Khi lực lượng vũ trang Nga chờ đợi những thông tin và ý nghĩa cụ thể của Chương trình vũ khí nhà nước đến năm 2025, thì có nhiều kỳ vọng rằng quân đội sẽ nhận thêm các hệ thống tấn công có độ chính xác cao để bổ sung vào các nỗ lực phát triển các khả năng hoạt động lớn hơn.
Trong số đó, hệ thống tên lửa đạn đạo di động Iskander-M đã khiến NATO hết sức quan ngại, không chỉ vì hệ thống này được triển khai ở Kaliningrad mà nó còn có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân. Hiện nay, bộ quốc phòng Nga dự định chế tạo đủ số lượng tên lửa Iskander- M để thay thế hoàn toàn hệ thống Tochka-U cũ hơn vào năm 2020. Tuy nhiên, với sự mở rộng lực lượng tên lửa, có thể sẽ có thêm nhiều hệ thống được triển khai trước năm 2020.
Theo tin tức gần đây của các phương tiện truyền thông quân đội Nga, quá trình thay thế hệ thống Tochka-U cũ bằng tên lửa Iskander-M đang tiến triển tốt hướng tới mục tiêu cuối cùng vào năm 2020. Iskander-M là một hệ thống tên lửa hoạt động chiến thuật, có độ chính xác cao và phạm vi tấn công lên đến 500 km, tùy thuộc vào loại tên lửa được sử dụng.
Các hệ thống Iskander đang hoạt động cùng lực lượng tên lửa và pháo binh (RV&A). Đây là một nhánh vũ trang của Bộ binh Nga. Nga chính thức có 10 lữ đoàn RV&A trải khắp các quân khu. Có bốn lữ đoàn RV&A ở các quân khu miền tây, một lữ đoàn ở quân khu nam, hai lữ đoàn ở quân khu Trung ương và ba lữ đoàn ở quân khu đông.
Trung úy Mikhail Matveevsky, chỉ huy của RV&A, lưu ý rằng Nga đang có xu hướng chung nhằm tăng cường tỷ lệ các hệ thống tấn công chính xác cao trong lực lượng vũ trang thông thường của Nga. Và ông coi Iskander-M là một phần quan trọng trong chiến lược này.
Hệ thống tên lửa này được thiết kế cho công tác chuẩn bị bí mật và áp dụng các cuộc tấn công tên lửa có độ chính xác cao, có độ sâu về hoạt động chiến thuật chống lại nhiều mục tiêu với phạm vi thiệt hại từ 50-500 km, hoạt động trong bất kỳ điều kiện nào, kể cả đối phó với phản ứng của kẻ thù với hệ thống phòng thủ chống tên lửa và tác chiến điện tử (EW). Ông Matveevsky cũng khá tự tin rằng các kế hoạch tái trang bị đến năm 2020 sẽ được triển khai thành công, có nghĩa là tất cả các lữ đoàn tên lửa sẽ đều được trang bị Iskander-M.
Trên thực tế, các hệ thống Iskander-M và các hệ thống tấn công chính xác cũng ngày càng đóng vai trò nổi trội và xuất hiện thường xuyên hơn trong các cuộc diễn tập quân sự của Nga. Trong cuộc diễn tập gần đây tại Tajikistan, Mátxcơva đã lần đầu tiên triển khai tên lửa Iskander-M bên ngoài lãnh thổ như một dấu hiệu cho thấy vai trò ngày càng tăng của các hệ thống này trong kế hoạch hoạt động của quân đội Nga.
Vào cuối tháng 5, Nga và Tajikistan đã tiến hành cuộc diễn tập chống khủng bố Dushanbe Anti-Terror năm 2017 do Trung tâm chống khủng bố thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tổ chức trên lãnh thổ Tajikistan. Cuộc tập trận có sự tham gia của 2.000 quân Nga và 300 phương tiện và hệ thống vũ khí. Các nhân viên quân sự Nga từ các quân khu đã diễn tập các cuộc tấn công vào các nhóm khủng bố và nổi dậy ở chân núi Đông Pamirs và phối hợp chặt chẽ với các chiến binh của Tajikistan.
Trong bối cảnh đó, Mátxcơva cũng đã thử nghiệm tính sẵn sàng chiến đấu của căn cứ quân sự số 201 của Nga có trụ sở tại Dushanbe. Theo RCD, cuộc tập trận này được tổ chức nhằm đối phó với mối quan ngại ngày càng gia tăng ở Mátxcơva và Dushanbe rằng các chiến binh Afghanistan có thể vượt qua biên giới và gây bất ổn cho quốc gia Trung Á nhỏ bé Tajikistan.
Một điểm ấn tượng trong cuộc diễn tập là Nga triển khai tên lửa Iskander-M tới Tajikistan, đánh dấu lần đầu tiên sử dụng tên lửa này ở bên ngoài lãnh thổ. Đại tá Yaroslav Roshupkin, trợ lý chỉ huy của Quân khu trung tâm, cho biết Iskander-M được sử dụng để tấn công vào các cơ quan đầu não mô phỏng và căn cứ của phiến quân ở vùng núi Tajikistan.
Iskander-M được triển khai tới khu huấn luyện Liaur và phóng tên lửa vào kẻ thù giả định ở phạm vi 120km. Vào đầu tháng 6/2017, Bộ quốc phòng Nga đã đưa ra những hình ảnh về vụ phóng tên lửa Iskander- M lịch sử ở bên ngoài nước Nga.
Cuộc diễn tập lần này còn sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 và Tu-95MS. Để thể hiện cách thức mà Tổng tham mưu trưởng của Nga học hỏi từ các chiến dịch ở Syria, Tu-95MS đã tham gia vào cuộc diễn tập phóng tên lửa hành trình vào trụ sở mô phỏng của quân khủng bố. Máy bay chiến lược này được giao nhiệm vụ tiêu diệt các kho dự trữ của kẻ thù.
Tuy nhiên, về việc triển khai Iskander-M, chỉ huy Quân khu trung tâm Vladimir Zarudnitsky cho biết hệ thống tên lửa này được vận chuyển bằng máy bay An-124 Ruslan đến Tajikistan. Hệ thống này có thể được đặt ở Lữ đoàn RV&A 92 tại Totskoye hoặc Lữ đoàn RV&A số 119 ở Elanskiy, cả hai đều ở Quân khu trung ương.
RCD phỏng đoán có thể Iskander-M đã được triển khai ở Tajikistan để kiểm tra khả năng vận chuyển và khả năng phóng của hệ thống, đó là bước thử nghiệm khởi màn để Nga áp dụng tương tự trong cuộc tập trận Zapad 2017 sắp tới giữa Nga-Belarus vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, cho dù Iskander-M có thể được triển khai trong cuộc tập trận Zapad 2017 tùy thuộc vào yêu cầu của cuộc tập trận song phương và bối cảnh lúc đó, Mátxcơva vẫn chưa có kế hoạch bán hệ thống này cho Minsk.
Ông Dmitry Shugaev, người đứng đầu của Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga, gần đây đã tuyên bố Nga không có kế hoạch cung cấp hệ thống Iskander-M cho Belarus. "Vào thời điểm này, vẫn chưa có yêu cầu chính thức nào cho việc mua lại các tổ hợp này từ phía Belarus", Ông Shugaev cho biết trong Triển lãm quốc tế vũ khí và trang thiết bị quân sự lần thứ 8 (MILEX 2017).
Điều này mâu thuẫn với tuyên bố của Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei vào tháng 10/2016, rằng Belarus đã mua từ hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga và một số khẩu đội Iskander.
Các quan chức cao cấp của Nga, dù cho chỉ sử dụng các hệ thống có độ chính xác cao ở quy mô tương đối nhỏ ở Syria, dường như đã rút ra bài học cho thấy tài sản đó sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các hoạt động quân sự của Nga trong tương lai. Cho dù mục tiêu tái trang bị Iskander-M cho các lữ đoàn RV&A diễn ra trước các hoạt động ở Syria, sự hiện diện của Iskander-M trong cuộc diễn tập chống khủng bố ở Dushanbe dường như là lời khẳng định Nga đang rất hứng thú với các hệ thống tấn công có độ chính xác cao.
Với sự hiện diện của các hệ thống tấn công khác, bao gồm cả tên lửa hành trình phóng từ trên không, các nhà lên kế hoạch tập trận dường như đã thử nghiệm kết hợp các hệ thống có độ chính xác cao cần thiết để đảm bảo tiêu diệt kẻ thù.