Nga “điểm huyệt”, Mỹ - NATO không dám lập vùng cấm bay tại Syria

Tướng hàng đầu Lầu Năm Góc vừa thừa nhận không thể thiết lập một vùng cấm bay tại Syria do các quân đội đối địch như Nga và Syria sẽ thách thức và phá vỡ nó, US News tường thuật.
Nga đã triển khai hệ thống S-400 khét tiếng tại Syria
Nga đã triển khai hệ thống S-400 khét tiếng tại Syria

Thượng nghị sĩ nổi danh đảng Cộng hòa John McCain đã chỉ trích kế hoạch chiến tranh của chính quyền Obama hôm 9/12, khi Lầu Năm Góc thừa nhận không thiết lập được vùng cấm bay tại Syria do lo sợ chạm trán với quân đội Nga và Syria.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân bị Thượng viện Mỹ, tướng không quân Paul Selva, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân nói quân đội Mỹ có khả năng thiết lập một khu vực tại Syria có thể được không quân bảo vệ và được dùng như một vùng an toàn cho những người tị nạn bỏ chạy khỏi nhà. Tuy nhiên, thực tế chính trị và chính sách đang hạn chế khả năng của Mỹ làm việc này.

“Nếu chúng tôi được hỏi chúng ta có thể làm việc đó không, câu trả lời là có. Nhưng liệu chúng ta có muốn lao vào một cuộc xung đột trực tiếp với hệ thống phòng không đồng bộ của Syria hoặc quân đội Syria hay tất yếu là một cuộc chạm trán với người Nga? Liệu họ có chọn cách phản đối khu vực cấm bay? Chúng tôi đã không đề xuất việc này vì tình hình chính trị trên thực tế và khả năng tính toán nhầm tiềm tàng và việc hy sinh tính mạng người Mỹ trên bầu trời trong nỗ lực bảo vệ vùng cấm bay không bảo đảm khu vực cấm bay”, tướng Selva nói.

Câu trả lời của tướng Selva, tướng lĩnh cao cấp thứ hai của quân đội Mỹ và là trưởng cố vấn của Tổng thống Barack Obama rõ ràng đã khiến một số thành viên Ủy ban giận dữ, đặc biệt là chủ tịch Ủy ban John McCain.

Bộ trưởng Quốc phòng Carter và tướng Selva điều trần tại Thượng viện Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Carter và tướng Selva điều trần tại Thượng viện Mỹ

“Tướng quân, tôi phải nói rằng đây là một trong những phát biểu khó nghe nhất tôi từng nghe từ một sĩ quan quân đội. Năng lực thật đáng nể”, ông McCain, một trong những người đòi lập vùng cấm bay tại Syria từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria bùng phát mỉa mai.

Cuộc đối đáp nóng bỏng cho thấy tâm điểm của những chỉ trích nhằm vào cách xử lý cuộc nội chiến Syria của chính quyền Obama, bùng phát năm 2011 và sau đó là cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lợi dụng bất ổn khu vực để trỗi dậy và chiếm cứ một khu vực rộng lớn cả ở Syria và Iraq.

Quyền lực và sự hùng mạnh của IS đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng của quốc tế, nhất là sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris, San Bernardino và những nơi khác. Những người phản đối, bao gồm McCain cho rằng Mỹ cần tập trung vào một đòn quyết định đánh bại mạng lưới khủng bố cực đoan trước khi khôi phục lại các xã hội khu vực để bảo đảm các nhóm khủng bố khác không nổi lên sau đó, như IS sau khi triệt phá al-Qaida tại Iraq.

Tuy nhiên, Nhà Trắng lại tập trung vào việc tránh làm lợi cho IS tuyên truyền rằng chúng đang chuẩn bị một trận chiến tôn giáo giữa những người đạo Hồi và những kẻ xâm lược phương Tây, vốn rất hiệu quả trong việc chiêu một những thanh niên trẻ. Tuy nhiên, ông Obama có vẻ đánh mất phần nào uy quyền trong trong cuộc chiến chống IS sau làn sóng chỉ trích của giới chức cao cấp, bao gồm tất cả các cựu Bộ trưởng Quốc phòng của mình, rằng Nhà Trắng đã giảm nhẹ những chi tiết quan trọng của chiến dịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cùng tham gia điều trần với tướng Selva cho biết các chỉ huy mới nhận nhiệm vụ giám sát chiến dịch chống IS được quyền “trong nhiều trường hợp” ra lệnh cho một đơn vị đặc nhiệm tiến hành các cuộc đột kích tại Iraq và Syria. Toàn bộ sự thay đổi trong cuộc chiến chống IS của Mỹ có nghĩa Mỹ sẽ tham chiến trên bộ sâu hơn.

Ông Carter còn cung cấp thêm rằng các chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm sẽ giúp chỉ điểm cho các cuộc không kích. Họ sẽ ra khỏi tổng hành dinh trước đó bị hạn chế và hiện giờ sát cánh với các lực lượng địa phương trên thực địa để cải thiện sự chính xác của các đợt không kích.

Lưới lửa phòng không đa tầng của Nga tại Syria

Pantsir-S1 và Buk-M2E là hai hệ thống phòng không tầm gần. “Mãnh thú” Pantsir-S1 được xem là hệ thống vũ khí “uy lực” nhất mà quân đội Nga đang sở hữu. Nó được phát triển để phát hiện, tiêu diệt các mục tiêu bay thấp như máy bay cánh cố định, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường, máy bay không người lái và kể cả mục tiêu trên bộ.

“Sức mạnh” của Pantsir-S1 là 12 tên lửa đánh chặn 57E6 có tầm bắn hiệu quả tối đa 20 km, tầm cao 15 km. Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị 2 pháo cỡ nòng 30 mm, tầm bắn hiệu quả 4km với khả năng khai hỏa lên đến 2.500 phát/phút. Buk-M2 (phiên bản xuất khẩu là Buk-M2E) là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tự hành tốt nhất thế giới hiện nay. Buk-M2E có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách 50km, độ cao tối đa là 25km; có thể phóng và tiêu diệt 24 mục tiêu cùng lúc.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24,  quân đội Nga đã đặt tàu tuần dương hạm tên lửa Moskva ngoài khơi Syria vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Chiến hạm này được trang bị hệ thống phòng không S-300 phiên bản hải quân, có tầm bắn lên tới 90 dặm.

Tiếp đó, Nga lại điều hệ thống tên lửa khét tiếng S-400 tới căn cứ không quân tại Latakia, Syria. S-400 có tầm bắn 400 km, có thể từ căn cứ Latakia ở tây bắc Syria mà bắn sâu vô lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ - nước vừa bắn hạ chiếc Su-24 của Nga - cũng như bắn rơi bất kỳ máy bay nào của Mỹ hay đồng minh trên bầu trời Syria.

Theo QPAN