Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Iran ngày 4/10, nhà lãnh đạo Syria nói chiến dịch không kích kéo dài một năm qua của không quân Ả-rập và Mỹ tại Syria và Iraq đã phản tác dụng, chỉ khiến khủng bố lan rộng và tuyển mộ thêm được nhiều chiến binh thánh chiến mới. Ông cho rằng một liên minh gồm Syria, Nga, Iran và Iraq có thể đạt được các kết quả thực sự. Ông Assad phát biểu một ngày sau khi Nga tăng cường chiến dịch không kích nhằm vào nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Phải thành công, nếu không chúng ta sẽ đối mặt với sự hủy diệt của toàn khu vực, chứ không chỉ một hay hay quốc gia. Các quốc gia hỗ trợ khủng bố không thể chiến đấu với khủng bố. Đó là sự thật mà của liên quan mà chúng tôi nhìn thấy… Đó là lý do tại sao sau chiến dịch kéo dài hơn một năm, chúng ta không nhìn thấy kết quả nào. Chúng ta chỉ nhìn thấy điều ngược lại. Chủ nghĩa khủng bố đã mở rộng và có thêm nhiều tình nguyện viên và các tân binh”, ông Assad nói.
Nga cho biết ngày 4/10, các máy bay đã tiến hành 20 đợt xuất kích tại Syria và tấn công 10 mục tiêu IS trong vòng 24 giờ, bao gồm một trại huấn luyện và một cơ sở sản xuất bom cảm tử. “Chúng tôi đã cắt đứt hệ thống kiểm soát của chúng, các tuyến tiếp tế của tổ chức khủng bố và gây những thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng được sử dụng cho những hành động khủng bố”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố và cho biết đã dùng bom thông minh để tấn công chính xác mục tiêu.
Tuy nhiên, Mỹ, Pháp và Anh cáo buộc các đợt không kích của Nga nhằm hỗ trợ quân đội của ông Assad sau khi quân nổi dậy đang thắng thế. Mỹ và các nước phương Tây đã cáo buộc Nga tấn công phe đối lập ôn hòa đang chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Lực lượng ôn hòa này được Mỹ ủng hộ. Mátxcơva đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này. “Họ đang ủng hộ Assad , đó là một sai lầm khủng khiếp với họ và thế giới”, ngoại trưởng Anh David Cameron nói.
Phương Tây luôn cho rằng một giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua tại Syria phải bao gồm việc tổng thống Assad từ chức. Tuy nhiên, ngoại trưởng Syria tuần trước nói rằng ông Assad không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào gạt ông ta khỏi vị trí đứng đầu nhà nước tạm quyền, theo kế hoạch mà Mỹ và Nga nêu ra.
Ông Assad được Iran theo dòng Hồi giáo Shiite hậu thuẫn. Tehran hỗ trợ quân sự cho Syria thông qua nhóm Hezbollah, các chiến binh Shiite người Iraq và Afghan cũng đang chiến đấu bên cạnh quân đội chính phủ Syria. Cũng không hề có dấu hiệu phe chống đối ông Assad gồm hàng trăm nhóm phiến quân được A rập Xê út và các nước Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực hậu thuẫn sẽ nhượng bộ.
Bloomberg nhận định, với hàng trăm nhóm nổi dậy và các chiến binh nước ngoài tranh giành quyền thống trị ở Syria, thậm chí ngay cả khi ông Assad bị loại khỏi quyền lực, dường như không thể ghép họ lại với nhau ở một đất nước duy nhất sau 4 năm chiến tranh. “Chúng tôi thấy thực tế chiến trường bị chia rẽ sâu sắc từ khi nghị trình ngoại giao khởi động. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng đều chỉ đánh dấu sự bắt đầu một giai đoạn bất ổn mới tại Syria”, phó chủ tịch hãng phân tích Stratfor nói.
Nga khẳng định chiến dịch không kích được thực hiện theo đề nghị của tổng thống Assad nhằm hỗ trợ trên không cho các binh sĩ chính phủ, hiện đang vật lộn với việc ngăn chặn sự lan rộng của các nhóm phiến quân. Sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria, nơi các liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS, đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đang gây ra tranh cãi nóng bỏng. Nhà phân tích chính trị Đức Phil Butler cho rằng, một thẳng lợi của Nga cũng sẽ là thắng lợi của Syria và khu vực. Ông Butler phát biểu trên Sputnik rằng điều đó cũng có nghĩa sự bá quyền của Mỹ sẽ chấm dứt. Nga quyết định điều quân can thiệp là đáp lại đề nghị chính thức từ chính quyền được bầu lên một cách hợp pháp tại Syria.
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Syria có thể sẽ trở thành “Afghanistan thứ hai" đối với Nga. Theo Butler, sự ầm ĩ trên truyền thông Mỹ cho thấy rõ ràng bằng cách ném bom khủng bố tại Syria, Nga đã chạm vào dây thần kinh của Washington. Kết quả sau một năm liên minh do Mỹ dẫn đầu không kích IS đã không những chẳng tiêu diệt được chúng mà thậm chí IS còn giành được nhiều lãnh thổ hơn.
Chiến dịch không kích của liên quân Mỹ đã chứng tỏ không hiệu quả, nhất là do Washington không muốn phối hợp với quân đội Syria trên mặt đất. Vậy Mỹ sẽ có những bước đi nào để xốc lại ảnh hưởng đang suy giảm tại Trung Đông? Rất khó hình dung Mỹ sẽ chỉ khoanh tay đứng nhìn xem Nga và Iran tiêu diệt khủng bố, chiếm lĩnh khu vực. “Tôi tin chính quyền Obama sẽ tiếp tục chỉ trích ông Putin và Nga. Họ sẽ dùng quyền lực làm mọi thứ để biến Syria thành bãi lầy như ông Obama cảnh báo ông Putin”, ông Butler nhận định.
Theo Butler, việc thay thế một giải pháp do Mỹ chủ xướng là điều khó hình dung với bất cứ ai mong muốn chấm dứt cuộc chiến trong khu vực. Mặt khác, nếu như ông Putin giành chiến thắng, Nga sẽ cho thế giới thấy Mỹ và đồng minh chẳng hề có giải pháp để đánh bại khủng bố. Theo kịch bản này, một thắng lợi của Nga là thắng lợi của Syria và cả khu vực bởi lẽ một giải pháp hòa bình nào đó có thể được chấp thuận một khi sự ổn định được khôi phục”, ông nói.
Theo Tiền Phong