Nga lần đầu đưa UAV tấn công tàng hình lớn nhất thế giới S-70 "Okhotnik" tới Ukraine tham chiến?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Máy bay không người lái tàng hình S-70 "Okhotnik" của Không quân Nga đã lần đầu tiên tham chiến tại Ukraine. Sự xuất hiện của loại máy bay tiên tiến này khiến các quan chức NATO và Ukraine vô cùng sửng sốt và ngạc nhiên.

Máy bay không người lái tàng hình S-70 Okhotnik được cho là lần đầu tiên được đưa vào Ukraine tham chiến (Ảnh: EurAsia)
Máy bay không người lái tàng hình S-70 Okhotnik được cho là lần đầu tiên được đưa vào Ukraine tham chiến (Ảnh: EurAsia)

Tờ EurAsian Times ngày 2/7 đưa tin máy bay không người lái tàng hình hạng nặng S-70 “Okhotnik” của Nga đã bắt đầu tấn công lực lượng Ucraina trong lúc Ukraine tuyệt vọng chờ đợi máy bay F-16. Mạng xã hội Telegram Nga nói “Ukraina không có biện pháp phòng thủ trước loại vũ khí này và các tổ hợp tên lửa Patriot là vô dụng!”

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, máy bay không người lái đã trở thành một phần quan trọng của chiến tranh trong tương lai, mặc dù Nga bị coi là thua xa Trung Quốc và Mỹ về công nghệ máy bay không người lái nói chung, nhưng quân đội Nga vẫn có những máy bay không người lái khá tốt. Mới đây, theo truyền thông Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đưa tin, quân đội Nga mới đây đã tung ra một "con bài lớn": điều máy bay không người lái tàng hình hạng nặng S-70 "Okhotnik" tới chiến trường Ukraine để tham chiến.

Anh ve tinh chup hai loai.jpeg
Su-57 và S-70 Okhotnik có kích thước tương đương nhau (Ảnh vệ tinh của Mỹ).
Ảnh: Sohu

S-70 "Okhotnik" là máy bay không người lái phản lực tàng hình hạng nặng do Cục thiết kế Sukhoi của Nga phát triển. Máy bay dài 13,6m, sải cánh 17,6m, cao 2,8m, trọng lượng cất cánh lớn nhất 22,15 tấn, sử dụng thiết kế hình dạng khí động học của cửa hút gió ở lưng, cánh xuôi và không có đuôi thẳng đứng, sử dụng động cơ AL-31FN do Nga sản xuất, góc quét cánh là 54°, máy bay có thể đạt tốc độ 1.400 km/h.

Với tư cách là một UAV hạng nặng, "Okhotnik" có tầm hoạt động tối đa 6.000 km và bán kính chiến đấu khoảng 1.800 km, cơ bản tương đương với máy bay chiến đấu có người lái và hiện là loại máy bay tấn công tàng hình lớn nhất. S-70 "Okhotnik" được phát triển từ năm 2012 theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga.

S-70 tai san bay.jpeg
S-70 Okhotnik đậu trên đường băng (Ảnh: Sohu).

UAV S-70 "Okhotnik" sử dụng thiết kế khoang vũ khí bên trong thân giống như máy bay chiến đấu tàng hình, với 2 khoang chứa bên trong, tải trọng bom tối đa 2 tấn và có thể mang các loại bom đạn hạng nặng trong đó có tên lửa chống bức xạ KH-31P có thể tương thích với nhiều loại vũ khí hàng không của Nga và có khả năng tấn công chính xác mạnh mẽ.

Khi Nga bắt đầu nghiên cứu phát triển UAV S-70 "Okhotnik" mục tiêu rất rõ ràng, đó là để nó cùng với Su-57 tạo thành hệ thống tác chiến tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 độc nhất vô nhị của Nga. Bởi vì Nga cũng tự biết, mặc dù Su-57 của họ mang danh là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, nhưng nhìn từ hình dáng khí động học, có thể dễ dàng nhận ra đó là máy bay Su-27 đã trải qua những thay đổi lớn, nên thế giới bên ngoài gọi Su-57 là “Su-27 tút tát". Do ảnh hưởng của cấu hình khí động học, hiệu quả tàng hình của Su-57 về khách quan không thể so sánh với F-22, F-35 của Mỹ và cả J-20 Trung Quốc. Do đó, Nga nghĩ ra cách phát triển máy bay không người lái tàng hình hạng nặng S-70 cặp với Su-57 để nâng cao hiệu quả chiến đấu của Su-57.

S-70 va Su-57.jpeg
S-70 (trên) và Su-57 (Ảnh: Sohu).

Về cơ bản, có hai chiến thuật để sử dụng UAV S-70 "Okhotnik": một là dựa vào trung tâm trên mặt đất để điều khiển từ xa nó thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa mục tiêu trên mặt đất; hai là, nó cùng với Su-57 hình thành biên đội do Su-57 chỉ huy trên không, cách tác chiến của nó giống với khái niệm "người chạy cánh trung thành" của quân đội Mỹ. S-70 "Okhotnik" bay ở phía trước Su-57 khoảng 100 km, để đóng vai trò là tai mắt của Su-57 và truyền thông tin thu thập được thông qua hệ thống phát hiện của nó cho Su-57 bay phía sau, sau đó phi công của Su-57 chỉ huy S-70 "Okhotnik" tấn công mục tiêu.

Bằng cách này, UAV S-70 "Okhotnik" có hiệu suất tàng hình vượt trội bay ở phía trước và Su-57 có hiệu suất tàng hình kém hơn bay ở phía sau, có thể tránh được khiếm khuyết tàng hình kém của Su-57 một cách hiệu quả và giảm thiệt hại khi chiến đấu.

Kich thuoc S-70 rat lon.jpeg
Kích thước của UAV S-70 rất lớn (Ảnh: Sohu).

Hiện tại, phương thức tác chiến cụ thể của UAV S-70 "Okhotnik" trên chiến trường Ukraine vẫn chưa được xác định, nhưng điều có thể khẳng định là UAV S-70 "Okhotnik" vẫn chưa được chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt, và việc đưa nó vào Ukraine rõ ràng mang ý nghĩa thử nghiệm. Thực tế, việc đưa những vũ khí trang bị mới còn chưa hoàn thiện vào chiến trường kiểm nghiệm là truyền thống nhất quán của Nga.

Ngay từ năm 1971, Không quân Liên Xô đã triển khai máy bay trinh sát MiG-25R vẫn chưa được hoàn thiện đến Ai Cập để trinh sát bố trí quân sự của Israel ở bán đảo Sinai, đồng thời cũng kiểm chứng tính năng của máy bay. Cũng như vậy, trong Chiến tranh Syria, quân đội Nga đã triển khai nhiều nguyên mẫu Su-57 tới Syria để thử nghiệm chiến đấu thực tế. Vì vậy, việc triển khai máy bay không người lái S-70 "Okhotnik" tới chiến trường Ukraine rất có thể là để kiểm chứng tính năng của loại máy bay này trong thực chiến.

Thiet ke S-70 duoc coi con khiem khuyet.jpeg
Thiết kế của S-70 được cho là còn khiếm khuyết (Ảnh: Sohu).

Ở góc độ vĩ mô, mặc dù Nga tương đối lạc hậu về công nghệ tự động hóa điện tử nhưng lại rất mạnh trong lĩnh vực cơ khí và hàng không, có thể thấy điều này qua quá trình phát triển máy bay không người lái S-70 "Okhotnik". Tuy nhiên, việc xử lý chi tiết tàng hình của UAV "Okhotnik" giống như của Su-57 vẫn còn tương đối thô, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tàng hình của nó.

Mặc dù việc triển khai máy bay tấn công không người lái tàng hình trên chiến trường có thể gia tăng áp lực tâm lý đối với Ukraine và NATO và ở một khía cạnh nào đó, "Okhotnik" thực sự là một "con bài lớn" của quân đội Nga; nhưng xét cho cùng, nó không phải là "át chủ bài" và máy bay không người lái của Nga không thể đóng vai trò có tính quyết định trong cục diện chiến trường. Đồng thời, S-70 "Okhotnik" là vũ khí mới còn đang trong quá trình nghiên cứu phát triển, nếu bị quân đội Ukraine bắn hạ hoặc bị rơi vì sự cố kỹ thuật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của binh sĩ Nga.

Truyen thong Trung Quoc dua tin.jpeg
Truyền thông Trung Quốc đưa tin quân đội Nga lần đầu tiên sử dụng S-70. Ảnh: NetEasy.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay không người lái tấn công S-70 “Okhotnik” được cho là đã được sử dụng để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Sumy.

Chiều 27/6, truyền thông Ukraine đưa tin các vụ nổ xảy ra ở Sumy và Kremenchuk, vùng Poltava. Một bức ảnh, được cho là máy bay không người lái bay qua Ukraine, được đăng trên Kênh Mash Telegram phù hợp với hình dạng và kích thước của S-70 “Okhotnik”.

Ít nhất có hai chiếc UAV S-70 “Okhotnik” được biết là đang trải qua các chuyến bay thử nghiệm. Vào tháng 6/2022, tạp chí quốc phòng Jane’s trích dẫn RIA Novosti đưa tin S-70B “Okhotnik” đã tiến hành vụ phóng thử đầu tiên các loại bom đạn dẫn đường chính xác (PGM) nhằm vào các mục tiêu mặt đất hôm 28/5/2022. Máy bay không người lái này đã phóng loại tên lửa không đối đất được phát triển cho máy bay tiêm kích Su-57 có người lái.

Video Nga thử nghiệm UAV S-70 Okhotnik (Nguồn: BQP Nga).

Jane’s đưa tin rằng vũ khí này có khả năng là tên lửa hành trình Kh-59Mk2, một phiên bản phát triển của tên lửa chiến thuật hạng nặng dòng Kh-59 được đưa vào trang bị từ đầu những năm 1980.

Ước tính phạm vi và tải trọng của Kh-59Mk2 rất khác nhau, nhưng nó có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa ít nhất 150 dặm trong khi mang theo đầu đạn nặng 250kg. Tính chất module của thiết kế có thể cho phép nhiều cấu hình, chẳng hạn như phần nhiên liệu lớn hơn, được hoán đổi cho các phần đầu đạn nhỏ hơn.

Tờ Izvestia tháng 2/2020 đưa tin bom lượn Grom (Thunder) 9-A-7759 đã được tích hợp với S-70 “Okhotnik”. Máy bay không người lái này có thể mang theo bốn trái Grom trong khoang chứa bên trong thân máy bay.

Trang EurAsia cho biết Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa bình luận về tin S-70 “Okhotnik” đã tham chiến ở Ukraine.