Địa điểm dự trù bố trí kho tàng là Campuchia và Việt Nam. Chuyên viên quân sự Nga Vasily Kashin đã có bình luận về bước đi này.
Câu hỏi chính yếu là vấn đề bố trí các chủ thể như vậy được sự đồng thuận đến đâu của chính quyền các nước chủ nhà. Campuchia trong những năm gần đây thể hiện xu hướng xích gần Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng của Phnom Penh, mà còn dành hỗ trợ đáng kể cho lực lượng vũ trang Campuchia. Trong quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc đang có căng thẳng, nhưng khó có khả năng Hà Nội quyết định đồng ý với bước đi tiếp nhận các kho tàng Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam, bởi ắt sẽ làm cho bang giao với Bắc Kinh xấu đi.
Tuyên bố về tính chất "nhân đạo" của những kho tàng mà Mỹ đề xuất rõ ràng là thủ thuật. Trong kho chứa "các tài sản dành cho hoạt động nhân đạo" chắc sẽ có thiết bị y tế, vật liệu xăng dầu, phương tiện giao thông và thiết bị kỹ thuật. Tức là hầu như mọi thứ cần thiết cho bất kỳ hoạt động quân sự. Cuối cùng, các nhà kho này sẽ thực hiện chức năng chính là giảm bớt số lượng chuyến bay của máy bay vận tải và những con tàu biển vận chuyển hậu cần, điều kiện thiết yếu để triển khai quân đội Mỹ tại các địa bàn có hoạt động chiến sự.
Ngoài ra, mặc dù kho tàng không phải là căn cứ hoàn chỉnh, nó vẫn đòi hỏi cơ số nhân viên quân sự tối thiểu để kiểm soát và bảo vệ. Liệu Phnom Penh và Hà Nội có dám quyết để chấp nhận hiện diện của quân đội Mỹ (cứ cho là toàn lính hậu cần) trên lãnh thổ của nước mình?
Nếu những kho tàng tiên tiến sẽ xuất hiện ở Campuchia, Việt Nam hay ở nước nào khác trong khu vực, thì đây chắc chắn là cơn "đau đầu" cho Bắc Kinh. Chỉ với chi phí tối thiểu và không có thiệt hại nghiêm trọng về uy tín, mà Mỹ lại có thể đạt bước tiến đáng kể trong chiến lược kiềm chế và bao vây Trung Quốc.
Người Trung Quốc sẽ có phản ứng ra sao trước sự xuất hiện các cơ sở kho tàng như vậy ở Đông Nam Á? Tối thiểu có lẽ Trung Quốc sẽ thi hành biện pháp ngoại giao để phá dự án này. Thực tế tồn tại của những chủ thể như kho tàng tài sản quân đội trên lãnh thổ sẽ thu hút nước chủ nhà vào quỹ đạo ảnh hưởng quân sự-chính trị của Mỹ. Nước nào quyết định cho phép bố trí những cơ sở như vậy cần dự liệu đón nhận những hệ quả tiêu cực trong quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc, chuyên gia Nga nhận định.
Theo Sputnik