thương mại bắt đầu leo thang.
"Chúng tôi nhận thấy xu hướng ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc muốn xây dựng các chip tùy chỉnh của riêng mình và muốn tự lực (sefl - reliant) càng sớm càng tốt" - Chủ tịch GUC Ken Chen cho biết.
3. Powertech - Đài Loan
Chủ tịch JY (công ty kiểm tra và đóng gói chip của Đài Loan) Hung cho biết cuộc chiến thương mại có thể giúp họ trong việc cung cấp cho các nhà sản xuất chip nhớ trên toàn cầu như: Toshiba, Micron, Western Digital và Intel.
"Chúng tôi nhận thấy khách hàng của chúng tôi đặt nhiều đơn đặt hàng hơn so với các khách hàng sản xuất ở Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được nhiều thị phần hơn hơn nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục tăng cường” - ông Hung cho biết.
4. Chunghwa Precision Test Tech - Đài Loan
Theo một chuyên gia trong ngành, Chunghwa Precision Test Tech, một công ty kiểm tra chất bán dẫn, có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại vì khách hàng có thể chuyển đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp Mỹ sang công ty Đài Loan để giảm thiểu rủi ro.
5. Eclat Textile - Đài Loan
Eclat Textile, một nhà cung cấp hàng may mặc hàng đầu cho Nike, Adidas, Under Armour, Lululemon và nhiều công ty khác, cho biết họ đã nhận được nhiều yêu cầu từ khách hàng muốn đặt hàng với công ty để tránh rủi ro trong cuộc chiến. Eclat hoàn toàn chấm dứt sản xuất tại Trung Quốc vào cuối năm 2016.
6. Olam International - Singapore
Tập đoàn nông nghiệp của Singapore đã gia tăng các chuyến hàng hạnh nhân từ Úc sang Trung Quốc lên "mức cao nhất" trong nửa đầu năm 2018 sau khi Bắc Kinh áp đặt thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Olam cũng đẩy mạnh đáng kể các lô hàng đậu tương từ Brazil đến Trung Quốc.
7. Hindalco Industries - Ấn Độ
Nhà sản xuất nhôm cuộn lớn nhất thế giới đã có thể mua bộ vi xử lý nhôm của Mỹ Aleris với giá 2,6 tỉ đô la vào tháng 7 sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Ấn Độ bác bỏ thỏa thuận trước đây giữa Aleris và China Zhongwang Holdings.
8. JSW Steel - Ấn Độ
Nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ sẽ đầu tư lên tới 500 triệu USD để xây dựng một nhà máy thép ở Ohio thay vì mở rộng năng lực sản xuất ở Ấn Độ. Quyết định này theo sau một quyết định đầu tư trị giá 500 triệu USD khác vào một nhà máy ở Texas vào tháng 3/2018.
"Chính quyền của ông Trump là động lực giúp chúng tôi mở rộng đầu tư tại Mỹ vì những cạnh tranh về vốn" - Giám đốc điều hành của JSW Steel USA - ông John Hritz, cho biết vào tháng 6/2018.
9. Kerry Logistics Network - Hồng Kông
Công ty cung ứng dịch vụ hậu cần, giao nhận vận chuyển hàng hóa quốc tế và các giải pháp chuỗi cung ứng, được hưởng lợi từ sự tăng tốc trong xu hướng dịch chuyển các hoạt động sản xuất rời khỏi Trung Quốc.
Các công ty chế tạo đồ điện tử, quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi và các sản phẩm khác đang di chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc để tránh các loại thuế quan.
"Người mua ở Mỹ đang yêu cầu các giải pháp cho vấn đề. Nếu không, họ sẽ phải trả thêm tiền thuế quan” - Giám đốc điều hành Tập đoàn William Ma Wing-kai cho biết.
Doanh thu của công ty trong nửa đầu năm nay tăng 27% lên 17,46 tỷ đô la (2,22 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 20% lên 948 triệu đô la Hồng Kông.
Xu hướng 3: Trực tiếp “chịu” đòn
Đối với một số công ty, chi phí phát sinh từ các mức thuế đã - hoặc có thể sẽ sớm là một cơn “đau đầu” cho ban lãnh đạo.
1. Swire Pacific - Hồng Kông
Swire là công ty đóng chai được nhượng quyền thương mại của Coca-Cola tại Trung Quốc, Mỹ và các nước khác. Do đó, công ty có thể bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu nhôm của Mỹ.
Ông Michelle Low Mei-shuen, Giám đốc tài chính của hãng Swire, cho biết công ty không mong đợi bất kỳ "tác động đáng kể" trong năm nay, nhưng cũng "không chắc chắn điều này sẽ xảy ra như thế nào."
2. Zhongsheng Group - Trung Quốc
Tập đoàn Zhongsheng điều hành các đại lý ô tô nhập khẩu tại Trung Quốc, và mặc dù nó không kinh doanh xe ô tô Mỹ, Chủ tịch và đồng sáng lập Huang Yi cho biết, dòng xe Mercedes và BMW (SUVs) được sản xuất tại Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc chiến thương mại và mức thuế nhập khẩu sẽ cao hơn.
3. Delta Electronics - Đài Loan
Ngày 31/7, Chủ tịch Delta Electronics - ông Yancey Hai cho biết: “Làn sóng đầu tiên áp dụng thuế quan trị giá 34 tỷ USD từ hàng hóa Mỹ đã ảnh hưởng đến Delta”.
Công ty cung cấp linh kiện điện cho iPhone và MacBook của Apple cho biết họ sẽ mua lại Delta Electronics (Thái Lan) để tiếp cận các cơ sở sản xuất của Thái Lan, Ấn Độ và Slovakia để tránh thuế quan của Mỹ.
4. Toyota Motor - Nhật Bản
Theo Toyota, mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 6.000 USD chi phí cho mỗi chiếc xe. Nếu sản lượng xuất khẩu từ Nhật Bản không thay đổi so với năm ngoái (700.000 chiếc), con số này sẽ lên tới 4,2 tỷ USD.
Để chống lại sự bảo hộ ngày càng tăng và có diễn biến khó lường ở Mỹ, Toyota dự định tăng sản lượng tại Trung Quốc lên 20%.
Toyota cũng cho biết vào tháng 3/2018 rằng thuế suất của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí và giá của xe ô tô và xe tải bán tại Mỹ.
5. WH Group - Trung Quốc
Tác động của căng thẳng thương mại là "đáng kể trong mọi vấn đề" - ông Kenneth Sullivan, Chủ tịch và giám đốc điều hành của nhà sản xuất thịt lợn Smithfield (thuộc sở hữu của hãng chế biến thịt và thực phẩm Trung Quốc WH Group) cho biết.
Việc tăng thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đã cản trở việc xuất khẩu thịt lợn của tập đoàn sang Trung Quốc, nơi thịt được chế biến thành các sản phẩm đóng gói.
Xu hướng 4: Tác động gián tiếp
Đối với nhiều công ty, tác động từ cuộc chiến thương mại tỏ ra không chắc chắn và khả năng gây ra sự suy giảm tổng thể về mặt tăng trưởng là mối quan tâm lớn của ban lãnh đạo.
1. Sinotrans Shipping - Trung Quốc
"Tác động không lớn , vì các hoạt động chính của chúng tôi đang trên các tuyến đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và châu Âu” - Chủ tịch của công ty - ông Su Xingang cho biết ngày 10/8. Nhưng ông cũng cho biết căng thẳng thương mại là tình huống cả hai bên đều chịu thua thiệt (a lose - lose situation) và cũng là điều “không mong muốn” nhìn từ góc độ tổng quan ngành.
2. Asutek Computer - Đài Loan
"Tỷ giá biến động khiến Asustek vô cùng khó khăn khi báo giá bán lẻ tại các thị trường địa phương. Sự không chắc chắn về thương mại cũng làm giảm nhu cầu thị trường đối với hàng điện tử tiêu dùng" - Ông Asustek Nick Wu, Giám đốc tài chính, chia sẻ với các nhà đầu tư vào ngày 10/8.
3. Pegatron - Đài Loan
Giám đốc điều hành của Pegatron, ông S.J. Lia cũng bày tỏ mối lo ngại về diễn biến của cuộc chiến thương mại trong nửa cuối năm.
Nhà lắp ráp iPhone cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại có thể làm giảm nhu cầu đối với iPhone mới và cho biết họ đang xem xét mở rộng sản lượng của mình bên ngoài Trung Quốc nếu tình hình xấu đi.
4. Quanta Computer - Đài Loan
Nhà cung cấp MacBook và Apple Watch đang cân nhắc việc bổ sung năng lực sản xuất tại Mỹ, Đức hoặc Đài Loan nếu việc áp đặt mức thuế quan của Mỹ được mở rộng tới các sản phẩm Trung Quốc như: máy chủ, đồng hồ thông minh, loa thông minh và các sản phẩm khác mà công ty sản xuất.
5. Cathay Pacific - Hồng Kông
Chủ tịch công ty, ông John Slosar cho biết Cathay đang "theo dõi sát mọi thứ, đặc biệt là cách mà mức thuế quan và tỷ giá có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, và doanh thu và chi phí của công ty".
“Tác động có thể không rõ ràng vào lúc này nhưng chưa có nghi ngờ về khả năng tác động đáng kể đến các doanh nghiệp của chúng tôi” - ông chia sẻ thêm.
6. Huyndai Motor - Hàn Quốc
Chiến tranh thương mại đang tạo ra những biến động tỷ giá tại các thị trường mới nổi, điều này tạo ra sự không chắc chắn cho doanh số của nhà sản xuất ô tô tại Brazil, Ấn Độ và Nga.
7. Sumitomo Rubber Industries - Nhật Bản
Nhà sản xuất lốp xe lớn thứ 6 thế giới hy vọng lợi nhuận ròng sẽ giảm 8% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó về mức tăng trưởng 2%.
"Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, nhưng điều này có thể tăng cường thái độ bảo hộ của quốc gia này" - Chủ tịch và Giám đốc điều hành, ông Ikuji Ikeda cho biết.
8. InterGlobe Aviation - Ấn Độ
InterGlobe, hãng điều hành IndiGo, hãng hàng không hàng đầu của đất nước về số lượng hành khách, đã thấy lợi nhuận ròng của mình trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 hầu như biến mất mặc dù doanh thu hàng quý có cao hơn.
Người đồng sáng lập và giám đốc điều hành tạm thời Rahul Bhatia đổ lỗi cho sự “hỗn loạn” trên thị trường toàn cầu khiến lợi nhuận công ty sụt giảm khi phải đối mặt với việc đồng Rupee suy yếu và giá cả nguyên liệu tăng cao.
9. Petronas Chemicals Group - Malaysia
Giám đốc điều hành - ông Sazali Hamzah, cho biết căng thẳng thương mại leo thang có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc trong dài hạn, và cuối cùng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hóa dầu của khu vực. Trung Quốc chiếm khoảng 16% khối lượng bán hàng của tập đoàn.
"Cho đến nay, khách hàng của chúng tôi ở Trung Quốc vẫn đang tích cực theo đuổi hợp tác chiến lược với chúng tôi", Hamzah chia sẻ. Nhưng ông cũng cho biết các "tác động từ chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng đến thị trường khu vực của hãng"./.