Nga khiến Mỹ-NATO lo ngay ngáy bởi "lưỡi kiếm" Kaliningrad

VietTimes -- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai nhiều binh lực hơn tới phần lãnh thổ chiến lược của Nga, nằm ở khu vực dễ tổn thương nhất của NATO. Cách mà tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng trước thách thức này sẽ là một trong những bài kiểm tra đầu tiên của chính quyền mới.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có thể mang đầu đạn hat nhân
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có thể mang đầu đạn hat nhân

Kể từ sau khi Nga tăng cường binh lực đến Kaliningrad, tình hình thậm chí còn tệ hơn. Ngoài các tên lửa S-400 tiên tiến với tầm bắn 250 dặm hiện đã được triển khai đến khu vực này, vào tháng 10/2016, Nga còn triển khai thêm tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M đến Kaliningrad. Những tên lửa này có tầm bắn hơn 300 dặm, có nghĩa là chúng có khả năng vươn tới thủ đô 6 nước thành viên NATO: Warsaw, Vilnius, Riga, Tallinn, Copenhagen, và Berlin.

Cũng trong tháng 10/2016, Nga tuyên bố đã triển khai các bệ phóng tên lửa phòng thủ ven biển trên mặt đất ở Kaliningrad. Những tên lửa siêu thanh này có tầm bắn khoảng 190 dặm và bao trọn trung tâm vùng Biển Baltic, đe dọa sự tiếp cận hải quân của các nước Baltic là thành viên của NATO.

Như thể lo rằng kho vũ khí tên lửa này của Nga không đủ để khiến các nước khác quan ngại, mới đây ông Putin lại đưa thêm hai tàu hộ tống tên lửa (Serpukhov và Zeleny Dol) từ căn cứ ở Biển Đen tới Kaliningrad. Những tàu chiến của Nga này được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, loại tên lửa hành trình tầm xa mà ông Putin sử dụng để thể hiện khả năng tấn công Syria từ tận Biển Caspi. Thực tế, tên lửa Kalibr có tầm bắn hơn 900 dặm và nếu được bắn từ Kaliningrad thì có thể vươn tới hầu hết thủ đô các nước NATO.

Tên lửa hành trình Kalibr nếu triển khai tại Kaliningrad có thể vươn tới hầu hết các nước châu Âu
Tên lửa hành trình Kalibr nếu triển khai tại Kaliningrad có thể vươn tới hầu hết các nước châu Âu

Không có gì là lạ khi cựu chỉ huy của lực lượng không quân Mỹ và đồng minh ở châu Âu, tướng đã nghỉ hưu Frank Gorenc, cảnh báo rằng NATO cần phải nhận thức được rằng “chúng ta không thể bảo đảm chiếm ưu thế trên không” nếu xảy ra khủng hoảng, các lãnh thổ quan trọng của NATO sẽ trở thành không phận tranh chấp”.

Liệu ông Trump sẽ phản ứng như thế nào trước các động thái quân sự gần đây của ông Putin ở gần biên giới NATO? Điều này còn phụ thuộc vào việc ông Trump lựa chọn nghe theo ai trong vấn đề này. Tướng hồi hưu James Mattis, người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng đã cáo buộc rằng “Putin chỉ muốn phá hoại NATO.” Ông Mattis có khả năng sẽ đề nghị  Mỹ và NATO có một phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn Nga khỏi tăng cường chạy đua vũ trang ở Đông Âu.

Vị tướng thủy quân lục chiến này cũng có thể sẽ ép các nước đồng minh châu Âu bước ra khỏi vùng an toàn và đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động đa quốc gia và phòng thủ khu vực. Điều này sẽ phù hợp với mong muốn mà ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử là các nước châu Âu phải chia sẻ công bằng các chi phí quốc phòng ở châu Âu.

Tuy nhiên những nỗ lực này có thể là không đủ. Ông Trump vẫn chưa thừa nhận mối nguy hiểm và thiệt hại từ các hành động của Nga đối với Mỹ. Ví dụ công khai nhất là việc ông Trump không thừa nhận sự dính dáng của Nga trong vụ tấn công mạng vào Đảng Dân chủ. Cho dù cộng đồng tình báo Mỹ có thông báo với ông những dẫn chứng chỉ ra vai trò của Nga trong vụ tấn công mạng này, ông Trump vẫn không đổ lỗi cho ông Putin, chứ đừng nói đến việc bắt ông Putin phải có trách nhiệm.

Lính Mỹ vừa được triển khai tới lãnh thổ Ba Lan trong bối cảnh quan hệ NATO-Nga căng thẳng
Lính Mỹ vừa được triển khai tới lãnh thổ Ba Lan trong bối cảnh quan hệ NATO-Nga căng thẳng

Trên trang Twitter, ông Trump đã công khai bác bỏ các chứng cớ của cục tình báo Mỹ, ông viết rằng: “Nếu Nga hoặc một thực thể nào đó tấn công thì tại sao Nhà Trắng lại đến tận bây giờ mới hành động? Tại sao họ chỉ phàn nàn sau khi bà Hillary thua cuộc?”.

Ông Benitez cho rằng, nếu ông Trump không chịu chống lại cuộc tấn công trực tiếp của Nga vào tính hợp pháp của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ- trọng tâm của nền dân chủ Mỹ, ông cũng sẽ không chống lại những động thái quân sự của ông Putin ở châu Âu xa xôi.

* Tác giả Jorge Benitez là giám đốc của NATOSource và thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương.