Khám phá máy bay chỉ huy trên không IL-22M11 của Không quân Nga bị lính Wagner bắn hạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner ngày 24/6 đã gây tổn thất nặng nề cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS), trong đó nghiêm trọng nhất là chiếc máy bay chỉ huy trên không IL-22M11 bị bắn rơi, 10 người tử nạn.

Máy bay chỉ huy trên không IL-22M11 của Không quân Nga (Ảnh: QQ).
Máy bay chỉ huy trên không IL-22M11 của Không quân Nga (Ảnh: QQ).

Theo các nguồn tin Nga, trong cuộc nổi loạn, lực lượng của Wagner đã bắn hạ một số máy bay cánh cố định và trực thăng của VKS, gồm tổng cộng 6 trực thăng: 3 trực thăng tác chiến điện tử Mi-8MTPR-1, 1 trực thăng Mi-35M, 1 trực thăng vũ trang Ka-52, 1 trực thăng vận tải Mi-8, và 1 máy bay chỉ huy trên không IL-22M11. Thiệt hại nặng nhất trong số này là chiếc máy bay đặc chủng IL-22M11 mang số hiệu RF-75917, bị trúng đạn và rơi ở Kantemirovka gần Voronezh, khiến toàn bộ 10 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Máy bay chỉ huy trên không IL-22M11 thực chất là một loại máy bay cánh quạt đặc chủng, được phát triển từ dòng máy bay chở khách IL-18 nổi tiếng. IL-18 là máy bay chở khách tầm ngắn 100 chỗ ngồi bốn động cơ tua-bin cánh quạt được Cục thiết kế Ilyushin của Liên Xô thiết kế, là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành hàng không thương mại Liên Xô. Máy bay được thiết kế năm 1955, nguyên mẫu cất cánh lần đầu tiên vào tháng 7/1957, được đặt tên là "Moskva", bắt đầu phục vụ trong ngành hàng không dân dụng của Liên Xô ngày 20/4/1959 và được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia.

Tính đến nay có tổng cộng 678 chiếc đã được xuất xưởng, Trung Quốc cũng đã 4 lần đặt mua tổng cộng 20 chiếc IL-18. Tính năng, thân máy bay chắc chắn, khả năng chịu tải và độ tin cậy cao khiến nó trở thành lựa chọn tất yếu cho các nền tảng máy bay đặc biệt dành cho mục đích quân sự.

Xac chiec IL-22M11 voi so hieu.png
Xác chiếc IL-22M11 bị rơi hôm 24/6 (Ảnh: QQ).

IL-18 được phát triển thành dòng máy bay trinh sát radar và tình báo điện tử chiến lược IL-20M, máy bay chuyển tiếp liên lạc và đo đạc từ xa IL-20RT, máy bay chỉ huy trên không IL-22/22M-11, máy bay tuần tra chống ngầm IL-38, v.v. cho đến nay vẫn đang trong biên chế Lực lượng Không quân vũ trụ Nga.

IL-18, tiền thân của máy bay chỉ huy trên không Il-22 có chiều dài 35,9 mét, rộng 37,5 mét và cao 10,20 mét, trọng lượng rỗng 35 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa 65 tấn với 4 động cơ cánh quạt AI-20M 4.250 mã lực loại 4 cánh quạt; tốc độ tối đa 675 km/h, tốc độ hành trình 625 km/h, trần bay 11.800 mét, tầm hoạt động 6.500 km.

Máy bay chỉ huy trên không IL-22 là mẫu máy bay được đưa vào trang bị ở Liên Xô từ năm 1973. Nó được Cục thiết kế Myasishev cải tiến trên cơ sở IL-18D. Từ mũi đến đuôi máy bay có một ăng-ten hình trụ dài 20 mét nằm phía dưới bụng. Ngoài ra còn có nhiều ăng-ten hình con dao trên đỉnh thân máy bay và một ăng-ten hình điếu xì gà được lắp trên đỉnh đuôi thẳng đứng. Nội thất của cabin được sử dụng để chứa sĩ quan điều khiển chiến thuật và máy trạm. Phía sau thân máy bay được bố trí phòng chờ để giảm mệt mỏi. Tổng cộng có 15 chiếc đã được chế tạo, phối thuộc các Bộ Tư lệnh quân khu, Binh chủng hàng không Lục quân và một số Bộ Tư lệnh khác.

May bay IL-18.png
Máy bay chở khách IL-18, tiền thân của máy bay IL-22M11 (Ảnh: QQ).

Máy bay IL-22M11 được đưa vào sử dụng năm 1975, được lắp đặt các thiết bị liên lạc mới, bổ sung một số ăng-ten phía trên thân máy bay và giảm độ dài ăng-ten hình trụ phía dưới thân máy bay xuống còn 9 mét. Tổng cộng đã có 24 chiếc IL-22M11 đã được sản xuất. Sau khi Liên Xô giải thể, Lực lượng Không quân Nga đã tiếp nhận chúng nhiều nhất, một số hiện vẫn đang phục vụ.

Các máy bay đều đã được lắp đặt loại máy trạm, thiết bị đầu cuối liên lạc, màn hình và hệ thống xử lý dữ liệu kiểu mới, cho phép người chỉ huy nhận các bản cập nhật theo thời gian thực, trao đổi thông tin quan trọng và ra mệnh lệnh được chuyển tiếp bằng nhiều nền tảng khác nhau. Máy bay được trang bị radar có thể quan sát, theo dõi và giám sát khu vực tác chiến, có thể cùng lúc phát hiện nhiều mục tiêu.

Chúng có thể được triển khai nhanh chóng đến các khu vực quan trọng, cho phép các sĩ quan chỉ huy đánh giá đầy đủ môi trường hoạt động của lực lượng trên không và mặt đất, đóng góp đáng kể vào quá trình ra quyết định tác chiến, từ đó giúp tăng cường nhận thức tình huống tổng thể và quá trình ra quyết định, đảm bảo kết nối và hợp tác giữa các đơn vị quân đội và sở chỉ huy. Thiết bị liên lạc của nó sử dụng các hệ thống mã hóa và giao thức liên lạc an toàn để bảo vệ dữ liệu quan trọng, đồng thời cũng được trang bị các biện pháp đối phó với mối đe dọa của chiến tranh điện tử.

Chiec IL-22M11 va Su-27 ho tong.png
Một chiếc IL-22M11 và chiếc máy bay chiến đấu Su-27 hộ tống (Ảnh: QQ).

IL-22M11 khi đó thuộc loại khá tiên tiến, nhưng thiết bị của nó hiện đã khá lạc hậu. Vì vậy, quân đội Nga cũng đang tích cực tìm cách nâng cấp trang thiết bị của máy bay. Theo báo "Izvestia" của Nga, ngày 8/8/2018, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định nâng cấp 5 chiếc máy bay IL-22M11 thành máy bay chỉ huy trên không đa chức năng, được gọi là Il-22M11-SURTSokol. (SURT tức SamolotnyiUzelRe-Translatsii, Trung tâm chuyển tiếp vô tuyến), "Sokol" ("Chim ưng"); hay còn gọi là Il-22M11-RT. Tổng chi phí nâng cấp cải tạo do Cục thiết kế B.M.Mgasytshev đảm nhiệm vượt quá 1,6 tỷ rúp (25 triệu USD).

Chiếc máy bay đầu tiên đã nâng cấp có số hiệu là RF-79441. Thân máy bay đã được kéo dài tuổi thọ được trang bị một trung tâm chuyển tiếp tích hợp hệ thống điều khiển tự động trên mặt đất và trên không, nhận và truyền thông tin ở định dạng kỹ thuật số thông qua các kênh liên lạc được bảo mật. Nó cũng được trang bị các thiết bị liên lạc mới và thiết bị chỉ huy công nghệ cao. Việc nâng cấp sẽ làm cho máy bay tương thích với tất cả các hệ thống điều khiển tự động của lực lượng mặt đất và trên không, cho phép chỉ huy diễn tập từ máy bay và điều khiển nhiều loại vũ khí và lực lượng khác nhau trong các hoạt động đặc biệt.

Chiec IL-22M11 roi sau khi trung ten lua.png
Hình ảnh chiếc IL-22M11 bị bốc cháy và rơi sau khi trúng tên lửa của Wagner (Ảnh: Newtalk).

Hình dạng thân máy bay không có sự thay đổi. 2 chiếc đầu tiên qua nâng cấp được giao vào năm 2019, 3 chiếc tiếp theo được bàn giao năm 2021. Máy bay có thể được phân định bởi hai ăng-ten lớn hình chữ L ở phía trên thân máy bay. Được biết, có khoảng 11 chiếc IL-22 của quân đội Nga đang dần được nâng cấp lên tiêu chuẩn này. Trên thực tế, Lực lượng Không quân NATO đã chặn loại máy bay này lần đầu tiên vào năm 2015.

Trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine lần này, IL-22M-11 cũng từng có màn gây chấn động. Theo tiết lộ của tờ Moscow Komsomolskaya, ngày 3/4/2022, một trong các máy bay Nga đã bị hai quả tên lửa phòng không "Buk-M1" của Ukraine tấn công ở độ cao 7.600 mét, quả đầu tiên trúng vào sườn máy bay, gây cháy, giảm áp suất trong cabin và rò rỉ nhiên liệu. Quả tên lửa thứ hai đánh trúng phần đuôi.

Điều thần kỳ nhất là phi công đã khiến quả tên lửa không tác động được vào điểm trọng yếu bằng cách lộn vòng và nhanh chóng giảm độ cao. Cuối cùng nó đã trở về và hạ cánh an toàn với hơn 200 lỗ thủng xuất hiện trên thân máy bay. Người ta ước tính rằng vụ máy bay bị tấn công là có thật, nhưng nó đã được kịch tính hóa khi tuyên truyền.

Video ghi lại thời điểm chiếc IL-22M11 bốc cháy và rơi sau khi trúng tên lửa
(Nguồn: root-nation)

Chiếc IL-22M11, số hiệu RF-75917, có thể là chiếc IL-18D mang số hiệu 2964010105 được chế tạo ngày 6/3/1967, được cho Không quân Afghanistan thuê làm chuyên cơ; sau đó trở về Liên Xô, được cải tạo thành một chiếc IL-22M11 có số sê-ri CCCP-75917. Sau khi Liên Xô giải thể nó phục vụ tại Nga, số hiệu lúc đầu là RA-75917 và được đổi thành RF-75917 vào năm 2018.

Theo QQnews