Các chuyên gia của hãng tin quốc phòng danh tiếng quốc tế Jane’s đã viếng thăm Trung tâm khoa học Krylov và được xem mô hình tàu chiến viễn dương tương lai của Nga.
Thiết kế này vượt trội đáng kể các tàu khu trục tương tự của phương Tây về lượng giãn nước và uy lực của hệ thống vũ khí tên lửa trên tàu.
Phó Tổng giám đốc Trung tâm, ông Valery Polyakov đã nêu ra các tính năng chung của con tàu: lượng giãn nước 15.000-18.000 tấn, chiều dài 200 m, chiều rộng 23 m, mớn nước 6,6 m, tốc độ tối đa 32 hải lý/h, thủy thủ đoàn 250-300 người, thời gian hoạt động độc lập trên biển 90 ngày đêm.
Chiến hạm này sẽ được trang bị hệ thống động lực turbine khí. Trước đó, từng có tin tàu chiến viễn dương tương lai của Hải quân Nga chắc chắn sẽ được trang bị động lực hạt nhân. Nhưng cần lưu ý rằng, sự hiện diện của chữ cái “E” trong ký hiệu thiết kế cho thấy, thiết kế tàu này chính thức được dành cho xuất khẩu.
Lịch sử đóng tàu quân sự từng biết đến các ví dụ khi các tàu cùng một họ, nhưng được lắp các loại động cơ khác nhau, ví dụ như tàu tuần dương tên lửa nguyên tử CGN-25 Bainbridge chính là tàu tuần dương lắp động cơ turbine hơi nước lớp Leahy cải tiến.
Các tàu lớp Projekt 23560E sẽ được trang bị các hệ thống phóng vũ khí vạn năng (theo các nguồn tin khác nhau thì cơ số tên lửa là 64-72 quả thuộc các họ tên lửa Kalibr và Yakhont), các bệ phóng tên lửa phòng không Redut (đến 128 quả), và 16-24 tên lửa chống ngầm. Vũ khí pháo binh trên maker này gồm 1 pháo tháp vạn năng 130 mm ở mũi tàu và có thể cả các hệ thống pháo/tên lửa phòng không-chống tên lửa tầm gần.
Ngoài ra, tàu còn có một bãi đáp trực thăng và 1 hăng-ga chứa được 2 trực thăng. Trên maket tàu có bố trí 1 mô hình trực thăng Kа-27.
Theo ông Polyakov, tàu khu trục tương lai với tên gọi Shkval dùng cho các hoạt động viễn dương, tiêu diệt các mục tiêu mặt nước và mặt đất, tăng cường khả năng sống còn cho các binh đoàn tàu, bảo đảm phòng không/phòng thủ tên lửa khu vực.
Xét về năng lực tiềm tàng, lượng giãn nước, vũ khí trang bị, tàu của Nga vượt trội không chỉ các loại tương tự của nước ngoài mà còn vượt qua các ranh giới của lớp tàu khu trục. Lớp tàu khu trục lớn nhất của Mỹ là Zumwalt (tàu đầu tiên đang được đóng hoàn thiện) có lượng giãn nước 14.798 tấn và các hệ thống phóng thẳng đứng vạn năng với 80 ô phóng dành cho các tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống ngầm ASROC. Trong các ô phóng này có thể bố trí cả các tên lửa phòng không RIM-162 ESSM (mỗi ô 4 quả), nhưng chúng chỉ có tầm bắn gần 50 km.
Giới hạn lượng giãn nước “đến 18.000 tấn” được công bố ở giai đoạn đầu thiết kế trong xu thế tăng chung cho phép phỏng đoán tàu chiến tương lai lớp Projekt 23560E Shkval cuối cùng có thể có lượng giãn nước gần bằng các tàu tuần dương lớp Projekt 1144 Kirov (lượng giãn nước tiêu chuẩn là gần 25.000 tấn). Có lẽ vì thế mà các quan chức Hải quân Nga thường tránh liệt tàu chiến mới vào lớp “khu trục” mà chỉ nói mơ hồ là “tàu mặt nước viễn dương”. Việc xếp loại tàu này xem ra còn để ngỏ.
Theo VND