Nga đưa tên lửa siêu thanh “không thể bị chặn” vào thực chiến, Tổng thống Putin tuyên bố cho Mỹ “hít khói”!

VietTimes -- Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố rằng Nga có lợi thế lớn trong việc thiết kế các loại vũ khí mới và là quốc gia duy nhất trên thế giới đủ khả năng để triển khai các vũ khí siêu thanh.
Tổng thống Putin nói rằng giờ Mỹ phải cố gắng để bắt kịp Nga trong phát triển vũ khí siêu thanh (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin nói rằng giờ Mỹ phải cố gắng để bắt kịp Nga trong phát triển vũ khí siêu thanh (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức chóp bu trong quân đội vào ngày 24/12 (giờ địa phương), ông chủ Điện Kremlin nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nga dẫn đầu thế giới trong công cuộc phát triển một lớp vũ khí hoàn toàn mới, không giống như trong quá khứ khi mà Nga phải rượt đuổi theo nước Mỹ.

Lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng trong khoảng thời gian Chiến tranh Lạnh, Liên Xô bị tụt hậu so với Mỹ xét về thiết kế bom nguyên tử và chế tạo các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như các máy bay ném bom chiến lược.

“Giờ đây, chúng ta đã đi tới một tình thế độc nhất trong lịch sử hiện đại, khi mà họ phải cố gắng để bắt kịp chúng ta” – ông Putin nói – “Không có một quốc gia nào sở hữu vũ khí siêu thanh, chứ chưa nói đến vũ khí siêu thanh có tầm bắn liên lục địa”.

Lầu Năm Góc và các cơ quan trực thuộc quân đội Mỹ cũng đang ra sức phát triển các vũ khí siêu thanh trong những năm gần đây, và hồi tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói ông tin rằng “chỉ trong vòng vài năm tới” là Mỹ sở hữu vũ khí siêu thanh. Ông cũng xem việc phát triển vũ khí siêu thanh là một nhiệm vụ ưu tiên.

Mỹ cũng từng liên tục cảnh báo cho Quốc hội về các loại tên lửa siêu thanh đang được phát triển bởi Nga và Trung Quốc – vốn rất khó để theo dõi và bắn chặn. Giới chức Mỹ từng đề xuất đặt một lớp cảm biến trên không gian để phát hiện tên lửa thù địch nhanh chóng hơn, đặc biệt là nhằm đối phó các vũ khí siêu thanh tối tân.

Chính quyền Mỹ thậm chí còn bàn về ý tưởng đặt hệ thống đánh chặn tên lửa trên không gian để có thể bắn chặn tên lửa của kẻ địch trong thời điểm chỉ vài phút sau khi chúng được phóng ra.

Trong lúc đưa ra bình luận về bài phát biểu của ông Putin, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Robert Carver nói rằng: “Chúng tôi đã nghe báo cáo nhưng không có gì để nói thêm về tuyên bố của phía Nga”.

Tên lửa siêu thanh Avangard dự kiến đi vào hoạt động ngay trong tháng này, theo ông Putin (Ảnh: Getty)
Tên lửa siêu thanh Avangard dự kiến đi vào hoạt động ngay trong tháng này, theo ông Putin (Ảnh: Getty)

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin nói rằng đơn vị đầu tiên được trang bị tên lửa siêu thanh Avangard dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng này, trong khi các tên lửa siêu thanh phóng từ trên không Kinzhal đã được đưa vào biên chế quân đội từ trước đó.

Lãnh đạo Nga lần đầu tiên nhắc tới tên lửa siêu thanh Avangard và Kinzhal cùng nhiều loại vũ khí tối tân khác trong Thông điệp liên bang phát đi vào tháng 3/2018.

Ông Putin nói rằng tên lửa Avangard có tầm bắn liên lục địa và có thể bay trong bầu khí quyển với vận tốc nhanh gấp 20 lần vận tốc âm thanh. Ông nhấn mạnh rằng Avangard còn có thể thay đổi đường bay và độ cao để tránh né các hệ thống đánh chặn tên lửa của địch thủ.

“Nó là thứ vũ khí của tương lai, có khả năng xuyên thủng cả các hàng phòng thủ ở hiện tại và trong tương lai” – ông Putin nói trong bài phát biểu ngày 24/12.

Tên lửa Kinzhal – được trang bị cho các phi cơ chiến đấu MiG-31 – đã được bàn giao cho Không quân Nga từ năm ngoái. Ông Putin từng nói, tên lửa này có vận tốc nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, có tầm bắn trên 2.000 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn truyền thống. Quân đội Nga còn nói nó có thể tấn công cả các mục tiêu trên đất liền lẫn các tàu trên biển.

Mỹ và các nước khác cũng đang gấp rút thiết kế vũ khí siêu thanh, nhưng đến nay vẫn chưa có vũ khí nào như vậy được đưa vào biên chế quân đội.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal được trang bị trên chiến đấu cơ MiG-31 của Nga (Ảnh: RT)
Tên lửa siêu thanh Kinzhal được trang bị trên chiến đấu cơ MiG-31 của Nga (Ảnh: RT)

Chính quyền Moscow đã biến việc hiện đại hóa quân đội trở thành ưu tiên hàng đầu của họ trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây và sau sự kiện Crimea trở lại thành một phần của nước Nga vào năm 2014.

Trong hô 24/12 vừa qua, Tổng thống Putin đã mô tả việc NATO xây dựng lực lượng sát nách Nga và việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) như những mối đe dọa an ninh hàng đầu. Ông cho rằng Nga cần phải sở hữu những thứ vũ khí tốt nhất trên thế giới để ngăn chặn những mối đe dọa như vậy.

“Đây không phải một ván cờ, để một ván hòa cũng có thể coi là ổn” – ông Putin nói – “Công nghệ của chúng ta cần phải tốt hơn. Chúng ta có thể đạt được điều đó trong những lĩnh vực quan trọng, và chúng ta sẽ đạt được”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay quân đội Nga trong năm nay đã nhận được 143 chiến đấu cơ và trực thăng chiến đấu, 624 xe thiết giáp, 1 tàu ngầm và 8 chiến hạm. Ông nói rằng công cuộc hiện đại hóa quân đội Nga sẽ còn tiếp tục với cùng tốc độ trong năm tới. Dự kiến sẽ có thêm 22 tên lửa đạn đạo liên lục địa, 106 chiến đấu cơ mới, 565 xe thiết giáp, 3 tàu ngầm và 14 chiến hạm sẽ được đưa vào biên chế quân đội Nga trong năm 2020.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, việc phát triển các loại vũ khí trong tương lai, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat, siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon và tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.

Trong số vũ khí nêu trên thì tên lửa Burevestnik là gây nhiều tranh cãi nhất. Mỹ và Liên Xô đều từng nghiên cứu về động cơ tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh, nhưng cuối cùng buộc phải hủy dự án vì cho rằng nó quá nguy hiểm.

Tên lửa Burevestnik được cho là đã phát nổ trong quá trình thử nghiệm hồi tháng 8 năm nay, khiến 5 kỹ sư và 2 nhân viên khác thiệt mạng, cùng lúc làm tăng mức độ phóng xạ ở khu vực lân cận. Giới chức Nga chưa từng nêu rõ về loại vũ khí liên quan tới vụ tai nạn đó, nhưng Mỹ cho rằng đó là Burevestnik.