Theo Debka, hệ thống tên lửa Iskander của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và chưa từng được điều động cho các lực lượng quân đội nước ngoài sử dụng. Các tên lửa này có tầm bay 500 km.
Việc Nga điều động hệ thống tên lửa này tới Syria là yếu tố được cho sẽ làm thay đổi tình thế về phương diện cân bằng lực lượng tại Trung Đông.
Trang DEBKA nhận định, với động thái điều tên lửa Iskander tới Syria, việc Nga quyết định rút bớt lực lượng quân đội của họ ra khỏi nước này rõ ràng chỉ là một phần của bức tranh: Các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom được rút ra, nhưng cũng rất nhanh là sự trở lại của các hệ thống tên lửa tối tân trong kho vũ khí của Nga.
Tên lửa Iskander-M của Nga tại Syria - Ảnh: Debka |
Ngày 15-3, Matxccơva tuyên bố hệ thống tên lửa đất đối không S-400 sẽ ở lại Syria sau lệnh rút quân. Mười ngày sau đó, ngày 25-3, hệ thống tên lửa Iskander-M đã có mặt. Iskander-M được đánh giá là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn số một thế giới hiện nay.
Với sự phối hợp các hệ thống tên lửa, căn cứ không quân ở Hmeimim đã trở thành nơi tập trung những tên lửa tiên tiến nhất tại Trung Đông.
Bệ phóng tên lửa lưu động của Iskander-M chứa hai quả tên lửa. Chỉ cần vài phút để chuẩn bị cho việc phóng và hai tên lửa có thể phóng độc lập.
Trong quá trình chiến đấu, nhóm điều khiển hệ thống tên lửa có thể điều chỉnh lại mục tiêu, chỉnh sửa nếu cần thiết để có thể nhằm vào những mục tiêu đang di chuyển của kẻ địch.
Một tính năng đặc biệt khác nữa của tên lửa Iskander-M là khả năng kiểm soát đầu đạn của nó bằng một sóng radio được mã hóa mà ngay cả các máy bay không người lái và máy bay cảnh báo sớm cũng không thể đánh chặn. Chính vì thế mà tên lửa có thể lao thẳng tới mục tiêu mà không thể bị bắn hạ.
Theo Tuổi Trẻ