Nga “kết liễu” phiến quân Aleppo giành thế siêu cường, Donald Trump tặng quà ông Putin

VietTimes -- Theo Daily Mail, tổng thống Nga Vladimir Putin chứ không phải Donald Trump mới là người thắng đậm nhất trong cuộc bầu cử ở Mỹ. Việc Nga hồi phục lại vị thế của Liên Xô đang diễn ra và Mỹ sẽ không ngăn cản. Đó là kết luận mà nhiều chính khách và chuyên gia phương Tây rút ra sau những ngày đầu tiên Donald Trump trở thành tổng thống đắc cử.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi tên lửa của Nga dội liên tục xuống thành phố Aleppo đang bị bao vây tại Syria, tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump cũng tỏ dấu hiệu muốn bắt tay với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 16/11 đã nói rằng ông Trump sẽ thành “đồng minh tự nhiên” trong cuộc chiến chống khủng bố. Bashar al-Assad nói ông Trump sẽ trở thành bạn của ông, Nga và Iran nếu tân tổng thống Mỹ thực hiện đúng lời hứa và từ bỏ chính sách của phương Tây hiện nay.

Tân tổng thống mới đắc cử Donald Trump cho rằng thật điên rồ khi chống lại cả quân Syria lẫn nhóm phiến quân khủng bố IS và việc chống lại Syria sẽ dẫn tới việc chống lại nước Nga.

Dưới thời ông Trump, có thể sự căng thẳng giữa Mỹ và Nga sẽ được tháo ngòi
Dưới thời ông Trump, có thể sự căng thẳng giữa Mỹ và Nga sẽ được tháo ngòi

Mới đây, ông Trump cho biết rất muốn có thể thiết lập một thỏa thuận với ông Putin và nói: “Tôi đã có quan điểm đối lập với nhiều người về vấn đề Syria.” Chính sách hiện nay của Mỹ là chống lại IS trong khi vẫn ủng hộ những nhóm phiến quân ôn hòa chống lại Assad.

Trong khi đó ông Putin đã quyết định rút Nga khỏi Tòa án Hình sự quốc tế vào 16/11, giữa lúc Anh cáo buộc và kêu gọi đưa quân đội Nga đối mặt với các công tố viên tòa án quốc tế về các vụ không kích vào dân thường ở Syria.

Ngày 17/1, Thủ tướng Anh Theresa May và các lãnh đạo châu Âu khác đã gặp ông Barack Obama để thảo luận về việc mở rộng lệnh trừng phạt lên Nga. Nhưng tân tổng thống Mỹ Donald Trump lại có những ý tưởng rất khác biệt về vấn đề này.

Theo Daily Mail, việc hồi phục lại đế chế Liên Xô đang diễn ra và Mỹ sẽ không ngăn cản. Đó là kết luận mà nhiều chính khách và chuyên gia phương Tây rút ra sau những ngày đầu tiên Donald Trump trở thành Tổng thống đắc cử.

Nga đang điều thêm binh lực tới Syria để có thể giúp chính quyền nước này giải phóng Aleppo khỏi sự chiếm giữ của phiến quân
Nga đang điều thêm binh lực tới Syria để có thể giúp chính quyền nước này giải phóng Aleppo khỏi sự chiếm giữ của phiến quân

Ông Trump đã nhận được một lá thư thân thiện từ ông Putin sau một cuộc thương thoại trong đó hai bên cam kết sẽ khôi phục lại quan hệ giữa hai nước. Sau đó, hôm 16/11 Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố rằng ông Trump sẽ trở thành “đồng minh tự nhiên” cùng với Nga trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria nếu tân tổng thống Mỹ thực hiện lời hứa chống khủng bố.

Hai ông Assad và Putin cũng đang mạnh tay hơn trong các cuộc không kích dữ dội, nhằm vào những khu vực mà phiến quân đang nắm giữ ở thành phố Aleppo sau vài tuần tương đối tĩnh lặng.

Các cuộc tấn công ác liệt được Nga thực hiện bằng máy bay chiến đấu và tên lửa phóng từ cụm tác chiến tàu sân bay của Nga đóng ở ngoài khơi Syria và chỉ diễn ra vài giờ sau khi hai nguyên thủ Trump và Putin có cuộc điện đàm đầu tiên sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Thông điệp rõ ràng là vị tổng thống mới đắc cử của Mỹ không coi việc ngăn chặn hành động của Nga ở bên ngoài lãnh thổ là một ưu  tiên trong các chính sách của mình.

Có vẻ như điều này không phải là vấn đề khi những trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga là hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi các nước tiền tuyến của NATO như Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan đang cố dựa vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ để củng cố hệ thống phòng thủ của mình.

Theo Daily Mail, ông Trump đánh giá cao sức mạnh của các lãnh đạo khác. Và ông  muốn thỏa thuận với họ. Ông Trump cũng không có thời gian để tính đến các đồng minh phương Tây truyền thống. Ông coi họ là những lãnh đạo tốn kém, những người không chịu chia sẻ chi phí để xây dựng khả năng quân sự cho NATO. Nếu muốn kêu gọi sự ủng hộ ngoại giao hay quân sự, những nước này chỉ nhắc lại lòng trung thành và sự hy sinh của họ trong những cuộc chiến của Mỹ ở Afganistan và Iraq trong quá khứ, và họ lo sợ Donald Trump sẽ trả lời rằng: “Không đâu hỡi những kẻ thất bại”.

Viễn cảnh mang tính hăm dọa và đầy hoài nghi này là một món quà với nước Nga, nước có vị lãnh đạo quyết đoán coi sự sụp đổ của Liên Xô là một “thảm họa địa chính trị” và ông Putin được xem là đang quyết tâm đưa Liên Xô quay trở lại.

Tờ báo Anh cho rằng đó là lí do vì sao thật không ngoa khi nói rằng ông Putin, chứ không phải Donald Trump mới là người thắng đậm nhất trong cuộc bầu cử ở Mỹ. Điều trớ trêu là ở trong nước Mỹ, ông Trump sẽ bị hạn chế rất nhiều bởi sự thiếu kinh nghiệm và bởi thể chế chính trị vững chắc của nước Mỹ.

Chiến đấu cơ Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nga đang được cho là nuôi tham vọng phục dựng lại vị thế thời Liên Xô
Chiến đấu cơ Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nga đang được cho là nuôi tham vọng phục dựng lại vị thế cường quốc thời Liên Xô

Thiệt hại thực sự sẽ diễn ra ở bên ngoài lãnh thổ, đối với Mỹ và các nước khác, những nước phụ thuộc vào quan hệ tình báo và quốc phòng với Mỹ. Các chuyên gia tình báo lo sợ rằng ông Putin sẽ đưa ra một điều kiện mặc cả cực lớn với ông Trump trong năm 2017.

Kịch bản sẽ rất đơn giản: Phương Tây dỡ bỏ cấm vận, ngừng làm phiền nước Nga của ông Putin về các vấn đề nội bộ, chấp nhận rằng Nga có vùng ảnh hưởng quân sự và chính trị ở Đông Âu và coi Nga là một nhân tố quan trọng trên toàn cầu.

Ngược lại, ông Putin cũng phải phối hợp chống khủng bố với Mỹ để chống lại mối đe dọa của các cuộc tấn công hồi giáo trên toàn thế giới, mang lại nền hòa bình cho Syria (để kết thúc dòng người nhập cư đổ dồn về châu Âu) và giảm bớt những căng thẳng quân sự ở biên giới phía tây nước Nga.

Ông Putin sẽ hứa một cách chân thành về tương lai của hòa bình và hữu nghị. Nhà tài phiệt ưa thích thương thảo Donald Trump sẽ nắm lấy cơ hội mặc cả này và coi nó như một phần của người có địa vị quốc tế.  Ông cũng có cơ hội khoe khoang về việc tiết kiệm được hàng tỷ đô la bằng việc rút quân Mỹ khỏi châu Âu.

(còn tiếp)