Theo Reuters, Đại sứ Mỹ tại WTO, ông Dennis Shea đã phát biểu cho rằng Trung Quốc lợi dụng WTO để thúc đẩy chính sách phi thị trường, làm méo mó thị trường thế giới, dẫn đến năng lực sản xuất quá dư thừa, đặc biệt là sắt thép và nhôm. Trước việc tháng trước 7 nước thành viên WTO bao gồm Trung Quốc, EU…đưa ra một yêu cầu chưa từng có là thành lập một tổ chuyên gia để điều tra biện pháp đánh thuế thép và nhôm của Mỹ có phải do xem xét an ninh quốc gia hay là một biện pháp đảm bảo, liệu có vi phạm quy định của WTO hay không? ông Dennis Shea tuyên bố: WTO cần phải bác bỏ khiếu kiện của 7 nước thành viên đó vì quy tắc của WTO cho phép có hành động ngoại lệ xuất phát từ việc xem xét lợi ích an ninh quốc gia.
Ngoài bào chữa cho hành động của Mỹ, ông Dennis Shea còn trực tiếp chỉ trích Trung Quốc. Ông nói: “Trái lại, mối đe dọa hệ thống mậu dịch quốc tế chính là Trung Quốc đang mưu đồ lợi dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ngăn cản các nước thành viên khác hành động để giải quyết chính sách không công bằng và làm méo mó mậu dịch của họ”. Một quan chức Mỹ khác cũng nói:
“Mỹ không thể dung thức kiểu dối trá đó”, Mỹ đã khởi kiện để phản bác lại những biện pháp thuế quan có tính trả đũa của Trung Quốc, Canada, Mexico và EU.
Đấu khẩu tại hội nghị chưa đủ, Đại sứ Trương Hướng Thần (trái) còn tranh luận gay gắt với người đồng nghiệp Dannis Shea
|
Trước sự chỉ trích của Dennis Shea, ông Trương Hướng Thần, Đại sứ Trung Quốc tại WTO đã đăng đàn phản bác, nói chính phủ Trung Quốc không muốn bị lôi cuốn vào trò chơi chỉ trích, đổ vấy nhau, Mỹ không thể cung cấp chứng cứ chứng minh cho những lời lẽ vô căn cứ của họ đối với kinh tế Trung Quốc. Ông cũng tố cáo Mỹ đang lợi dụng điểm này để che đậy hành vi vi phạm quy tắc WTO của họ.
Đáp lại việc Mỹ kiện Trung Quốc ra WTO về hành vi lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ; phía Trung Quốc nhấn mạnh: trong biên bản của WTO vẫn còn ghi lại một số tranh chấp chưa được giải quyết, trong đó có những phán quyết về việc Mỹ vi phạm Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Phía Mỹ tuyên bố, họ không tiếc sức mình để bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Trung Quốc đáp trả: “Xem xét sợ thực phía Mỹ cố ý trì hoãn 14 năm không giải quyết phán quyết này cho thấy bản thân những lời nói của họ rất không đáng tin cậy”. Ông Trương Hướng Thần nói: “Trung Quốc hoàn toàn tôn trọng TRIPS, còn Mỹ thì không. Chúng tôi cho rằng trước khi Mỹ hoàn toàn thực hiện hiệp nghị TRIPS, những đề xuất của họ đều không có nền tảng pháp luật”.Ông cho rằng, tuyên bố của người Mỹ đầy rẫy sự dối trá.
Trước đó, cũng tại WTO,một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Donald Trump đã đưa ra đề nghị có thể trục xuất Trung Quốc ra khỏi tổ chức hàng đầu thế giới về thương mại này.
BBC cho biết, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống khi trả lời phỏng vấn đài này đã nói, Trung Quốc là một thành viên của WTO “có hành vi không đúng mực” và WTO khiến Mỹ thất vọng. Ông nói, chiến lược cứng rắn của Tổng thống Donald Trump về mậu dịch quốc tế đang phát huy tác dụng.
Kevin Hassett nói, WTO phát huy tác dụng lịch sử vô cùng quan trọng trong việc hiện đại hóa toàn cầu; nhưng Mỹ thất vọng về thể hiện của WTO trên nhiều lĩnh vực.Ông nói, Mỹ thường thắng trong các vụ án kiện ra WTO, nhưng phải mất tới 5,6 tháng, khi đó thì thiệt hại đã xảy ra rồi.
Ông cho rằng, do mức tiền phạt quá thấp, nên một số quốc gia sẵn sàng vi phạm quy tắc rồi nộp phạt, WTO cần xử lý tốt hơn những quốc gia này. Ông công khai chỉ trích Trung Quốc khi nói: “Chúng tôi không ngờ một quốc gia sau khi gia nhập WTO lại hành xử như Trung Quốc. Đối với một quốc gia thành viên mà hành xử không đúng mực như vậy là điều rất hiếm thấy”.
Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế tổng thống Kevin Hassett phê phán Trung Quốc hành xử không đúng mực và đề xướng trục xuất Trung Quốc khỏi WTO
|
Vấn đề Kevin Hassett muốn thảo luận là: liệu có thể thông qua đàm phán song phương hoặc thông qua cải cách WTO, thậm chí trục xuất Trung Quốc ra khỏi tổ chức này để giải quyết vấn đề hay không? Tuy nhiên Kevin Hassett nói, sự lựa chọn thứ 3 này (tức trục xuất Trung Quốc ra khỏi WTO) không phải là chính sách chính thức của Mỹ. BBC bình luận, việc đuổi Trung Quốc ra khỏi WTO ít có khả năng xảy ra, nhưng việc một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ phát biểu ngôn từ như thế khiến người ta kinh ngạc.
Trước lời lẽ của Kevin Hassett, ngày 22.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã có phản ứng mạnh mẽ tại cuộc họp báo quốc tế. Trang tin Đa Chiều (DWNews) cho biết, khi có phóng viên hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước phát biểu của Kevin Hassett; ông Cảnh Sảng nói: “WTO là một cơ cấu đa phương chứ không phải của mình người Mỹ. Các thành viên WTO đều bình đẳng,không phải mình Mỹ nói là xong. Việc người cá biệt phía Mỹ ám chỉ việc khai trừ Trung Quốc khỏi WTO là “kẻ ngốc nói mê”, nhưng nó cũng bộc lộ miệng lưỡi cường quyền bắt nạt và tâm thế “mình ta là nhất” của người Mỹ.
Ông Cảnh Sảng nói, thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp rút khỏi các tổ chức và hiệp định quốc tế như UNESCO, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Liên minh Bưu chính thế giới, Hiệp ước TPP, Hiệp định về giải quyết biến đổi khí hậu Paris, Hiệp nghị di dân toàn cầu, Hiệp nghị hạt nhân Iran…Cộng đồng quốc tế tự mình biết đâu là đúng sai trong việc Mỹ nêu chiêu bài “Ưu tiên nước Mỹ” để rút khỏi các tổ chức quốc tế và hủy bỏ các hiệp ước.
Ông còn nói: “Nếu tôi không nhớ nhầm thì cách đây không lâu, Mỹ còn đe dọa rút khỏi WTO; nhưng nay họ lại giương ngọn cờ cải cách WTO để ám chỉ việc trục xuất Trung Quốc ra khỏi WTO, thật hoang đường”.
Cảnh Sảng đặt câu hỏi: “Trung Quốc là nước bán hàng lớn nhất, nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu. Đến Trung Quốc mà Mỹ còn dám kêu gào khai trừ ra khỏi WTO, vậy các nước khác thì sao? Tiếp theo sẽ là nước nào đây?”.