Những căng thẳng hiện nay giữa Nga và NATO đang khiến nhiều người phải cẩn thận đánh giá câu hỏi này và kiểm tra trình độ vũ khí và công nghệ của quân đội Nga hiện nay để có thể hiểu rõ mức độ các mối đe dọa mà Nga có thể gây ra với Mỹ và phương Tây.
Theo National Interest, những hoạt động quân sự của Nga và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến nhiều chuyên gia phân tích tại Lầu Năm Góc phải băn khoăn và đánh giá tốc độ hiện đại hóa quân sự hiện nay của Nga và tình trạng quân đội và vũ khí của cường quốc quân sự này.
Nga rõ ràng đã thể hiện với NATO là đối trọng hoặc ngăn chặn liên minh này, tuy nhiên, một số lần kiểm tra quân đội Nga hiện nay đã để lộ một số vấn đề về khả năng hiện tại của Nga trong việc thách thức NATO trong một vụ can thiệp quân sự dốc toàn lực lâu dài.
Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục nâng cấp quân đội và nhiều chuyên gia Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan ngại về tư thế của quân đội NATO ở Đông Âu, liệu lực lượng đó có đủ để ngăn chặn Nga không tấn công Đông Âu.
Ngoài ra, những sức ép kinh tế của Nga vẫn không làm chậm những cam kết nhanh chóng hiện đại hóa quân đội và tăng cường ngân sách quốc phòng của nước này. cho dù thực tế, quân đội Nga hiện nay chỉ bằng một phần so với thời kỳ đỉnh cao những năm 1980 trong Chiến tranh lạnh.
Mặc dù lãnh thổ và biên giới của Nga hiện nay nhỏ hơn rất nhiều so với thời Liên Xô những năm 1980, nhưng lực lượng quân đội thông thường trên đất liền, trên không và trên biển đều đang cố gắng nhanh chóng mở rộng, chuyển sang thời kỳ thông tin công nghệ cao và dần bắt kịp các nền tảng quân sự thế hệ mới.
Kho vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân của Nga hiện nay chỉ là một phần nhỏ so với thời kỳ Chiến tranh lạnh, cho dù nước này đang theo đuổi một loạt các vũ khí hiện đại như tàu ngầm theo công nghệ AIP, máy bay chiến đấu tàng hình T-50, tên lửa thế hệ mới và các thiết bị công nghệ cao cho binh sĩ trên bộ.
National Interest gần đây đã công bố một số báo cáo về sự tiến bộ công nghệ của các nhà phát triển quân sự Nga. Những báo cáo này bao gồm các bài viết về vũ khí chống vệ tinh mới của Nga, siêu tăng T-14 Armata, hệ thống phòng không và các kế hoạch ban đầu phát triển máy bay chiến đấu siêu thanh thế hệ thứ 6. Theo các báo cáo từ National Interest và các cơ quan khác, Nga rõ ràng là đang tập trung hiện đại hóa quân sự và đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Chẳng hạn Nga đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa chống vệ tinh lên thẳng Nudol.
“Đây là lần thứ hai thử nghiệm vũ khí mới này, tên lửa này có khả năng tiêu diệt các vệ tinh trong không gian. Vũ khí này rõ ràng được phóng tử cơ sở phóng thử nghiệm Plesetsk phía bắc Mátxcơva”, National Interest cho biết.
Ngoài ra một báo cáo khác cũng cho biết Lực lượng dù Nga dự định phát triển thêm sáu đơn vị bọc thép được trang bị xe tăng cải tiến mới T-72B3M. Trong vòng hai năm tới, sáu đơn vị này sẽ được mở rộng lên cấp tiểu đoàn, National Interest khẳng định.
Nga cũng được cho là đang phát triển xe bọc thép “Terminator 3” (Kẻ hủy diệt-3) – phương tiện hỗ trợ xe tăng chiến đấu.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, ngân sách quốc phòng của Liên Xô chiếm gần một nửa chi tiêu của cả nước. Hiện nay, chi tiêu quân sự của Nga chỉ chiếm một phần trong chi tiêu của cả nước. Dù cho có những khác biệt lớn như vậy so với những năm 1980, nhưng ngân sách quốc phòng của Nga đang tăng lên rất nhanh. Từ năm 2006 đến 2009, con số này đã nhảy vọt từ 25 tỷ USD lên tới 50 tỷ USD, và năm 2013, con số này là 90 tỷ USD, theo số liệu của Business Insider.
Nhìn chung, quân đội quy ước của Nga trong thời Chiến tranh lạnh lớn gấp 5 lần hiện nay về kích cỡ. Năm 2013, quân đội Nga có gần 766.000 binh sĩ thường trực và gần 2,4 triệu quân dự bị, theo số liệu từ globalfirepower.com. Trong thời Chiến tranh lạnh, quân đội Nga có khoảng 3 đến 4 triệu quân.
Theo đánh giá năm 2013, quân đội Nga hiện có hơn 3.000 máy bay và 973 trực thăng. Trên bộ globalfirepower.com cho biết Nga có 15.000 xe tăng và 27.000 xe thiết giáp và gần 6.000 pháo tự hành cho pháo binh. Trong khi quân đội Nga có thể không lớn như trước đây, nhưng Nga đã rất nỗ lực hiện đại hóa và duy trì các vũ khí và nền tảng máy móc. Ví dụ xe tăng T-72 của Nga đã được nâng cấp rất nhiều lần kể từ lần đầu chế tạo vào những năm 1970.
Về hải quân, Globalfirepower.com ước tính hải quân Nga có 352 tàu, trong đó có 1 tàu sân bay, 13 tàu khu trục và 63 tàu ngầm. Biển Đen là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược với Nga về kinh tế và địa chính trị vì Biển Đen bảo vệ lối ra Địa Trung Hải của Nga.
Các chuyên gia cũng cho rằng quân đội Nga đã chế tạo nhiều vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân trong những năm 1980, từ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tới các hệ thống tên lửa phòng không rất đáng sợ.
Thực tế, hệ thống phòng không chống máy bay S-300 và S-400 do Nga xây dựng được cho là cực kỳ hiệu quả nếu tiếp tục duy trì và hiện đại hóa.
(còn tiếp)