Nga dùng kế vực giá dầu, Mỹ vội tung chiêu hóa giải

Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng Mỹ cũng chính thức quay trở lại xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới, chấm dứt khoảng thời gian 40 năm lệnh cấm xuất khẩu dầu được Tổng thống Gerald Ford ký vào năm 1975.
Nga dùng kế vực giá dầu, Mỹ vội tung chiêu hóa giải

Những lô hàng xuất khẩu dầu đầu tiên từ Mỹ đang bắt đầu rời khỏi các hải cảng của nước này để chuyển đến châu Âu trong ngày 29.1.2016, chính thức đánh dấu sự quay trở lại của Mỹ trong thị trường xuất khẩu dầu với tư cách một cường quốc có sản lượng khai thác thuộc hàng cao nhất thế giới. Sự kiện này đang được đánh giá sẽ tạo nên một bước ngoặt lớn trên thị trường dầu thế giới vốn vẫn đang là một trong những thị trường nóng bỏng thời điểm hiện tại. Trong tương lai gần, giá dầu có thể sẽ không thay đổi nhiều, nhưng sự thay đổi về thị phần là điều chắc chắn sẽ xảy ra, khi Mỹ đã quay trở lại cuộc chơi.

Trên thực tế, việc Mỹ quay trở lại xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Lý do khiến chính phủ Mỹ của Tổng thống Gerald Ford ký lệnh cấm xuất khẩu dầu vào mùa đông năm 1975 là vì an ninh năng lượng của nước Mỹ, sau khi nước này bị các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC) ngưng bán dầu do đã ủng hộ đồng minh là Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur với các nước Ả Rập trong năm 1973. Điều này khiến nước Mỹ rơi vào cảnh an ninh năng lượng quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng do thiếu nguồn dầu nhập khẩu để phục vụ nền kinh tế, và buộc Tổng thống Gerald Ford ký sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu để phục vụ nhu cầu trong nước trước.

Lệnh cấm xuất khẩu dầu này của Mỹ về cơ bản mang ý nghĩa tránh sự đe dọa đến an ninh năng lượng quốc gia, vì thế nó bắt đầu được xem xét dỡ bỏ khi mà sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng vọt sau cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến. Với cuộc cách mạng trong lĩnh vực khai thác dầu đá phiến, sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã tăng gần gấp đôi, đạt mức 9,2 triệu thùng/ngày cách đây gần 2 năm, và theo số liệu thống kê không chính thức thì sản lượng khai thác thực hiện nay của Mỹ đã lên tới 13,9 triệu thùng/ngày, là mức cao nhất trên thế giới, trong đó có phân nửa là dầu đá phiến. Cùng với đó là việc dự trữ dầu của Mỹ cũng đã tăng lên mức kỷ lục, khoảng 100 ngày đủ cung cấp cho thị trường trong nước, tức đủ đảm bảo an toàn trong trường hợp xấu nhất.

Không còn phải lo ngại về an ninh năng lượng, Mỹ cuối cùng đã chính thức quay trở lại thị trường xuất khẩu dầu khi Tổng thống Barack Obama ký quyết định hủy bỏ sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu vào tháng 12.2015. Ngay lập tức các đơn hàng đã được chuyển đến, ngay từ đêm giao thừa năm mới 2016, các hãng dầu Mỹ như Conoco Phillips đã bắt đầu bơm dầu từ các giếng ở Texas để bắt đầu vận chuyển đến vùng Bavaria ở Đức. Các tàu chở dầu thô của Mỹ cũng bắt đầu xuất phát từ cảng Houston để đến cảng Marseilles của Pháp, từ đó nó sẽ được vận chuyển đến nhà máy lọc dầu ở Thụy Sĩ.

Có nhiều điều để nói về sự kiện quan trọng này. Thứ nhất, trái với dự đoán, nó sẽ không tác động nhiều đến giá dầu trên thị trường thế giới. Vì yếu tố chủ đạo nhất tác động đến giá dầu hiện nay là sự dư thừa nguồn cung do sản lượng khai thác của các quốc gia trên thế giới quá cao. Nếu sản lượng khai thác trên toàn cầu vẫn không đổi, thì dù Mỹ có xuất khẩu dầu trở lại cũng không tác động đến tổng cung toàn cầu, nghĩa là không thể tác động tới giá cả trên thị trường. Trên thực tế thì dù bắt đầu xuất khẩu dầu trở lại, Mỹ vẫn đang là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ, ở mức khoảng hơn 6 triệu thùng/ngày để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự kiện Mỹ bắt đầu xuất khẩu dầu trở lại này có thể tác động tới thị phần trên thị trường thế giới. Nếu các nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh bắt đầu nhập khẩu dầu của Mỹ thì dĩ nhiên họ sẽ giảm nhập khẩu dầu từ Nga và các nước OPEC. Dù sự thay đổi thị phần này không đáng kể trong tương lai gần, khi giá dầu xuất khẩu của Mỹ cũng không rẻ hơn mấy so với dầu của Nga hay Ả Rập Saudi, tuy nhiên về lâu dài thì điều này có thể sẽ khác. Ở thời điểm hiện tại, lý do chủ yếu khiến các nước EU nhập khẩu dầu từ Mỹ là do yếu tố chính trị, chủ yếu là các nước này muốn đa dạng nguồn cung thay vì phụ thuộc vào dầu từ Nga như trước. Theo dự báo, EU sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu từ Mỹ đến một tỷ lệ nhất định đủ để cân bằng với tỷ trọng dầu nhập khẩu từ Nga. Dĩ nhiên là điều này đồng nghĩa với việc Nga và Ả Rập Saudi sẽ mất một lượng thị phần nhất định tại thị trường EU béo bở.

Không chỉ ở châu Âu, mà Nga và Ả Rập Saudi cùng các nước OPEC còn đang bị Mỹ cạnh tranh thị phần ở châu Mỹ Latinh và châu Á. Chẳng hạn như tại Mexico, Mỹ đã chính thức chấp nhận xuất khẩu dầu thô ngọt nhẹ sang Mexico, ngay cả một nước nằm trong OPEC ở châu Mỹ Latinh là Venezuela cũng đang nhăm nhe nhập khẩu một số sản phẩm dầu của Mỹ để trộn với loại dầu nặng hơn của nước này, để tạo ra những sản phẩm dễ bán hơn trên thị trường. Một số quốc gia châu Á cũng bắt đầu tính đến việc nhập khẩu dầu từ Mỹ để đa dạng hóa nguồn cung thay vì phụ thuộc vào Nga và Ả Rập Saudi như trước.

Trong ngắn hạn, việc Mỹ xuất khẩu dầu trở lại sẽ không tác động nhiều tới giá dầu và thị phần trên thị trường thế giới. Nhưng về lâu dài, nó đang tạo ra một sức ép rất lớn đe dọa cả Nga lẫn Ả Rập Saudi cả về giá cả lẫn thị phần. Việc Mỹ chính thức xuất khẩu dầu trở lại sang châu Âu, và nhu cầu với dầu Mỹ trên toàn thế giới tăng lên, có thể khiến cho ngành khai thác dầu ở Mỹ tăng trưởng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ có thể xuất khẩu khoảng 750.000 thùng/ngày, và theo giám đốc điều hành của hãng dầu ConocoPhillips là Ryan Lance thì Mỹ có thể đạt sản lượng xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng/ngày trong vòng 5 năm tới.

Nhu cầu xuất khẩu dầu sang châu Âu và các nước Mỹ Latinh đang khiến ngành công nghiệp khai thác dầu tại Mỹ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là trong tương lai gần. Một hợp đồng trị giá 5 tỉ USD đã được Canada Enbridge Inc dùng để xây dựng ba đường ống dẫn dầu giữa Houston và New Orleans cho phép vận chuyển dầu ra các hải cảng nhanh chóng để xuất khẩu sang châu Âu. Một loạt các hợp đồng tăng sản lượng khai thác cũng bắt đầu được các hãng dầu Mỹ triển khai, khi mà nhu cầu của thị trường hiện nay là rất lớn.

Ngoài việc cung cấp dầu cho thị trường châu Âu và Mỹ Latinh, Mỹ vẫn cần gia tăng sản lượng để cung cấp cho thị trường trong nước vốn vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 6 triệu thùng/ngày do nhu cầu của thị trường nội địa Mỹ quá cao, lên tới hơn 18 triệu thùng/ngày.

Điều này sẽ khiến cho trong tương lai, tổng sản lượng khai thác trên thị trường thế giới sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, và có thể lại khiến cho giá dầu sụt giảm do dư thừa nguồn cung quá nhiều. Đây có thể là một tin buồn cho Nga và Ả Rập Saudi, khi mà hai quốc gia này đang có ý định bắt tay nhau cùng giảm sản lượng để vực dậy giá dầu. Theo tin tức mới nhất, giá dầu đã tăng trở lại mức trên 34 USD/thùng trong ngày 29.1 do có tin tức Nga sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 6,4% trong năm nay. Nhưng với việc Mỹ tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Âu, thì có thể sự tăng giá đó sẽ không kéo dài lâu.

Theo Wall Street Journey, Một thế giới